Những lời chia sẻ thân tình về công việc và cuộc sống của chủ tịch Dược Hậu Giang Phạm Thị Việt Nga trong chương trình Leader Talk.
Tiền thân của Dược Hậu Giang là xí nghiệp liên hiệp ngành dược tại Đồng bằng sông Cửu Long. Việc kinh doanh thuở ấy rất khó khăn. “Khó khăn đầu tiên là xí nghiệp không tạo được việc làm cho nhân viên. Nhiều người không có việc làm hay có việc nhưng chấp nhận làm không lương”, bà Nga nhớ lại.
Bên cạnh khó khăn về nguồn lực, Dược Hậu Giang còn khó khăn về đầu ra của sản phẩm bởi khi đó, người dân hầu như không biết đến các nhãn hàng, sản phẩm mà xí nghiệp đưa ra thị trường. Do áp lực trong công việc và đời sống CBNV còn khá thấp, trong lúc nản chí nhất, bà Nga đã viết đơn xin thôi việc. Tuy nhiên, lá đơn xin nghỉ ấy đã không được gửi đi mà được tiến sĩ giữ lại. “CBNV của Dược Hậu Giang chính là động lực để tôi thay đổi ý định”, bà Nga kể.
Để đầu tư các thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ việc mở rộng quy mô sản xuất, bà đã sẵn sàng vay tiền và đến kỳ nhìn “xe tiền đi trả lãi”. Vượt qua những khó khăn ban đầu, một số sản phẩm của Dược Hậu Giang được xuất tiểu ngạch sang Lào, Campuchia, sau đó là chính ngạch đến Hong Kong.
Nhớ lại thời khó khăn khi cùng các nhân viên tiên phong ra Hà Nội để mở rộng thị trường nhưng trong tâm trí người tiêu dùng, Dược Hậu Giang chỉ là “hàng tỉnh mà so với hàng trung ương”. Đây cũng chính là động lực để công ty dược phẩm Đồng bằng sông Cửu Long kiên trì nâng cao chất lượng sản phẩm và quảng bá mạnh mẽ hơn đến khách hàng. Đến nay, ước vọng “Chỗ nào có người bệnh là chỗ đó có Dược Hậu Giang” cơ bản được hoàn thành khi Dược Hậu Giang là một trong những công ty có vùng phủ rộng, số lượng sản phẩm nhiều, chất lượng đảm bảo và giá cả phải chăng.
Để có được sự thành công như vậy, theo bà, đó chính là nhờ yếu tố con người. Ngay trong thời điểm khó khăn nhất đến lúc công ty phát triển, người lao động luôn là nguồn lực quan trọng nhất. “Bản thân mình phải làm được thì nhân viên mới làm được. Để kịp thời hạn, tôi từng làm việc không ngừng nghỉ trong 7 ngày đêm liên tục”, bà nói.
Do vậy, khi nhận được câu hỏi từ một nữ nhân viên của TienPhong Bank về việc cắt giảm lương nhân viên trong thời kỳ kinh tế khó khăn, chủ tịch Dược Hậu Giang chia sẻ: “Chúng tôi không chọn cách ấy. Những người làm công đã cống hiến hết sức cho công ty mà lại cắt giảm lương trong thời kỳ khủng hoảng như hiện nay là điều không nên. Nếu công ty có lãi thì nên tăng lương cho anh em. Lúc khó khăn họ đã cùng chịu thì đến khi có điều kiện cũng phải để họ hưởng”.
Song song với việc luôn để ý đến những đồng nghiệp của mình, bà còn có cách “chăm sóc” nhân viên theo cách riêng. “Tôi thường viết thư chia sẻ với nhân viên khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống. Có khi tôi viết một bức thư dài đến 5 trang gửi cho đồng nghiệp đang gặp vấn đề. Tôi thường viết vào ban đêm để không ảnh hưởng đến thời gian làm việc”, bà Nga kể lại.
Cũng với cách này, vào mỗi dịp sinh nhật nhân viên, vị chủ tịch Dược Hậu Giang lại viết từng bức thư riêng chúc mừng. “Mỗi nhân viên có hoàn cảnh sống khác nhau nên mỗi bức thư sẽ có cách chúc khác nhau”, bà Nga tận tình chia sẻ. Cạnh đó, cách viết thư còn được bà dùng để gợi ý công việc cho ban lãnh đạo công ty.
Tất cả những điều nữ doanh nhân này làm được xem như “trả nợ”, từ việc chăm lo cho nhân viên đến chú trọng sản xuất thuốc hay quan tâm đến khách hàng. Bởi theo giải thích của bà, từ năm 12 tuổi, cô bé Phạm Thị Việt Nga đã ăn cơm từ nhân dân khi theo cha mẹ đi kháng chiến. Rồi đến khi vào làm tại Dược Hậu Giang, bà lại “mắc nợ” những cộng sự đến lúc bán hàng thì lại tiếp tục “nợ” người tiêu dùng.
Điều kiện tiên quyết để bà Nga vực Dược Hậu Giang đi qua khó khăn chính là nhờ sự chịu khó trong lao động và học tập. Bà học không ngừng nghỉ chẳng phải để cho riêng mình mà là để truyền lại cho thế hệ sau: “Tôi học 10 thì truyền lại cho nhân viên 5, điều đó giúp họ thay đổi tư duy để cùng phát triển công ty".
Theo Chungta.vn