Cô đã thành lập Công ty tổ chức sự kiện và quản lý người mẫu J Model Management (JMM) tại Birmingham (Anh) chỉ 1 tháng sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ ngành truyền thông tiếp thị của ĐH Birmingham vào năm 2009. Từ đó đến nay, JMM ngày càng được biết đến rộng rãi từ châu Á sang châu Âu.
Jessica Minh Anh (trái) và Doris Schaefgen, TGĐ khách sạn Renaissance Paris Arc de Triomph thuộc Tập đoàn Marrio Ảnh: JMM
Được biết, JMM của bạn đã mở thêm chi nhánh ở Paris. Bạn có thể chia sẻ mục tiêu của JMM nhắm đến tại thị trường Pháp là gì?
Tôi mở JMM ở Paris từ tháng 5 năm ngoái và đã nhận được sự ủng hộ rất tích cực từ các đối tác lớn như tập đoàn Marriott, Toni&Guy France và Make Up For Ever France. Giới truyền thông châu Âu đặc biệt là Anh, Pháp và Ý đều quan tâm đến các ý tưởng mới lạ trong các chương trình tôi tổ chức, nên tôi càng có hứng thú để làm tốt hơn nữa. Mặc dù đang sống ở Paris, tôi vẫn giữ hướng phát triển của JMM là tổ chức các sự kiện thời trang lớn ở các địa danh độc đáo nhất, nên các chương trình sắp tới của tôi không nhất thiết sẽ diễn ra ở Pháp. JMM đã tổ chức show gần đây nhất trên con tàu Costa Atlantica của Ý ở Dubai vào đầu năm. Tuy nhiên, Pháp sẽ là nơi JMM tập trung hơn với ít nhất một chương trình mỗi năm.
Hiện tại, ngoài mảng tổ chức sự kiện thời trang, bạn còn muốn JMM phát triển thêm mảng kinh doanh nào khác không? Nếu có thì bạn dự định thực hiện như thế nào?
Trong 3 năm vừa qua, JMM tập trung cao độ vào việc sản xuất các chương trình thời trang, đặc biệt ở các địa danh nổi tiếng trên thế giới, và đó cũng nhằm khẳng định bản sắc riêng của tôi. Gần đây, tôi đã lên kế hoạch mở rộng sang các lĩnh vực liên quan như truyền thông, giáo dục và công nghệ. Tôi thích làm nhiều thứ lắm nhưng trước tiên sẽ chọn các lĩnh vực mình có kinh nghiệm và thế mạnh.
Ngoại trừ nhóm khách hàng chuyên về lĩnh vực thời trang như Paul Costelloe, Hugo Boss, Lacoste, Tommy Hilfiger, Yumi Katsura... JMM có còn muốn nhắm đến nhóm khách hàng nào khác?
Rất nhiều người cũng nghĩ tôi chủ yếu làm việc với các công ty thời trang, nhưng thật ra thời trang chỉ là một phần mười trong nhóm khách hàng của JMM. Tôi làm việc khá nhiều với các ngành khác, ví dụ như ô tô (Citroen), khách sạn (Marriott), nhà hàng (Shogun), chocolate (Tokyo Chocolate), mỹ phẩm (L’Oreal), xăng dầu (PETRONAS), bút mực (Montegrappa Italia), hệ thống tàu điện Singapore (SMRT Media)…
Bạn có thể chia sẻ những khó khăn, thách thức cũng như thuận lợi khi bắt đầu kinh doanh tại Anh, vốn có tính cạnh tranh rất cao?
Cái khó nhất khi bắt đầu trong bất kỳ lĩnh vực nào là thuyết phục được khách hàng tin tưởng vào khả năng của công ty bạn khi bạn chưa có thành tích cụ thể. Giới hạn thứ hai là bạn không có nhiều lựa chọn với một số vốn nhất định. Ngoài ra, để có được một đội ngũ nhân viên kinh nghiệm, bạn cần thời gian đào tạo. Thuận lợi lớn nhất của tôi khi mở công ty chính là kiến thức và kinh nghiệm sẵn có về công nghệ thông tin, truyền thông, marketing…
Trong thời gian đi học và thử việc, tôi đã tổ chức nhiều chương trình với quy mô lớn và quản lý hơn 100 người với sức ép cao về thời gian. Bên cạnh đó, các ý tưởng mới mẻ luôn làm khách hàng quan tâm. Ở thị trường có tính cạnh tranh cao như Anh, Pháp, Mỹ hay Singapore, để có thể kinh doanh hiệu quả, bạn thật sự cần sự toàn diện và tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình. Bạn cần trở thành lựa chọn duy nhất, chứ không phải là một trong nhiều lựa chọn của khách hàng.
Cám ơn Jessica!
Theo
Thanh niên