Cú sang tay trước ngày vận hành thương mại
Gunkul Engineering Public Co., Ltd (Thái Lan) vừa công bố thông tin về việc mua lại toàn bộ dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2 tại thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế với chi phí 39,85 triệu USD.
Đáng chú ý, thương vụ này diễn ra ngay tại thời điểm dự án vừa hoàn thành xây dựng và chuẩn bị đưa vào vận hành thương mại (dự kiến ngày 15/12/2020).
Thương vụ mua 100% nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2 này đồng nghĩa với việc: Doanh nghiệp Thái thâu tóm hoàn toàn 49% cổ phần từ Bangjak Green Energy Company Limited – công ty con của BS Industry Service Co (có trụ sở tại Bangkok) và 51% cổ phần từ hai cổ đông cá nhân là bà Trần Thị Hương Hà (46%) và bà Phan Thị Bích Nga (5%).
Dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2 có công suất thiết kế 50 MW, điện năng sản xuất hằng năm gần 68 triệu kWh/năm, ước tính gần bằng mức tiêu thụ điện hàng năm của gần 80.000 hộ gia đình Việt Nam.
Ban đầu, nhà máy dự kiến đưa vào vận hành cuối tháng 5/2019 nhưng đã bị chậm tiến độ đến tháng 12/2020.
Dự án có tổng vốn khoảng 120 tỷ đồng, chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thuỷ (gọi tắt là công ty Đoàn Sơn Thuỷ) – một thành viên thuộc Wealth Power Group Vietnam của nữ “đại gia” Trần Thị Hương Hà (SN 1975).
Công ty này được thành lập vào tháng 1/2017, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là Giám đốc Trần Thị Hương Hà (nắm giữ 80% vốn điều lệ), bà Lê Thị Bình (5%) và bà Phan Thị Bích Nga (15%).
Tính đến ngày 31/5/2020, tổng tài sản của Đoàn Sơn Thuỷ đạt 407 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 299 tỷ đồng.
Như vậy, với cú chi đậm 39,85 triệu USD (khoảng 925 tỷ đồng), doanh nghiệp Thái Lan đang định giá Đoàn Sơn Thuỷ cao hơn gấp 3 lần so với tổng tài sản hiện có của công ty này. Điều này cũng cho thấy một vấn đề là tiềm năng tăng trưởng của nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2 là rất lớn.
Thương vụ chuyển nhượng này cũng mang về cho nữ “đại gia” Trần Thị Hương Hà và nhóm nhà đầu tư của mình hàng trăm tỷ đồng chỉ trong khoảng thời gian ngắn đầu tư.
Ngoài Đoàn Sơn Thuỷ, Wealth Power Group Vietnam của nữ “đại gia” Trần Thị Hương Hà còn một số thành viên khác như: CTCP Chân Mây LNG, CTCP Năng Lượng BS Việt Nam, CTCP Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam, CTCP Năng Lượng Tái Tạo Việt Nam Việt, CTCP Thương mại Du lịch Thanh Toàn Paragon, CTCP Tập Đoàn Đa Biên và CTCP Đầu tư Bất động sản Wealth Land.
Bên cạnh đó, bà Trần Thị Hương Hà cũng đang là người đại diện theo pháp luật của một số pháp nhân khác như: CTCP Thương mại và Xây dựng Đoàn Sơn Thủy, CTCP Năng lượng Hà Linh Gia Lai.
Đại gia Thái thâu tóm hàng loạt dự án điện mặt trời ở Việt Nam
Có thể thấy rằng, động thái “thâu tóm” lĩnh vực điện mặt trời ở Việt Nam của đại gia Thái Lan đã được “dọn đường” sẵn từ trước. Cụ thể, hợp tác đầu tư ban đầu với CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thủy tại dự án là công ty năng lượng hàng đầu của Thailand mang tên BS Industry Service và đầu tư xây dựng.
Trước đó, ngày 4/2/2020, ông chủ mới của Nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2 - Gunkul Engineering Public Co., Ltd - cũng hoàn tất việc mua lại 2 dự án nhà máy điện mặt trời khác là Trí Việt 1 và Bách khoa Á Châu 1 tại tỉnh Tây Ninh có tổng công suất 60 MW, với giá trị đầu tư mỗi dự án là 30,3 triệu USD.
Mới đây, trong một báo cáo gửi sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan của Gunkul, doanh nghiệp này cho biết đang trong quá trình đàm phán mua thêm khoảng 2 - 3 dự án điện mặt trời tại Việt Nam, quy mô mỗi dự án từ 50 - 100 MW.
Việc doanh nghiệp Thái Lan thâu tóm hàng loạt dự án điện mặt trời tại Việt Nam xảy ra trong bối cảnh hàng loạt dự án trong lĩnh vực này của nhà đầu tư trong nước gặp khó khăn vì nhiều lý do khác nhau.
Trước đó, phát biểu tại “Tuần lễ Lưới điện thông minh” diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 12/2019, đại diện trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, từ sau ngày 30/6/2019 tới nay, chỉ có 2 dự án điện mặt trời hoàn tất điều kiện vận hành thương mại (COD), giảm mạnh so với khoảng 80 dự án vận hành ồ ạt trong 3 tháng trước đó.
Lý do được cho là, việc mua thiết bị cho dự án điện mặt trời khó khăn đa phần các chủ đầu tư nội chỉ có khoảng 30% vốn chủ sở hữu. Ngoài ra các dự án bị chững lại do chưa có giá mua điện mặt trời mới cho thời điểm sau ngày 1/7/2019 do đó nhà đầu tư khó hoàn tất hồ sơ vay ngân hàng
Đáng nói là, cơn sốt điện mặt trời càng tiếp tục hạ nhiệt mạnh khi cuối năm 2019, chủ trương của Chính phủ yêu cầu, các dự án điện mặt trời mới phải chuyển hẳn sang thực hiện cơ chế đấu thầu, kiên quyết loại bỏ tình trạng xin - cho. Việc đấu thầu dự án điện mặt trời, theo nhiều chủ đầu tư, gặp khó khăn ở khâu giải phóng mặt bằng để có mặt bằng sạch trước khi đầu tư dự án.
H.Y (t/h)
EVN mua điện của nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2
Thời điểm cuối năm 2019, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã ký kết 126 hợp đồng mua bán điện với 128 nhà máy điện với tổng công suất hơn 8,2 nghìn MWp.
Trước đó, ngày 2/11/2018, công ty Mua bán điện thuộc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVNEPTC) và CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thủy đã ký kết hợp đồng mua bán điện nhà máy điện mặt trời Phong Điền 2, với giá 2.086 đồng/kWh, áp dụng cho phần nhà máy điện mặt trời nối lưới vận hành thương mại trước ngày 30/6/2019 (áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại).