Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đang tiến hành quy trình kỷ luật đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Quản trị (tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo) vì khai man lý lịch.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này là luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty Luật TNHH Đại Nam, đoàn Luật sư TP.Hà Nội.
Thưa luật sư, về pháp lý, khi sử dụng bằng tốt nghiệp THPT là giả thì các văn bằng tốt nghiệp Trung cấp, Đại học về sau sẽ được xem xét như thể nào?
Về nguyên tắc, để thi tuyển vào Trung cấp, Đại học thì phải đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn đầu vào như bằng cấp, kết quả thi tuyển.
Nếu một trong những yêu cầu đó không đủ điều kiện hoặc bị làm giả thì có nghĩa là không đủ tiêu chuẩn đầu vào. Do đó, các chứng chỉ bằng cấp do sử dụng bằng cấp giả để thi tuyển sẽ bị hủy bỏ.
Khi văn bẳng không hợp pháp thì các quyết định bổ nhiệm công tác đối với nữ Trưởng phòng của Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ bị xử lý ra sao?
Khi văn bẳng không hợp pháp thì các quyết định bổ nhiệm, công tác sẽ đương nhiên là phải hủy bỏ.
Vì việc bổ nhiệm. phân công công tác phải căn cứ vào trình độ chuyên môn được thể hiện ở bằng cấp học vị. Bằng cấp, học vị bất hợp pháp thì làm gì có chuyên môn.
Với bằng cấp giả, nữ Trưởng phòng này đã công tác tại văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk hơn 10 năm. Như vậy, cơ quan kiểm tra có cần phải thẩm định, điều tra tất cả công tác do bà Thảo thực hiện trong thời gian này hay không?
Theo tôi, việc này cũng cần phải rà soát lại xem trong quá trình công tác, để xem xét người không có chuyên môn (bằng cấp giả, bất hợp pháp) có để lại di chứng gì hay không và có biện pháp khắc phục điều chỉnh.
Theo luật sư, văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk có nên chuyển cho cơ quan điều tra xử lý hay không?
Theo quan điểm của cá nhân tôi, việc này rất nghiêm trọng. Tổ chức Đảng không phải là nơi để những con người như vậy đứng trong hàng ngũ.
Đặc biệt là khi những hành vi gian dối để được bổ nhiệm vào các vị trí trong tổ chức Đảng, thậm chí là lãnh đạo trong các cơ quan của Đảng.
Một người có nhân thân không tốt, bằng các hành vi gian dối chui vào tổ chức Đảng để đạt những mục đích cá nhân sẽ làm cho hình ảnh về Đảng đối với công chúng bị tổn thương nghiêm trọng, xúc phạm đế danh dự và lòng tự hào của hàng triệu Đảng viên.
Vì vậy, rất cần thiết phải xử lý thật nghiêm. Do đó, cơ quan điều tra cần vào cuộc, khởi tố vụ án là rất cần thiết.
Nếu vụ việc bị khởi tố thì nữ Trưởng phòng này và những người liên quan có thể bị truy cứu về hành vi phạm tội nào?
Vụ việc này, bà Trần Thị Ngọc Thảo có dấu hiệu của tội Cố ý làm trái (đối với những người xét tuyển, bổ nhiệm) và Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức đối với cá nhân người thực hiện.
Đối với bà Trần Thị Ái Sa (chị ruột bà Thảo), nếu cố ý cho bà Thảo sử dụng bằng cấp của mình để luồn lách vào cơ quan Đảng thì có dấu hiệu là đồng phạm.
Nếu không cố ý mà biết bà Thảo sử dụng bằng cấp của mình mà không trình báo với các cơ quan chức năng thì đủ dấu hiệu của tội Không tố giác tội phạm.
Cảm ơn luật sư!
Theo xác minh của văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, từ năm 1999 - 2002, bà Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975, hiện trú tại phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) do không có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông nên đã sử dụng bằng của người chị ruột tên Trần Thị Ái Sa (hiện trú tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) để xin vào làm việc tại công ty Xuất nhập khẩu 2/9 (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).
Trong quá trình làm việc, bà Trần Thị Ngọc Thảo đã sử dụng hồ sơ của chị gái Trần Thị Ái Sa để học Trung cấp kế toán (được cấp bằng tốt nghiệp năm 2000) và Đại học kế toán hệ từ xa (2005-2009). Từ đó, bà Trần Thị Ngọc Thảo đã sử dụng bằng cấp, hồ sơ của chị ruột là Trần Thị Ái Sa để làm việc.
Giai đoạn từ năm 2005-2009, bà Trần Thị Ngọc Thảo với cái tên Trần Thị Ái Sa đã làm kế toán tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Đến tháng 10/2009, bà Thảo làm kế toán của phòng Quản Trị, văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Năm 2013, bà Thảo được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng Quản trị, đến năm 2016 được bổ nhiệm làm Trưởng phòng.
Bà Trần Thị Ngọc Thảo cũng đã thừa nhận mọi vi phạm khi sử dụng tên, hồ sơ của chị gái Trần Thị Ái Sa để làm việc cho đến nay; đồng thời chấp hành mọi hình thức xử lý, kỷ luật của tổ chức.