Joséphine Baker (tên đầy đủ là Freda Josepine McDonald), sinh ngày 3/6/1906 tại thị trấn Saint-Louis (bang Missouri, Mỹ). Baker trải qua tuổi thơ cơ cực với những tháng ngày cặm cụi làm thuê, trông trẻ cho các gia đình giàu có. Với người lớn, những công việc này đã rất vất vả nên với một đứa trẻ như Baker, để hoàn thành mọi việc quả thật không dễ dàng.
Có lần, bà đã bị chủ nhà giội nước sôi vào hai bàn tay chỉ vì trót dùng quá nhiều xà phòng khi giặt quần áo. Mong muốn đổi đời nên Baker quyết định kết hôn ngay khi vừa tròn 13 tuổi. Sau đổ vỡ của cuộc hôn nhân đầu tiên bà quyết định gắn bó với một nghệ sĩ tự do tên Willie Baker. Cái tên Baker chính là được lấy từ tên người chồng thứ hai và được bà sử dụng cho đến cuối đời. Một lần nữa, Baker thất bại trong hôn nhân khi rời bỏ Willie vào năm 16 tuổi. Đây chính là sự kiện mở đầu cho chuỗi những thăng trầm trong cuộc đời bà.
Nhờ tài ca hát, khiêu vũ và lối nói chuyện duyên dáng nên bà đã được chọn vào đội kịch của thị trấn Saint-Louis và có cơ hội đi đến nhiều nơi biểu diễn. Thời điểm Baker đặt chân tới Paris cũng là lúc người Pháp như “phát cuồng” với văn hóa của người da màu. Họ thi nhau sưu tập các tác phẩm nghệ thuật châu Phi, say mê nhạc Jazz và những vụ điệu đầy hoang dã.
Chính vì vậy, Baker nhanh chóng mê hoặc toàn bộ người dân Paris, trở thành ngôi sao được chào đón ở khắp mọi nơi. Cho đến bây giờ người ta vẫn không thể quên màn trình diễn đầy nóng bỏng và khêu gợi của bà ở Folies Bergère (Paris) vào mùa hè năm 1926. Lúc ấy Joséphine Baker diện một chiếc váy ngắn sexy được kết từ những trái chuối nhân tạo. Tiếng nhạc sôi động kết hợp với từng chuyển động uyển chuyển. Ban nhạc rộn ràng. Ánh nhìn của khán giả như cuốn theo những đường cong tuyệt mỹ, rồi bùng lên trong tiếng vỗ tay vang dội.
Chính màn biểu diễn đó đã giúp bà trở thành nữ minh tinh da màu vĩ đại nhất thế giới. Chỉ sau 1 đêm, hàng nghìn con búp bê mặc váy chuối trở thành món hàng hot được bày bán trên khắp châu Âu. Các tạp chí làm đẹp thì ăn nên làm ra với loạt bài viết mách chị em bí quyết để sở hữu làn da nâu khỏe khoắn như Baker. Màn trình diễn huyền thoại này được cho là còn sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới thời trang và âm nhạc thế giới cho đến tận ngày nay.
Nhưng điều ít người biết là trong đám đông cuồng nhiệt ngày hôm đó còn có một “người hâm mộ” đặc biệt đó là Jacques Abtey – người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Pháp Le Deuxième Bureau. Thời điểm này Abtey đang tìm kiếm những gián điệp sẵn sàng làm việc không lương cho quân đội Pháp và một người bạn đã tích cực tiến cử Baker.
Bị bạn thuyết phục nên cuối cùng vị sĩ quan tình báo đồng ý gặp Baker tại nhà riêng của bà. Tại đây, Abtey hoàn toàn bị thuyết phục khi nghe nữ vũ công trả lời về đề nghị hợp tác của ông: “Người dân Paris đã cho tôi mọi thứ. Họ đã trao cho tôi trái tim của họ nên tôi cũng sẽ trao trái tim của mình cho họ. Tôi đã sẵn sàng cho đi cả tính mạng của mình. Ông có thể tùy ý sử dụng tôi theo ý muốn”. Ấn tượng bởi sự chân thành và tài năng của nữ nghệ sĩ, Abtey đã quyết định tuyển dụng bà.
