Vượt lửa đạn, giữ sắc cờ Tổ quốc giữa rừng sâu
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng trong ký ức của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1942, trú tại phường Tân Thành, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) vẫn vẹn nguyên hình ảnh những đêm trắng miệt mài ngồi bên chiếc máy may, tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ để tạo nên những lá cờ đỏ sao vàng – biểu tượng thiêng liêng của độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Lật dở từng dòng ký ức, bà Lan kể, bà sinh ra tại xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định). Lớn lên trong những năm tháng đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, từ thuở thiếu thời, bà cùng các anh em trong gia đình đã sớm nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, quyết tâm đi theo con đường cách mạng để góp sức giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan kể lại những ngày tháng cùng tổ may vượt qua bom đạn để may cờ đỏ sao vàng.
Năm 1966, bà Lan tham gia hoạt động cách mạng trong rừng sâu. Cuối năm đó, bà nhận nhiệm vụ hành quân lên Tây Nguyên, rồi được phân công về tổ may mặc thuộc Ban Kinh tài của huyện H4 (nay là các huyện Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk). Ban đầu, tổ may chủ yếu làm quần áo, túi đựng lương thực, ba-lô cho cán bộ, chiến sĩ. Đến cuối năm 1967, tổ may của bà Lan nhận thêm một nhiệm vụ thiêng liêng là may cờ Tổ quốc.
Theo lời kể của bà Lan, nguyên liệu để may cờ Tổ quốc vô cùng khan hiếm. Để có được tấm vải đỏ, vải vàng là cả một hành trình gian nan. Bà cùng anh em trong đội công tác thường xuyên phải xuống cơ sở để liên hệ, móc nối và làm công tác tư tưởng với một số công nhân trong Đồn điền Rosi (một đồn điền cà phê do Pháp để lại ở huyện H4) nhằm tìm cách mua vải về.
Sau khi mua được vải, vào ban đêm, các công nhân trong đồn điền sẽ mang ra vườn cà phê, đào hố chôn giấu rồi phủ lá cà phê, cỏ dại lên để tránh bị địch phát hiện. Với sự hỗ trợ của bộ đội, lợi dụng thời điểm không có lính mai phục, tổ may bí mật đến điểm tập kết để đưa vải về phục vụ may cờ. Mỗi lần như vậy là một lần đánh cược với tính mạng.

Vết thương bị địch bắn trúng trong một lần đi lấy vải về may cờ trên chân bà Lan.
Có lần, bà Lan bị địch bắn trúng ở chân trong lúc đi lấy nguyên liệu. "Sau khi bị thương, tôi lập tức đặt ba-lô xuống. Thấy vậy, đồng đội nhanh chóng chạy lại cõng tôi thoát khỏi vòng vây. Cho đến khi tiếng súng ngớt mới tìm được nơi băng bó vết thương", bà Lan nhớ lại.
Nhiều lần sau đó, bà còn bị lực lượng của địch đánh đập, tịch thu đầu máy may, thậm chí đốt cả lán trại… Thế nhưng, nhưng chưa một lần bà Lan có ý định bỏ cuộc. Suốt những năm tháng đó, tổ may của bà chưa từng để thất lạc một tấm vải hay một lá cờ nào. Cờ may xong đến đâu, được cất giấu kỹ lưỡng trong vườn cà phê, khe suối. Khi có điều kiện thuận lợi, các chiến sĩ của đội công tác sẽ đến điểm tập kết để lấy và đưa xuống cơ sở.
Nói về kích thước lá cờ Tổ quốc thời điểm đó, bà Lan kể: "Hồi ấy, khi nhận lệnh may cờ do cấp trên giao, tôi hoàn toàn không hình dung được kích thước chuẩn của lá cờ, dài, rộng bao nhiêu. Mãi đến một hôm, thấy một chiến sĩ bộ đội từ ngoài Bắc vào, bị thương và nằm điều trị tại bệnh viện, có đeo một chiếc huy hiệu nhỏ in hình lá cờ Tổ quốc, tôi đã xin chiếc huy hiệu về nghiên cứu. Cuối cùng, tôi xác định lá cờ dài 120cm, rộng 80cm, ngôi sao vàng có đường kính 40cm, rồi trình lên cấp trên và được chấp thuận".
Niềm vui vỡ òa trong ngày giải phóng
Trước Tết năm 1975, khi chiến sự đang bước vào giai đoạn chuyển biến quyết liệt, tổ may của bà Lan nhận được lệnh may cờ đỏ sao vàng với số lượng lớn. Ngay lập tức, 3 người trong tổ bắt tay vào làm việc không kể ngày đêm. Mỗi tối, dưới ánh đèn dầu leo lét, mọi người tỉ mỉ may từng đường kim, mũi chỉ trên những tấm vải đỏ như mang theo cả khát vọng của dân tộc. "Lúc ấy, không ai nói ra, nhưng trong lòng mọi người đều có linh cảm ngày giải phóng đang đến rất gần", bà Lan nói.
Đêm 10/3/1975, khi tin thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng vang lên từ chiếc radio, bà Lan và các đồng đội ôm nhau khóc, nước mắt hòa trong niềm vui vỡ òa. Chỉ hai ngày sau, huyện H4 cũng chính thức giải phóng. Những lá cờ đỏ sao vàng mà tổ may đã dốc sức làm ra suốt nhiều tháng trời đã tung bay trước trụ sở các cơ quan hành chính.

Sau nửa thế kỷ, bà vẫn luôn giữ bên mình những kỷ vật chiến tranh.
Không dừng lại ở đó, bà Lan cùng đồng đội còn đi vận động các nhà may tư nhân trong vùng, hướng dẫn người dân cách may cờ Tổ quốc. Nhờ vậy, cờ đỏ sao vàng nhanh chóng hiện diện khắp các nẻo đường để đón chào giải phóng.
Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, bà Lan được cử đi học về quản lý và sau đó trở về công tác trong ngành thương nghiệp cho đến khi về hưu. Đáng nói, bà Lan vẫn gìn giữ cẩn thận những kỷ vật chiến tranh. Trong đó, có chiếc võng dù, chiếc bình tông, lá cờ Tổ quốc mà chính tay bà may vào tháng 3/1975. Với bà, đó là những kỷ vật vô giá, là chứng nhân cho một thời kỳ hào hùng của dân tộc. Đến năm 2020, bà quyết định trao tặng lá cờ ấy cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, với mong muốn góp phần lan tỏa giá trị lịch sử cho thế hệ sau.

Với những cống hiến trong cả thời chiến lẫn thời bình, bà Lan đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huy chương cao quý.
Đến nay, dù đã ngoài 80 tuổi, bà vẫn luôn giữ được sự minh mẫn và hoạt bát. Mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng, bà lại kể cho con cháu những câu chuyện về thời kỳ kháng chiến, như một cách để giáo dục truyền thống yêu nước và nhắc nhở thế hệ sau về những hy sinh của cha ông. Bà cũng luôn khuyên con cái phải chăm chỉ học tập, làm theo lời dạy của Bác Hồ, trở thành những người có ích cho xã hội và góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh.
Học tập theo tấm gương của Bác Hồ, bà Lan cũng luôn xác định rằng bản thân phải học tập suốt đời. Mỗi ngày, bà vẫn duy trì thói quen nghe đài, đọc báo để cập nhật thông tin về tình hình chính trị, xã hội và kinh tế của đất nước, đồng thời trau dồi kiến thức, học hỏi những điều hay, lẽ phải.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Trần Thị Dinh, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thành (Tp.Buôn Ma Thuột) cho biết, sau khi nghỉ hưu, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan luôn tích cực tham gia và gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, phong trào do tổ dân phố và địa phương phát động. Bên cạnh đó, bà còn là người tiên phong trong công tác tuyên truyền, khơi dậy tinh thần yêu nước để các thế hệ trẻ nỗ lực học tập, rèn luyện và cống hiến cho quê hương, đất nước. Đồng thời, bà cũng luôn nỗ lực giới thiệu, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để kết nạp vào Đảng.
Khánh Ngọc