NTK Thủy Nguyễn là một trong những “bông hồng” xinh đẹp, tài năng của làng thời trang Việt Nam. Dù là “dân tay ngang” nhưng bằng đôi mắt nghệ thuật và bàn tay tài hoa, Thủy Nguyễn đã thành công trong việc tạo nên những thiết kế nguyên bản mang dấu ấn của riêng mình. “Người đàn bà gấm” luôn mang đến cho giới mộ điệu thời trang những cung bậc cảm xúc mới lạ từ Gió mùa về, Viên mãn đến Lúng liếng,... Cái tên Thủy Nguyễn cũng nằm trong danh sách những NTK góp phần thay đổi diện mạo làng mốt Việt vài năm trở lại đây.
Mới đây, xuất hiện tại Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2017 – Vietnam International Fashion Week Spring Summer 2017,Thủy Nguyễn một lần mê hoặc khán giả bởi sự khác biệt trong thế giới sáng tạo của mình. Lấy cảm hứng từ nghi lễ dân gian của tín ngưỡng thờ Mẫu, tràn đầy xúc cảm cùng điệu múa hát chầu văn và kỹ thuật chế tác họa tiết trang phục - phụ kiện tinh xảo, Thủy Nguyễn đã cho ra đời BST Mộng mị.
Trước những hiệu ứng tuyệt vời của bộ sưu tập Mộng mị, NTK Thủy Nguyễn đã có cuộc trò chuyện và mang đến những thông tin thú vị với báo Người Đưa Tin.
Chào NTK Thủy Nguyễn, tại sao chị lại mang tín ngưỡng thờ Mẫu vào những thiết kế của mình?
Xuất thân là một họa sĩ, trong thời gian học tại trường Đại học Mỹ thuật, tôi may mắn được trải nghiệm văn hóa của vùng đất Phủ Giầy, Nam Định. Tôi đã có hai tháng sống cùng người dân, tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu và tận mắt chứng kiến những buổi hầu đồng nơi đây. Chính các đạo cụ, âm nhạc đến màu sắc, họa tiết trên trang phục và những câu chuyện thú vị trong các buổi hầu đồng trở thành nguồn cảm hứng giúp tôi nảy ra ý tưởng thiết kế nên bộ sưu tập (BST) Mộng mị.
Thử thách đối với chị khi thực hiện BST Mộng mị là gì? Mất thời gian bao lâu để hoàn thành?
Thử thách lớn nhất đối với tôi khi bắt tay thực hiện BST này là thời gian và nghiên cứu về họa tiết cũng như cách thức thể hiện. Bởi, trang phục hầu đồng được thêu trên những chất liệu khác so với những thiết kế hiện đại. Tôi phải nghiên cứu để biến cái cũ thành cái mới, đưa yếu tố dân gian vào bộ sưu tập thời trang hiện đại. Với Mộng mị, tôi mất khoảng 9 tháng từ khâu nghiên cứu đến khi cho ra mắt BST thời trang trình diễn trên sàn catwalk.
Thông điệp mà chị muốn gửi gắm qua BST này?
Khi đưa ra ý tưởng cho BST Mộng mị, tôi nghĩ rằng mình đã làm sống lại văn hóa dân gian. Mới đây, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Điều chị hài lòng nhất trong show diễn tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam Xuân Hè 2017 - Vietnam International Fashion Week Spring Summer 2017 là gì?
Có thể nói, sự phiêu linh trong buổi trình diễn tại Vietnam International Fashion Week Spring Summer 2017 đã thể hiện đúng ý đồ mà BST Mộng mị muốn truyền tải đến khán giả. Từ chất liệu, hình ảnh, ánh sáng đến những người mẫu trình diễn trên sàn catwalk,… tất cả đều rất tự nhiên, bay bổng chứ không hề cứng nhắc. Đây chính là điều mà tôi tâm đắc nhất về show diễn lần này.
Tại sao chị lại chọn Hoa hậu Kỳ Duyên cho show diễn quan trọng này?
