Cuộc sống quẩn quanh
Chúng tôi đến khu nhà ở tập trung của công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, vào chiều một ngày cuối tuần. Trái với tưởng tượng, trên sân chỉ có một nhóm cô gái mặc quần áo đồng phục công nhân lững thững đạp xe về, trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi. Có lẽ mấy cô ấy vừa tan ca. Tôi bắt chuyện làm quen với một cô gái có mái tóc dài quá vạt áo, nước da ngăm ngăm đen, trên tay xách bó rau muống và một túi nilon đựng hai bìa đậu. Cô tên Lanh, người ở Vĩnh Phúc, xuống đây làm công nhân cho một công ty trong khu công nghiệp này. Bước vào phòng cô, điều đầu tiên đập vào mắt tôi là đống nồi cơm điện, ấm đun nước, dễ có tới mấy chục chiếc được xếp ở khu bàn ăn. Lanh bối rối: “Ở đây mỗi người một quê, một tính nên chẳng dám tin ai chị ạ. Mỗi người phải sắm đồ riêng, không ai dùng chung với ai".
Nữ công nhân tan ca- Ảnh minh hoạ.
Phòng của Lanh rộng chừng 100m2 được chia làm hai. 20 con người được chọn ngẫu nhiên cùng sinh sống ở đây nhưng mỗi người một quê, làm một công ty khác nhau và làm khác ca kíp nên ít có điều kiện tiếp xúc và nói chuyện. Có khi người này đi làm thì người kia mới tan ca, người nấu ăn, người thì đang ngủ... Thành ra, kí túc xá chỉ là nơi để mọi người về ngả lưng, còn chuyện giao lưu với nhau rất ít.
Vứt phịch mớ rau muống xuống bàn, Lanh uể oải ngồi tựa lưng vào thành ghế chẳng buồn đi thay quần áo: "Ở đây có ai ngắm đâu mà mặc quần áo đẹp. Nhiều hôm tắm xong em vẫn mặc quần áo công nhân, để sáng hôm sau đi làm khỏi phải thay", cô thở dài. Cô cho biết ở xa về đây làm việc để kiếm ít tiền gửi về quê cho bố mẹ, tích cóp một chút đánh lấy cái dây chuyền, bộ bông tai vàng để đeo, đàn ông để ý hơn, dễ lấy chồng.
"Ở đây buồn lắm, chẳng biết đi chơi đâu, thỉnh thoảng em làm ca sáng thì buổi tối sang phòng mấy chị cùng quê "buôn chuyện" một lúc rồi về ngủ. Làm cả ngày mệt, cũng muốn ngả lưng sớm. Em chỉ định làm ở đây một thời gian thôi, làm tăng thêm ca kiếm chút tiền để về quê lấy chồng. Em 26 tuổi rồi..., ở đây có hàng nghìn công nhân nhưng đi đâu cũng chỉ thấy đàn bà. Đàn ông ở ngoài thì mình không biết họ thế nào mà yêu. Nhiều chị đã lấy được trai vùng này nhưng số ấy ít thôi. Em từng biết một bạn ở phòng bên, yêu một anh đẹp trai lắm. Đến khi có thai, không biết tìm anh ấy ở đâu đành phải đi phá thai. Nghe đâu, chị ấy bị ảnh hưởng, phải về quê rồi".
Chuyên gian tâm lý Nguyễn An Chất
Mắc bẫy Sở Khanh
Đem chuyện cuộc sống của các nữ công nhân ở khu công nghiệp chia sẻ với chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc công ty Tư vấn An Việt Sơn, ông cho biết, đây cũng chính là vấn đề mà rất lâu nay ông trăn trở. Nhiều công nhân đã gọi điện thoại đến trung tâm của ông tâm sự. Câu chuyện của họ phần nhiều đều buồn. Chuyên gia Chất chia sẻ: Nhiều bạn công nhân nữ khát khao tình cảm rồi sống thử ở khu công nghiệp. Có một số nam giới đến công tác ở đó, có thể mắc đường dây điện, ống nước hay nghiên cứu gì đó... sau một hồi quen biết thì họ bảo yêu. Cũng chẳng biết gốc gác, quê hương họ ra sao, thậm chí đến cái tên còn nhớ nhớ quên quên, có khi có chị lại chỉ biết tên giả, tên rất lăng nhăng mà cũng yêu. Cuối cùng nửa tháng, một tháng hai tháng họ biến mất "không sủi tăm". Các cô gái cũng không biết gốc gác phương nào mà tìm".
Ông cũng được biết rất nhiều người phụ nữ làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chịu thiệt thòi. "Có người ví với tôi, có một đội quân nam giới đến, càn quét một khu công nhân, ra đi để lại những tâm hồn hoang tàn, trái tim xơ xác. Các chị muốn chiếm được tình cảm của các anh, trong khi không biết rằng đó là một cậu thanh niên sống bừa bãi, thiếu trách nhiệm. Họ ngỏ lời yêu, sau khi thỏa mãn chuyện xác thịt rồi họ chạy mất. Thoắt cái, người thanh niên nói lời yêu đương mật ngọt, hứa hẹn chuyện lập gia đình biến thành Sở Khanh".
Những người phụ nữ suốt ngày gắn với dây chuyền làm việc có rất ít thời gian để tìm hiểu những kiến thức trong cuộc sống, kể cả những kiến thức thiết thực với bản thân như sức khoẻ sinh sản. Vì thế, qua nhiều năm làm công tác tư vấn tâm lý tình cảm ông cảm thấy buồn khi nghe nhiều nữ công nhân hỏi những câu hỏi rất ngây ngô. "Có trường hợp điện thoại hỏi tôi: Không quan hệ tình dục, chỉ hôn hít thôi thì có thai được không? Tôi biết cháu gái đó phải 19, 20 tuổi rồi, vậy mà tại sao cháu lại không biết những kiến thức đơn giản như vậy. Thậm chí có cháu hỏi ôm hôn thì có thai được không? Chỉ quan hệ loanh quanh ở bên ngoài thì có thai không?- những câu hỏi rất khù khờ. Rõ ràng khâu giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản bây giờ là rất khập khễnh và không cụ thể, rất nhiều người không nắm được" - chuyên gia An Chất nói.
Nhiều nữ công nhân cũng không biết cách phòng tránh thai. "Các cháu ấy còn quá nghèo nàn về kiến thức, sức khỏe sinh sản, không cập nhật được những thông tin cần thiết. Có nữ công nhân phá thai bằng cách đưa vật rắn vào cửa mình hay những cách thiếu khoa học. Có người gọi điện thoại hỏi tôi, cháu uống rau ngót nhiều sau khi quan hệ, kết quả là máu chảy rất nhiều. Như thế có phải là phá thai được rồi không?. Một số cháu lại ra khu Hàng Chiếu (Hà Nội) mua những thuốc được quảng cáo là uống rồi là ra thai ngay. Nhưng thực tế thì những trường hợp ấy có ra thai đâu mà nó chỉ có gây băng huyết thôi, rất nguy hiểm. Nhiều nữ công nhân phá thai theo kiểu người khác mách nước cho dẫn đến những kết cục đáng tiếc. Nặng là chết người, nhẹ thì vô sinh và các bệnh khác nữa", chuyên gia Chất chia sẻ. Ông cũng khuyên những phụ nữ ở khu công nghiệp, khi chọn người yêu phải biết nguồn gốc, xác minh rõ ràng đầy đủ, khi tình yêu đã đạt đến độ chín, xác định rõ chuyện lập gia đình thì hãy quan hệ tình dục. Đừng vì nghe những lời mật ngọt mà vội vàng quan hệ tình dục để sau này phải hối hận.
Cuộc sống quẩn quanh bên dây chuyền làm việc rồi về nhà trọ ngủ khiến nhiều nữ công nhân cảm thấy cuộc sống của họ quá nhạt nhẽo, vô vị. Thời khắc "bóng câu qua cửa sổ" là những buổi tăng ca, tăng kíp, thêm được một vài trăm nghìn để kiếm thêm tiền gửi về quê. Thứ tươi đẹp nhất của tuổi trẻ là tình yêu thì dường như với họ quá xa vời khi có hơn 12 tiếng một ngày vùi trong công việc. |
Thành Huế
*Tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu.