Song hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, một viên đạn nơi pháp trường lạnh lẽo đã kết thúc cuộc đời đầy vinh hoa và cũng đầy nước mắt của “ánh ban mai” miền Đông Ấn.
Vũ điệu thoát y thần bí
Từ những ngày thơ ấu ở miền Bắc Hà Lan, Margaretha đã vô cùng nổi bật nhờ ngoại hình rực rỡ và năng khiếu ngôn ngữ. Một người bạn học đã so sánh cô với một nhành phong lan lai bồ công anh, bởi cô mang vẻ ngoài y hệt một thiếu nữ phương Đông thay vì sở hữu làn da trắng và mái tóc vàng như hầu hết các trẻ em Hà Lan khác.
Biến cố lớn xảy đến với gia đình Margaretha Zelle vào năm 1889, khi cha cô bỏ rơi vợ con và đi theo một người phụ nữ khác. Sau cái chết của mẹ mình vài năm sau đó, Margaretha trở nên nổi loạn và đã bị đuổi học do bê bối liên quan đến Hiệu trưởng của trường.
Năm 1895, trong lúc chán nản, khổ sở và tuyệt vọng nhất, cô đã làm quen với Đại úy Rudolf MacLeod qua mục “Kết bạn trăm năm” rồi nhanh chóng tiến tới hôn nhân với tia hy vọng đổi đời. Margaretha biết rõ các sĩ quan ở Ấn Độ sống trong những ngôi nhà lớn với nhiều người hầu. “Tôi muốn sống như một con bướm dưới ánh mặt trời,” cô nói.
Họ có với nhau hai người con và Margaretha được bước vào thế giới mà cô hằng ao ước. Nhưng đời không như là mơ, MacLeod không có nhiều tiền như cô tưởng, thậm chí còn ôm một khoản nợ lớn và vô cùng lăng nhăng.
Trên một chuyến tàu năm 1897, Margaretha phát hiện chồng bà đã mắc bệnh giang mai, một căn bệnh lan tràn trong quân đội thuộc địa Hà Lan lúc bấy giờ và không có cách chữa trị hữu hiệu vào thời điểm đó.
Sau cái chết của người con trai, mâu thuẫn giữa hai người càng trở nên sâu sắc và một vụ ly hôn không tránh khỏi đã diễn ra vào năm 1902. Ban đầu, Margaretha giành được quyền nuôi con gái Louise Jeanne song cuối cùng cô bé lại được cha nuôi dưỡng.
Sau những chuyến đi đầy u uất, Margaretha Zelle bất ngờ “lột xác” thành một nhân vật hoàn toàn mới mẻ: Một vũ công kỳ lạ tên là Mata Hari – trong tiếng Mã Lai có nghĩa là "ban mai" hoặc "con mắt của ban ngày".
Cô đã gây được tiếng vang lớn nhờ màn biểu diễn dành cho tầng lớp thượng lưu tại Musée Guimet, một bảo tàng nghệ thuật châu Á ở Paris hoa lệ. Mata Hari đã trình bày những vũ điệu hoàn toàn mới lạ trong bộ trang phục trong suốt, để lộ chiếc áo ngực đính đá quý thu hút mọi ánh nhìn.
Để tránh những phiền phức từ màn biểu diễn đầy nhục dục, khi lần lượt trút bỏ xiêm y và chỉ để lại miếng che ngực bé xíu cùng trang sức trên đầu, Margaretha Zelle đã giải thích rất cẩn thận tại mỗi buổi biểu diễn, rằng đây là những điệu múa đền thờ thiêng liêng của người Java.
Mata Hari rất gợi cảm, xinh đẹp và ngập tràn cảm xúc; cô kể những câu chuyện về sự ham muốn, ghen tuông, đam mê và trả thù qua điệu nhảy của mình và thực sự chinh phục khán giả. Ở cái thời mà mọi người đàn ông có địa vị đều muốn bảo bọc một người tình xinh đẹp trong vòng tay mình, Mata Hari được coi là người phụ nữ quyến rũ nhất ở Paris hoa lệ.
Giới quý tộc, các nhà ngoại giao, tài chính, sĩ quan quân đội hàng đầu và các doanh nhân giàu có sẵn sàng nâng niu cô trong lông thú, đồ trang sức, ngựa, đồ nội thất sang trọng.
Thời điểm Mata Hari không còn xuân sắc và sự nghiệp nhảy múa của cô bắt đầu đi xuống, thậm chí ngay cả khi các gia đình Pháp không đáp ứng được những nhu cầu cơ bản sau khi Thế chiến thứ Nhất bùng nổ, cô vẫn ung dung sống đời vương giả, xa hoa hết mực.
Màn trình diễn cuối cùng
Nhưng cô sẽ không bao giờ biết rằng, chiến tranh đã thay đổi thế giới và cả suy nghĩ của những người bạn tình của mình.
Mata Hari nghĩ rằng cô có thể mãi mãi sung túc theo cách của mình trên khắp châu Âu. Nhưng giờ đây, thứ mà những người đàn ông quyền lực coi trọng nhất không phải là sắc dục. Họ muốn có thông tin. Và điều đó cũng có nghĩa là họ cần một gián điệp.
Mà Mata Hari thì có thể đi khắp châu Âu, thân mật với giới quý tộc, nhiều sĩ quan, chính trị gia... Còn lựa chọn nào tốt hơn để nghe những điều tuyệt mật đằng sau cánh cửa đóng kín? Lời hứa về một nguồn cung cấp tiền ổn định đã thuyết phục Mata Hari chấp nhận một lời đề nghị gián điệp đầu tiên cho Đức và sau đó cho Pháp.
Sau cùng, Mata Hari bị buộc tội moi tin từ các sĩ quan Đồng Minh trên giường ngủ rồi chuyển cho người phụ trách, dẫn đến cái chết của hàng ngàn binh sĩ.
Nhưng bằng chứng được trình bày trong phiên tòa của bà, cộng với các tài liệu khác sau này, đã đưa ra một ánh sáng khác: Rằng bà là một điệp viên hai mang, làm việc cho Pháp và có thể đã chết như một “vật tế thần”, nhằm đánh lạc hướng công luận khỏi những thất bại to lớn của quân đội Pháp trên chiến trường.
"Cô ấy nghĩ rằng gián điệp chỉ là một vai diễn khác" - Julie Wheelwright, tác giả của cuốn tự truyện "The Fatal Lover" nhận định - "Cô ấy rất ngây thơ".
Một bức điện tín của Đức thảo luận về nhiệm vụ của một điệp viên mã H-21 đã rơi vào tay tình báo Pháp. Ngày 12/2/1917, một lệnh bắt giữ Mata Hari được ban hành với lý do cô là gián điệp của Đức. Cô bị bắt ngay trong sáng hôm sau, trong khi ăn sáng tại khách sạn Elysee Palace. Người thẩm vấn cô là Pierre Bouchardon, một người cứng rắn và đặc biệt không mảy may mủi lòng trước những phụ nữ "vô đạo đức".
Cô bị nhốt tại Saint-Lazare, nhà tù khủng khiếp nhất ở Paris, không được cung cấp quần áo sạch, đồ lót, tiền cho thực phẩm hay tem để gửi thư. Chuỗi ngày tù ngục kéo dài khiến Mata Hari bắt đầu nhận ra rằng cô đang thực sự nguy hiểm.
Tất cả các cáo buộc dành cho cô đều mơ hồ, không nhắc đến những bí mật cụ thể được truyền cho kẻ thù ngoài những tiết lộ về chi tiêu hoang phí, cũng như danh sách người tình có địa vị và quốc tịch đa dạng.
Henri de Marguerie, một người tình của Mata Hari từ năm 1905 đã rất nỗ lực bảo vệ cô. "Không điều gì có thể làm hỏng suy nghĩ tốt đẹp của tôi về người phụ nữ này", ông nói. Ông thậm chí còn cáo buộc công tố viên đã buộc tội một trường hợp biết rõ là sai. Thật vậy, công tố viên sau này đã thú nhận rằng vụ án không có đủ bằng chứng "để đánh một con mèo".
Mata Hari bị kết án tử về tất cả 8 tội danh, buổi hành quyết được thực hiện trong bí mật vào sáng sớm ngày 15/10/1917. Giây phút cuối đời, cô đã có một màn trình diễn xuất sắc, có lẽ là lớn nhất từ trước tới nay khi di chuyển trong tư thế ngẩng cao đầu tới điểm hành quyết, từ chối đeo băng bịt mắt trước khi bị xử bắn.
"Ngay cả khi không bị gắn mác điệp viên, Mata Hari vẫn sẽ được nhớ tới hôm nay vì chính những điều cô ấy đã làm ở Thủ đô châu Âu vào đầu thế kỷ trước" - Hans Groeneweg, người phụ trách bảo tàng Fries nói - "Ít nhiều bà đã biến thoát y thành một điệu nhảy”.
Cuộc đời và cái chết của Mata Hari đã trở thành nguồn cảm hứng cho những tác phẩm điệp viên vĩ đại nhất mọi thời đại - có một người quyến rũ, xuất hiện như ánh ban mai trong vũ điệu thần bí và dễ dàng đánh cắp trái tim của bất cứ người đàn ông nào...
Ngân Hà (Theo National Geographic, BBC, Daily Mail)