Kỳ Duyên có nét đẹp châu Á và trong bộ sưu tập này, bạn ấy thể hiện rất ấn tượng. Thực ra, Kỳ Duyên là hoa hậu “lấn sân” làng mẫu nên bạn ấy chưa có nhiều kinh nghiệm, phải trau dồi nhiều về cách xử lý và thần thái trên sàn diễn. Người mẫu nào cũng vậy thôi, muốn thành công đều phải trải qua quá trình trau dồi và làm việc nhiều với sàn diễn.
Tuy nhiên, những show diễn của tôi luôn thiên về phiêu linh, cảm xúc và những người phụ nữ bình thường. Từ Gió mùa về đến Viên mãn hay Mộng mị cũng vậy, cảm xúc và cách thể hiện luôn là duy nhất, chứ không quá chú trọng vào các người mẫu. Nên tôi thấy, Kỳ Duyên rất hợp với show diễn lần này của mình.
Theo chị, ngành thời trang Việt Nam đang đứng ở đâu so với thế giới?
Tôi không nghĩ Việt Nam đã có chỗ đứng trong ngành thời trang thế giới. Thực ra, mình cũng có những nơi sản xuất vải hay các làng nghề thêu thùa, nhưng để hòa quyện với nhau tạo ra một sản phẩm thời trang hoàn chỉnh thì vẫn chưa có. Có thể nói rằng, ngành thời trang của Việt Nam chỉ đang ở giai đoạn hình thành.
Có một thực tế đáng buồn, những thiết kế mang tính sáng tạo trong ngành thời trang Việt không nhiều. Có phải các NTK Việt “thiếu ý tưởng”?
Thật ra, cũng không hẳn là các NTK thiếu ý tưởng, mà do nhiều người không chú trọng ở khâu tìm kiếm và đề xuất ý tưởng. Tuy nhiên, khó khăn của các NTK không chỉ nằm ở ý tưởng mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chất liệu, màu sắc, thị trường. Có những BST thể hiện được ý tưởng nhưng không bán được hay có ý tưởng, nhưng không có chất liệu để thiết kế. Điều này cũng lý giải, tại sao Việt Nam chưa có ngành công nghiệp thời trang đúng nghĩa.
Một số show thời trang của các NTK trẻ hiện nay thường nặng tính trình diễn, sân khấu hoành tráng, người mẫu nổi tiếng nhưng chất lượng thiết kế không cao. Chị có lời khuyên nào cho họ không?
Thực ra, ai trong chúng ta cũng đã từng bị thất bại, nhưng đừng vì điều đó mà nản lòng. Một khi đã đam mê, hãy lăn xả làm hết mình, dù có thất bại thì các bạn cũng vỡ ra được những bài học, kinh nghiệm quý báu trên con đường lập nghiệp của mình.
Các NTK trẻ đừng chỉ biết nói trên lý thuyết mà hãy thực hành thật nhiều, khi đó bạn sẽ biết công chúng, những người sử dụng thiết kế của mình muốn gì. Để có được chỗ đứng trong làng thời trang như hôm nay, bản thân tôi cũng trải qua rất nhiều thất bại và mỗi lần như vậy, tôi đã rút ra cho mình những bài học xương máu trong nghề.
Theo chị, một NTK muốn thành công cần có những yếu tố gì?
Ai cũng vậy thôi, trong lĩnh vực mà mình theo đuổi đều phải có mục đích rõ ràng, mình muốn gì và làm thế nào để đạt được điều đó. Hơn nữa, bạn phải thuyết phục được mọi người theo ý đồ mà mình muốn truyền tải. Nếu bạn chỉ dừng lại ở ước mơ, ý tưởng và không dám “chiến đấu” hết năng lượng thì vẫn mãi ở con số 0. Đừng chỉ nói là tôi thích mà hãy thực hành và trau dồi thật nhiều thì mới thành công.
Xin cảm ơn những chia sẻ thú vị của NTK Thủy Nguyễn!
Xem thêm>>> Phát ngôn ‘nổi bần bật’ của sao Việt tuần qua
Hà Linh