Trong khi trên thị trường giá bán của chiếc điện thoại này giao động từ 13- 15 triệu đồng, thì giám đốc Phương chỉ rao bán với giá 10 triệu đồng. Không bỏ qua món hời trước mắt, nhiều bạn bè, người thân quen ùa vào mua, những mong kiếm bạc triệu từ kiểu mua bán trao tay "một vốn, bốn lời" mà nữ doanh nhân Phương thổi vào tai họ.
"Trúng" vố đau vì hám của rẻ
Trần Thu Phương (SN 1981, trú tại phòng 418- D2 tập thể Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) là con độc nhất trong một gia đình công chức thuần tuý. Từ hồi còn học tại học viện Quan hệ quốc tế (Hà Nội), Phương là một trong những sinh viên có thành tích cao trong học tập. Ra trường với tấm bằng hạng ưu, Phương được nhận vào làm cho chương trình đối tác tư pháp của vụ Hợp tác quốc tế - VKSND tối cao. Với đồng lương công chức, Trần Thu Phương thấy không đủ nuôi sống bản thân và đứa con nhỏ nên xoay ra kinh doanh hàng mỹ phẩm và nhiều đồ điện tử gia dụng, đặc biệt mà mặt hàng điện thoại di động iPhone 4 và iPad.
Với khách hàng mới quen và bạn bè thân thuộc, Phương chém gió mình có nguồn hàng điện thoại iPhone 4, iPad 2 (máy tính bảng) xách tay từ Hồng Kông và Singgapore giá rẻ hơn rất nhiều giá thị trường. Vì chỗ thân quen, Phương sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận kinh doanh nếu ai có nhu cầu mua hàng. Ví dụ, chiếc điện thoại iPhone 4 vào thời điểm năm 2011 giá trên thị trường khoảng 13 triệu đồng, Phương chỉ bán 10 triệu đồng.
Thấy món hời, mới đầu bạn bè của Phương mua về sử dụng cá nhân và mua hộ những người thân quen. Số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng với mục đích mua đi bán lại kiếm lời mà không cần hoá đơn chứng từ, xuất xứ hàng hoá. Điển hình là vợ chồng anh Hà Hùng đã giao hơn 571 triệu đồng cho Phương để mua 50 chiếc iPhone 4. Trong khi chờ hàng về, vợ anh Hùng đưa tiếp cho Phương hơn 820 triệu đồng mua tiếp 79 chiếc nữa. Nghe Phương nói bùi tai về số tiền lời, vợ chồng anh Hà Hùng đưa tiếp cho Phương 104 triệu đồng. Tính tổng cộng Trần Thu Phương đã cầm của vợ chồng anh Hà Hùng hơn 1,5 tỷ đồng nhưng không chuyển số lượng điện thoại iPhone 4 như đã hứa.
Bị cáo Trần Thu Phương. Ảnh Bảo Lâm
Cùng chung hoàn cảnh mua điện thoại iPhone 4 trao tay, chị Hồng (học cùng học viện Quan hệ quốc tế với Phương) bàn với chồng gom góp 980,9 triệu đồng mua điện thoại và mỹ phẩm của Phương. Mục đích cũng giống như nhiều khách hàng khác là mua bán trao tay, kiếm lời số tiền chênh lệch lên đến 30%. Ngoài ra, Trần Thu Phương còn rủ vợ chồng chị Hồng mua chung một mảnh đất ở Đông Anh, Hà Nội với giá cả rất hợp lý. Tiền đặt cọc mua đất là 100 triệu đồng, Phương góp 80 triệu, vợ chồng chị Hồng góp 20 triệu.
Do tin vào khoản lợi nhuận kếch xù chung mua đất mà Phương thổi vào tai, vợ chồng chị Hồng lại đưa tiếp cho Phương 580 triệu đồng. Chờ mãi chẳng thấy đất đai lợi nhuận đâu chị Hồng mới giật mình vì khoản tiền hơn 1,5 tỷ đồng mà mình đưa cho Phương. Trong lúc đi đòi tiền, vợ chồng chị Hồng mới biết còn có 6 nạn nhân nữa cũng bị Phương lừa tiền với số tiền lên đến hơn 7,4 tỷ đồng.
