Đề thi Olympic Đắk Lắk gây “sốt”
Kỳ thi Olympic truyền thống 10/3 tỉnh Đắk Lắk năm 2024 vừa khép lại bằng việc Ban Tổ chức đã tìm ra chủ nhân của những chiếc huy chương danh giá nhất.
Tuy nhiên, dư âm của cuộc thi vẫn còn khi đề thi khối 10 của môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (một môn mới xuất hiện trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018) có đề cập đến 2 doanh nhân trẻ của tỉnh.
Đó là anh Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH Ê Đê Café (xã Dray Sap, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) và chị Nguyễn Thị Thu Phương – Giám đốc Công ty CP Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk).
Đề thi môn học trên gồm 5 câu hỏi, thời gian làm bài 180 phút. Trong đó, câu hỏi số 4 đề cập đến anh Y Pốt Niê, câu hỏi số 5 đề cập đến chị Nguyễn Thị Thu Phương.
Câu hỏi số 5 xoay quanh kiến thức như: Cơ chế thị trường là gì; ưu điểm của cơ chế thị trường. Vì sao sản phẩm hạt mắc ca của Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương do nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thu Phương làm Giám đốc có mặt tại tất cả các tỉnh, thành trong cả nước và xuất khẩu chính ngạch sang thị trường quốc tế. Sản phẩm mắc ca đã mang lại lợi ích gì cho địa phương...
Ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban Tổ chức Kỳ thi Olympic truyền thống 10/3 tỉnh Đắk Lắk, lần thứ 7 năm 2024 cho biết, kỳ thi lần này thu hút được số lượng lớn thí sinh tham gia dự thi.
Theo đó, toàn tỉnh có 59 trường THPT tham gia Kỳ thi Olympic truyền thống 10/3 tỉnh Đắk Lắk, với 2.187 thí sinh tham gia dự thi ở 11 bộ môn thi, gồm: Toán, Lí, Hoá, Sinh, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Đây là một đợt sinh hoạt chuyên môn sâu, rộng của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk.
Do đó, mỗi đơn vị đi thi sẽ đóng góp 1 đề thi. Sau đó, hội đồng ra đề thi sẽ bốc thăm theo từng câu. Đề 5 câu, mỗi trường chỉ chọn được 1 câu. Câu nào bốc trúng sẽ được biên tập lại nhưng vẫn dựa trên nền tảng 70-80% câu hỏi ban đầu.
Nói về việc trong đề thi môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật của khối lớp 10 có nội dung về nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thu Phương và nông dân Y Pốt Niê, ông Hiệp khẳng định, các câu hỏi này được bốc thăm ngẫu nhiên từ chính các đề đề nghị của các trường tham gia thi.
Theo đánh giá của ông Hiệp, câu hỏi liên quan đến nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thu Phương và nông dân Y Pốt Niê là những câu hỏi hay, rất thực tế và gần gũi với học sinh.
“Việc đưa con người, nhân vật cụ thể vào đề thi năm nay được thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học thì lý thuyết phải gắn liền với thực tiễn, phong phú, sinh động, học phải đi đôi với hành. Do đó, môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật cần có những giáo dục về mọi mặt cho học sinh”, ông Hiệp cho hay.
Trên cơ sở đó, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho rằng, đề thi nói trên đã thể hiện được tinh thần Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của các thầy cô giáo ra đề, cũng như các em học sinh đã thực hiện được những bài thi xuất sắc.
Theo đó, thầy cô đã hướng, truyền động lực và cảm hứng cho các em; gắn việc học trong sách vở với cuộc sống bằng những gương tiêu biểu, người thật, việc thật, thực tiễn hiện nay. Từ đó, định hướng phát triển năng lực và phẩm chất của người học.
Kết thúc kỳ thi, Ban Tổ chức trao tặng 22 cờ xuất sắc mỗi môn cho khối lớp 10, 11; tặng Giấy khen cho 23 cá nhân thủ khoa các môn; trao tặng 1.207 bộ huy chương, trong đó, 330 Huy chương vàng, 437 Huy chương bạc, 440 Huy chương đồng và cấp Giấy chứng nhận cho 980 cá nhân tham gia.
Hành trình đưa mắc ca vươn ra thế giới
Nguyễn Thị Thu Phương sinh ra và lớn lên tại một vùng quê ở xã Phú Lộc (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk).
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng, Phương ở lại thành phố Đà Nẵng mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Thế nhưng, sau một thời gian lăn lộn với cuộc sống, Phương nhận thấy mình không có duyên với “thành phố đáng sống” và quyết định trở về quê để tìm hướng lập nghiệp cho bản thân.
Năm 2016, Phương trở về quê cũng chính là lúc người dân trên địa bàn đang vào mùa thu hoạch mắc ca. Thế nhưng, cô gái trẻ không khỏi trăn trở, xót xa cho nỗi cực nhọc, vất vả của người nông dân khi mắc ca sau khi thu hoạch hầu như không tìm được đầu ra.
Với ý nghĩ táo bạo, Phương cho rằng, khó khăn của người nông dân cũng chính là cơ hội để bản thân bước vào hành trình khởi nghiệp.
Để hiện thực hóa ý tưởng, Phương miệt mài dành 6 tháng đầu năm 2016 để tìm hiểu về công nghệ kỹ thuật, sản phẩm, thị trường tiêu thụ mắc ca. Không chỉ vậy, Phương đã mạnh dạn mua máy móc về phục vụ cho việc sản xuất, đóng gói hạt mắc ca.
Giữa năm 2016, sản phẩm “mắc ca sấy dập nứt” mang thương hiệu Mắc ca Đắk Lắk Nguyên Phương lần đầu tiên có mặt trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận thông qua việc bán lẻ, bán online.
Tuy nhiên, thành công không đến quá dễ dàng với cô gái trẻ trên hành trình khởi nghiệp. Phương chia sẻ, thời gian đầu, máy móc, kỹ thuật sấy và khâu bảo quản chưa chuẩn nên sản phẩm mắc ca bị hư hỏng nhiều, dẫn đến số tiền bị lỗ gần 60 triệu đồng. Không những thế, khách hàng liên tiếp phản ánh về việc hàng bị hư hỏng quá nhiều.
Khó khăn không làm cô gái có thân hình nhỏ nhắn như Phương lùi bước hay có ý định bỏ cuộc. Với phương châm “để thành công phải không sợ thất bại”, Phương miệt mài tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều kênh thông tin nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh đó, Phương luôn lấy uy tín làm đầu trong quá trình sản xuất. Mặt khác, hàng lỗi, hư hỏng được Phương sẵn sàng đổi cho khách hàng khi nhận được thông tin phản hồi. Ngoài ra, Phương dần hoàn thiện hệ thống máy móc để quá trình sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn.
Cuối cùng, sự nhẫn nại, không ngừng cố gắng đã giúp cho Phương dần đi đến những thành công. Năm 2017, Phương xuất ra thị trường 25 tấn hạt mắc ca, trừ chi phí, thu lợi nhuận 451 triệu đồng.
Tiếp đó, vào năm 2018, Phương đã giành giải nhất cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk với đề án “Sản xuất và kinh doanh hạt mắc ca”. Đây là “bước đệm” để cô gái trẻ sáng lập Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương năm 2019 và từng bước mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Chưa dừng lại ở những kết quả nói trên, Thu Phương còn không ngừng học hỏi, nghiên cứu, cho ra thị trường một số sản phẩm mới như nhân mắc ca trần, sô cô la mắc ca, dầu mắc ca, sữa bột mắc ca. Đồng thời, cải cách quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn ISO, HACCP vào sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm, đầu tư hàng tỉ đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị với công suất 300 tấn/năm.
Cuối năm 2022, Công ty cổ phần Damaca Nguyên Phương chính thức kí hợp đồng phân phối độc quyền sản phẩm hạt mắc ca sấy tại thị trường nổi tiếng với sự khắt khe bậc nhất Nhật Bản với một doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu và cung cấp thiết bị cho các siêu thị Nhật Bản.
Đến nay, công ty Uyên Phương đã xuất khẩu khoảng 30 tấn sản phẩm mắc ca, trị giá hơn 300.000 USD sang thị trường Nhật Bản. Thu Phương trở thành doanh nhân đầu tiên đưa mắc ca Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch ra thế giới.
Ngoài thị trường Nhật Bản, Phương còn nỗ lực xuất khẩu các sản phẩm mắc ca sang Hàn Quốc, Canada, Đài Loan, Pháp và sẽ mở rộng thị trường sang Mỹ trong thời gian tới...
Với sự nỗ lực không ngừng, Nguyễn Thị Thu Phương đã chứng minh sự xuất sắc của mình trong lĩnh vực xuất khẩu và trở thành một gương mặt xuất khẩu mắc ca của tỉnh Đắk Lắk. Qua đó, góp phần mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho Đắk Lắk và đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng nông dân địa phương.
Thời gian qua, Phương còn là đại diện trẻ tiêu biểu của tỉnh Đắk Lắk tham dự nhiều sự kiện quan trọng của đất nước như: Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X (tháng 1/2021), diễn đàn thanh niên khởi nghiệp toàn quốc năm 2020, Hội nghị phát triển cây mắc ca Việt Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII,... Thu Phương đã trở thành tấm gương điển hình đối với nhiều bạn trẻ trong phong trào thắp lửa khởi nghiệp trên chính quê hương của mình.
Sự xuất hiện của Nguyễn Thị Thu Phương trong đề thi Olympic truyền thống 10/3 đã góp phần truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là các em học sinh.
Khánh Ngọc