Các em ‘tự chế’ ra trò chơi cho mình: một phiên bản khác của trò bóng ném, với những chiếc dép thay vì quả bóng, thứ đồ chơi đã bị cuốn đi theo cơn bão.
Khi các nhân viên cứu trợ nước ngoài xuất hiện ở trại tị nạn, các em loanh quanh gần đó, trêu chọc họ, cười khúc khích và chào hỏi: "Tên cô/chú là gì?".
Những dấu hiệu của sự phục hồi đã xuất hiện. Tuy nhiên, các nhân viên xã hội và các phụ huynh cho rằng một vấn đề quan trọng cần phải được quan tâm là tâm lý tổn thương của trẻ em. Các trường học cần phải được xây dựng, sửa chữa và mở cửa trở lại. Trẻ em, đặc biệt những em đã trở thành côi cút cần phải được giúp đỡ để phục hồi tâm lý, tình cảm.
“Những đứa trẻ mà bạn nhìn thấy, chúng đang chơi và cười đùa. Nhưng sâu thẳm bên trong tâm hồn chúng vẫn còn rất sợ hãi”, Manneth Catina, 25 tuổi, một nhân viên xã hội ở Tacloban nói.
Trong số khoảng 13 triệu người Philippines bị ảnh hưởng bởi cơn bão Haiyan có khoảng năm triệu là trẻ em. Các em mất đi nhiều người thân và bạn bè. Một số không thể quên những ký ức đáng sợ về cơn bão gầm rú đã cuốn trôi nhà cửa và nhiều người ra biển.
Gloria Macabasag đã để lại ba đứa con của mình cho em dâu chăm sóc tại nơi trú ẩn, trong khi cô và chồng cố gắng để bảo vệ căn nhà của họ trong cơn bão. Nó đã bị phá hủy còn họ may mắn sống sót. Sau khi nước rút, họ nhanh chóng chạy đến nơi trú ẩn, tại ngôi trường Rizal Central ở trung tâm thành phố.
"Những đứa trẻ đã khóc và tìm kiếm chúng tôi. Giống như chúng đã bị tổn thương”, bà Macabasag nói.
Bà Macabasag cho biết con gái 3 tuổi và con trai 5 tuổi của bà suýt chết đuối.
Nhân viên xã hội nói với bà Macabasag rằng hãy khuyến khích những đứa trẻ chơi đùa, viết hoặc vẽ để thể hiện cảm xúc về cơn bão. Khi Macabasag hỏi con trai 5 tuổi Jose Luiz về những gì đã xảy ra, cậu bé chỉ khóc.
Macabasag hi vọng, các trường học sẽ sớm mở cửa trở lại. Các nhân viên cứu trợ cũng cho rằng đó là một nhu cầu cấp bách. Điều quan trọng là trẻ em được trở lại trường trước khi các em bắt đầu trở nên xao nhãng việc học. Đây cũng là một cách để giúp những đứa trẻ nhanh chóng gạt bỏ những ký ức kinh hoàng. ‘Ít nhất, chúng có thể quên những gì đã xảy ra khi đến trường học”.
Trường Rizal Central, nơi bà Macabasag và gia đình đang trú ẩn bây giờ trở thành ngôi nhà của hơn 1.300 người.
Bà Lynette Lim, giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Save the Children bày tỏ lo ngại việc nhiều trẻ em sẽ bỏ học sau một thời gian dài không đến trường. Bà Lim cũng lo lắng về tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em đang ở mức cao. Những thực phẩm cứu trợ không cung cấp những thứ cần thiết cho trẻ em, trong đó có sữa bột.
Cùng với Quỹ Nhi đồng LHQ, tổ chức Save the Children cũng đã thành lập một khu vực thân thiện với trẻ trong một căn lều tại trường Rizal Central. Nơi đây trẻ em có thể chơi đồ chơi hay tham gia các dự án nghệ thuật. Hiện, có ba trung tâm như vậy trong khu vực và có thể còn nhiều trung tâm được mở ra để giúp các trẻ em vượt qua tổn thương tâm lý, hòa nhập với cuộc sống.
Linh An (Theo NYT)