Chỉ vì hám lời trước mắt, họ đã bị Trần Thu Phương xỏ mũi. Những bị hại này đâu biết rằng, khi thả mồi, giăng thính, Phương đã chấp nhận mua điện thoại iPhone ngay tại thị trường Hà Nội với giá 13 triệu đồng, nhưng bán ra với giá thấp hơn gần 30% so với giá mua vào (10 triệu đồng/chiếc).
Tra chân vào cùm vì sĩ diện hão
Giờ đây đứng trước vành móng ngựa, bị cáo Trần Thu Phương bật khóc thú nhận: "Ngoài công việc chuyên môn, bị cáo có kinh doanh đồ mỹ phẩm, điện thoại qua mạng internet và ngày càng thua lỗ. Đầu năm 2011, bị cáo lâm vào tình trạng nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con. Chính vì vậy, bị cáo đã nghĩ ra chiêu bán điện thoại iPhone 4 giá rẻ để lừa đảo chiếm đoạt tiền của bạn bè và người thân". Vị chủ toạ thắc mắc: "Bị cáo làm ăn thua lỗ, vì sao lại mua điện thoại giá đắt, bán ra với giá rẻ để trượt dài vào chuyện nợ nần?". Bị cáo Phương trả lời trong nước mắt: “Bố mẹ đã nhiều lần ngăn cản bị cáo dừng chuyện kinh doanh, nhưng bị cáo không thể dừng lại được. Lý do vì tính sĩ diện sợ mọi người chê cười là làm ăn thua lỗ”. Nói đến đây, bị cáo Phương khóc nấc lên.
Vị chủ tọa tiếp lời: "Chính vì sự sĩ diện mà bị cáo đã đẩy con mình sống trong cảnh tù đày (hiện đứa con nhỏ thứ 2 SN 2012 của bị cáo Phương đang sống cùng mẹ trong trại giam - PV), bố bị cáo đau buồn mà mất sớm. Bị cáo thấy lỗi của mình chưa?". "Bị cáo sai lầm bắt đầu từ lúc bập vào chuyện kinh doanh qua mạng", Trần Thu Phương trả lời, nước mắt lưng tròng.
Quá trình tranh tụng tại toà, 7 bị hại, trong đó có 3 cặp vợ chồng đều cho rằng mình bị lừa là do hám lợi mua điện thoại rẻ 30% so với giá trị trường. Chính vì vậy, có người đã vay mượn hàng trăm triệu đồng của bạn bè, đứng ra làm trung gian gom tiền cho nhiều cửa hàng điện thoại. Khi mọi chuyện vỡ lở, những bị hại này phải cầm cố cả sổ đỏ nhà ở, bán ô tô để trả nợ số tiền đã đưa cho Phương. Anh K. (bị hại) đề nghị HĐXX xem xét đưa Trần Thi Sỹ (SN 1981, là chồng bị cáo Phương) vào tố tụng với vai trò đồng phạm.
Ghi nhận ý kiến trên và theo đề nghị của vị đại diện VKSND TP.Hà Nội, HĐXX tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung hành vi lừa đảo bán sữa trên mạng của bị cáo Phương và xem xét chồng Phương có đồng phạm hay không.
Trốn nã vẫn đi lừa đảo! Đáp lại câu hỏi của HĐXX: "Vì sao lại bỏ trốn?", bị cáo Phương giọng thành thật: "Vì chủ nợ đến nhà đòi tiền, gây nhiều sức ép, bị cáo phải bỏ nhà sống ở nhiều nhà trọ ven đô Hà Nội". HĐXX hỏi tiếp: "Quá trình trốn truy nã, bị cáo có tiếp tục gây án không? Đáp: "Có. Bị cáo thay đổi họ tên, vay tiền của bạn bè và lên mạng internet lừa bán sữa cho các bà mẹ. Tổng cộng bị cáo lừa bán được hơn 20 triệu đồng". |
Thiên Long