Liên quan đến vụ truy nã bà Đào Thị Hương Lan (SN 1961, nguyên giám đốc Sở Tài chính TP.HCM) về hành vi “Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, đến nay nguồn thông tin cho hay đã xác định rõ hành vi của bà này.
Bước đầu xác định, hành vi phạm tội của bà Lan có liên quan đến vụ quản lý, hoán đổi tài sản công của Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở VH-TT TP.HCM với công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương của nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp.
Công chức "thoát nghèo" vươn lên thành đại gia bất động sản
Nữ doanh nhân Dương Thị Bạch Diệp sinh năm 1948, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, sau đó theo gia đình tập kết ra Bắc và sinh sống học tập tại Hải Phòng.
Năm 1971, bà Diệp tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, bắt đầu sự nghiệp là vị trí công chức tiền lương tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng.
Năm 1975, bà Diệp cùng gia đình chuyển vào sinh sống và công tác ở An Giang. Sau đó lại chuyển lên TPHCM công tác tại Công ty Bao bì xuất khẩu, trực thuộc Bộ Ngoại thương (thời đó).
Trải qua nhiều năm làm công chức, nhưng cuộc sống của bà vẫn luôn khó khăn do đồng lương thấp. Năm 1984, bà Diệp đi đến quyết định xin nghỉ việc để bắt tay vào khởi nghiệp kinh doanh.
Từ một căn chung cư tại số 72 Ký Con, phường 19 (nay là phường Nguyễn Thái Bình, quận 1), bà Diệp mua chung cư cũ rồi cải tạo lại và bán với giá cao hơn.
Sau khi đã tích lũy được số vốn đủ lớn, bà không chỉ mua bán chung cư cũ mà bắt đầu lấn sang những sản phẩm lớn hơn như trung tâm thương mại, văn phòng làm việc…
Tại thời điểm tháng 1/2019, bà Diệp là người đại diện pháp luật của 4 công ty, trong đó 2 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, chỉ còn lại 2 đơn vị là: Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương (Diệp Bạch Dương) và Công ty TNHH Nam Nam Phương (Nam Nam Phương).
Trong đó công ty Nam Nam Phương được thành lập từ năm 2004, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại lầu 1, số 28 Lê Văn Hưu, Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM. Bà Diệp đảm nhiệm vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty này từ tháng 10/2016.
Công ty Diệp Bạch Dương được thành lập ngày 24/4/2002, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 179Bis Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TP.HCM. Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ hơn 905,6 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của bà Dương Thị Bạch Diệp (57,54%) và bà Nguyễn Thị Châu Hà (42,46%).
Từ lúc khởi nghiệp kinh doanh năm 1984 đến nay, bà Diệp đã có 35 năm kinh doanh. Khối bất động sản tại các công ty bà nắm giữ lên đến hàng chục nghìn m2 nằm ở các vị trí đắc địa ngay trung tâm Sài Gòn, trong đó có khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique tại số 111 Hai Bà Trưng (quận 1). Ngoài ra còn có khu đất tại số 179Bis Hai Bà Trưng (quận 3).
Năm 2014, bà từng chia sẻ với báo chí giá trị tài sản của mình có thời điểm lên mức xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, thông qua các bất động sản nắm giữ và tài sản cá nhân. Chính vì vậy bà Dương Thị Bạch Diệp còn được mệnh danh là "Bông hồng vàng" một thời của giới doanh nhân nữ.
Từ nợ xấu tới nợ thuế và phá sản
Tháng 10/2008, bà Diệp ký hợp đồng vay của ngân hàng 14.000 lượng vàng SJC để mua căn nhà 57 Cao Thắng, quận 3.
Tiếp sau đó, bà Diệp vay thêm 67.000 lượng vàng SJC thông qua 3 hợp đồng tín dụng từ tháng 12/2008 đến tháng 1/2009, nhưng cả 3 hợp đồng đều không trả nợ đúng hạn.
Toàn bộ dư nợ gốc còn lại hơn 66.600 lượng vàng chưa trả, được bà Diệp và ngân hàng thống nhất chuyển đổi sang tiền Việt Nam trị giá gần 3.000 tỉ đồng.
Công ty BĐS Diệp Bạch Dương cho rằng "phải vay Agribank với lãi suất vay vàng gấp 3 lần lãi suất vay vàng của Nhà nước quy định cùng thời điểm và kể từ khi quan hệ tín dụng với Agribank, công ty bị cấm vận toàn bộ tín dụng với toàn bộ hệ thống Ngân hàng gần 08 năm". Theo Agribank, lãi suất cho vay trên cơ sở đồng thuận của hai bên, với lãi suất 7,8%/năm.
Đến nay, khoản nợ vẫn chưa được giải quyết và phải chuyển sang nợ xấu.
Ngoài ra, các doanh nghiệp của bà Diệp còn bị “nhắc” vì nợ thuế hơn 35 tỉ đồng, cơ quan thuế đã nhiều lần thông báo nhưng vẫn chưa nộp.
Nữ đại gia đi Rolls-Royce và con đường lao lý
Nổi tiếng trong giới bất động sản TP.HCM từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng cái tên Dương Thị Bạch Diệp chỉ được dư luận biết đến rộng rãi vào năm 2008 khi nữ doanh nhân này chi 2,3 triệu USD để mua chiếc xe siêu sang Rolls Royce Phantom biển số 77L-7777 vận chuyển từ Anh về Việt Nam qua đường hàng không.
Thời điểm đó, đây mới là chiếc Phantom thứ 6 được nhập về Việt Nam và có giá trị cao nhất.
Nổi tiếng nhiều mà tai tiếng cũng lắm. Trong chặng đường kinh doanh hơn 3 thập kỷ qua, bà Diệp không ít lần vướng vào lao lý. Nữ doanh nhân gốc Bình Định từng 2 lần bị giam với cáo buộc "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Vào năm 1982 và 1994 bà Diệp đều bị giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Tuy nhiên, cả 2 lần đó bà sớm được tại ngoại vì cơ quan điều tra không thu thập đủ chứng cứ để có thể buộc tội bà.
Mới đây nhất, ngày 25/1, Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại UBND TP.HCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và Agribank chi nhánh TP.HCM.
Liên quan đến vụ án này, nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp, Chủ tịch Công ty Bất động sản Diệp Bạch Dương, cũng bị bắt tạm giam để phục vụ quá trình điều tra.
Bà Diệp bị bắt còn kéo theo 5 nguyên cán bộ của TPHCM (trong đó có ông Nguyễn Thành Tài - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM) bị bắt cùng. Tất cả đều liên quan đến việc hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM.
Đình Văn (Tổng hợp)