Sau khi trở thành mật vụ, nữ nghệ sĩ được bí mật huấn luyện những kỹ năng cần thiết cho hoạt động gián điệp. Từ đó những buổi biểu diễn của Baker đều mang nhiệm vụ kép: trình diễn nghệ thuật và tình báo. Ngoài biểu diễn, Baker còn tích cực tham gia nhiều bữa tiệc và lễ tiếp đón phái đoàn các nước trên khắp châu Âu để dò la thông tin về di biến động của binh lính Đức. Nhiều quan chức cấp cao tỏ ra ngưỡng mộ bà nên việc thu thập thông tin trở nên dễ dàng hơn.
Khi chính phủ Pháp đầu hàng Đức, Tướng Pháp là Charles de Gaulle đã đứng lên thành lập phong trào “Nước Pháp tự do” để chống lại Đức Quốc xã. Abtey và Baker cũng gia nhập phong trào này. Sau đó Baker rời khỏi Pháp khi nhận được lệnh cùng Abtey tới Lisbon (Bồ Đào Nha) thu thập thông tin.
Chuyến đi được dàn dựng dưới vỏ bọc một buổi biểu diễn nên việc xin giấy tờ không gặp khó khăn. Rắc rối là việc làm sao để chuyển số lượng lớn tài liệu mật đi cùng. Cái khó ló cái khôn, bà đã nghĩ ra ý tưởng vô cùng thông minh đó là dùng mực vô hình để ghi vào bản nhạc ca khúc mà mình sẽ biểu diễn. Bên cạnh đó, Baker còn cố tình diện trang phục thật nổi bật thu hút sự chú ý để giúp Jacques – dưới danh nghĩa là trợ lý riêng của bà– có thể vượt biên an toàn.
Tại đây, nữ nghệ sĩ được đại sứ quán các nước Bỉ, Pháp, Anh nhiệt tình chào đón. Sau mỗi đêm diễn, bà lại bí mật thu thập thông tin từ những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt rồi ghi chép cẩn thận ra giấy, giấu vào áo ngực, quần lót và chờ cơ hội thích hợp là gửi đi. Vỏ bọc ngôi sao nổi tiếng đã giúp Baker thực hiện nhiệm vụ trót lọt mà không bị mảy may nghi ngờ.
Về sau, dù tình báo Đức và Italia nghi Baker là điệp viên của quân Đồng minh nhưng lại không dám bắt vì sợ sẽ làm dấy lên làn sóng phản đối. Nhờ đó, Baker tiếp tục có mặt ở nhiều nơi để thu thập tin tức và ở đâu bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Năm 1941 ở Maroc, dù lâm bệnh nặng nhưng Joséphine Baker vẫn cố gắng dùng sách chép nhạc để chuyển đi tin tức. Năm 1943 bà ký một văn bản xác nhận sẽ tham gia kháng chiến cho đến khi chiến tranh chấm dứt và nhận nhiệm vụ trong ngành không quân với chức vụ thiếu úy.
Sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc, bà trở thành một nhà hoạt động của phong trào dân quyền, tích cực đấu tranh chống kỳ thị chủng tộc và kêu gọi sự bình đẳng của người da đen. Baker càng khiến nhiều người nể phục khi nhận chăm sóc 12 đứa trẻ đến từ nhiều nơi trên thế giới mà bà gọi là “bộ tộc cầu vồng”.
Những đóng góp của Joséphine Baker được giới chức Pháp ghi nhận bằng hàng loạt những huân, huy chương cao quý như Huân chương Croix de Guerre, Huân chương Légion d’Honneur… Khi Joséphine qua đời vào năm 1975 nước Pháp đã bắn 21 phát đạn bác để tưởng niệm. Ngoài ra bà cũng là người phụ nữ Mỹ đầu tiên được an táng tại Pháp với đầy đủ nghi thức quân đội.
Minh Hoa (t/h)