Sáng 16/8, ông Võ Gia Bình, Viện trưởng Viện KSND huyện Bình Chánh cho biết, VKSND huyện Bình Chánh đã chi trả hơn 200 triệu đồng bồi thường oan sai cho chị Tiết Lệ Trân, SN 1989, ngụ quận 6, TP.HCM.
Nữ công nhân Tiết Lệ Trân từng là bị can, bị cáo, từng bị VKSND huyện Bình Chánh và TAND cùng cấp của huyện này nhiều lần đưa ra xét xử, với cáo buộc vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Trong vụ án này, chị Trân cũng là người bị thương, còn người ngồi sau xe máy của chị Trân bị thương tích nặng hơn. Chị Trân bị truy tố, xét xử về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, ở khung hình phạt có mức án lên đến 5 năm tù giam.
Sự việc khiến chị Trân phải mang thân phận bị can, bị cáo xảy ra vào trung tuần tháng 4/2012. Thời điểm này, chị Trân chở bạn là chị Mỹ Vân bằng xe máy trên Quốc lộ 1A, hướng từ cầu Bình Điền về chợ Bình Chánh thì xảy ra tai nạn. Chị Trân bị gãy tay, thương tật 13%. Vân bị xe tải cán qua đùi, thương tật 85%.
Vụ án này sau đó được Công an huyện huyện Bình Chánh thụ lý. Nhiều lần mời chị Trân lên làm việc, nhưng chị Trân liên tục kêu oan, cho rằng ô tô tải bất ngờ chạy vào làn xe máy quẹt vào tay lái khiến chị mất thăng bằng.
Xe tải sau đó đánh lái sang trái trở về làn ôtô, phanh đột ngột làm chị Vân ngồi sau xe máy ngã xuống đường, tiếp đó có lực đẩy vào đuôi xe máy làm chị Trân ngã, bị xe ba gác kéo đi một đoạn.
Thế nhưng, đến tháng 10/2014, Công an huyện Bình Chánh kết luận điều tra, chuyển hồ sơ qua VKSND huyện Bình Chánh đề nghị truy tố chị về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, khung hình phạt lên đến 5 năm tù.
VKSND huyện Bình Chánh thống nhất với đề nghị của cơ quan điều tra, ra cáo trạng, đề nghị TAND cùng cấp xét xử chị Trân về tội danh nêu trên. Theo Viện kiểm sát, nguyên nhân dẫn đến tai nạn là chị Trân điều khiển xe không đúng phần đường, không làm chủ tốc độ, xử lý kém khiến chị Vân bị thương nặng.
TAND huyện Bình Chánh nhiều lần xét xử, nhưng đều phải trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung, do chứng cứ buộc tội chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, VKSND huyện Bình Chánh vẫn bảo lưu quan điểm nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn, là do chị Trân điều khiển xe không đúng phần đường, không làm chủ tốc độ, xử lý kém, và tiếp tục chuyển hồ sơ qua tòa để xét xử đối với chị Trân.
TAND huyện Bình Chánh sau nhiều lần xét xử vẫn không kết tội chị Trân. Để rồi, sau nhiều năm cơ quan điều tra và cả VKSND huyện Bình Chánh không thể chứng minh được chị Trân có hành vi phạm tội.
Do đó, tháng 10/2018, Công an huyện Bình Chánh đã quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với chị Trân.
Đến ngày 29/1, chị Trân chính thức nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can từ Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM với lý do: “Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện được hành vi phạm tội”.
Sau gần 6 năm kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn giao thông, chị Trân chính thức được Công an huyện Bình Chánh đình chỉ điều tra, được minh oan bằng một quyết định trên tờ giấy. Được minh oan, chị vui mừng vì hành trình kêu oan của mình và luật sư đã có kết quả.
Sau khi nhận quyết định đình chỉ điều tra, chị Trân đã làm đơn, yêu cầu VKSND huyện Bình Chánh xin lỗi công khai và đòi bồi thường thiệt hại do bị truy tố oan hơn 1.600 ngày.
Chị Trân cho biết, ban đầu chị yêu cầu bồi thường gần 400 triệu đồng bao gồm tiền bị truy tố oan và các chi phí phát sinh, nhưng VKSND huyện Bình Chánh không đồng ý.
Hơn 6 năm trôi qua, chị sống trong nỗi khổ nhục, chị không muốn kéo dài nỗi khổ ấy thêm một ngày nào nữa. Chị muốn kết thúc thật nhanh vụ án này để yên ổn cuộc sống. Vì thế, chị chấp nhận mức 200 triệu đồng như Viện Kiểm sát đề nghị.
Ngày 28/2, Viện KSND huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã đồng ý chấp nhận bồi thường cho chị Trân số tiền hơn 200 triệu đồng do truy tố oan chị. Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh – ông Võ Gia Bình cũng thay mặt Viện KSND huyện xin nhận trách nhiệm và xin lỗi chị vì đã phê chuẩn khởi tố gây oan cho chị.