Người đàn bà này còn có một câu nói nổi tiếng: "Tôi cần con, cần hạnh phúc gia đình, không cần anh hùng".
Ba lần bị địch cưa chân
Tám Tiệm là dân gốc địa phương, lại có sự khác biệt về đôi chân so với người bình thường nên khi chúng tôi vừa đến đầu xã Hàm Liêm hầu như ai cũng biết đến bà. Trong chốc lát chúng tôi đã đến được nhà của người nữ anh hùng bị địch cưa chân. Hiện ra trước mắt chúng tôi là ngôi nhà xây kiên cố được sơn quét sạch sẽ, gọn gàng. Trong nhà có nhiều tiếng hò hét của trẻ thơ. Nghe có người gọi tên mình, bà Tám Tiệm liền cất giọng: "Ai tìm tôi đó, có chuyện gì không?".
Bà Tám Tiệm (người ngồi giữa mặc áo trắng) gặp nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.
Khi hay chuyện chúng tôi tìm đến để nghe bà kể về một thời ký ức hào hùng của mình và đồng đội, bà vui mừng lẫn bịn rịn tưởng như chiến tranh vừa mới qua đi. Bà đưa đôi tay nhăn nheo vì tuổi già sờ vào đôi chân bị thương tật chậm rãi kể: "Đầu những năm 1960, Mỹ-Ngụy tiến hành di tản dân ra khỏi vùng kháng chiến để lập ấp chiến lược với chằng chịt dây thép gai và mìn. Song, buổi sáng chúng vẫn mở cổng cho dân vào cày xới, trồng trọt. Tầm khoảng 5h chiều lại đuổi ra. Khi hai bên đánh nhau thì người dân đi chỗ khác, hết chiến trận lại quay về. Khu vực xã Hàm Liêm bây giờ là ấp chiến lược Tân An, Tây Điền luôn hứng chịu rất nhiều bom đạn của kẻ thù. Nhiều chiến sĩ chiến đấu ngoan cường đã mãi mãi nằm lại nơi đây. Đồng thời nó còn nằm trong vùng "tam giác sắt" thuộc quận Thiện Giáo".
Chứng kiến người dân lầm than, sự tàn nhẫn của Mỹ-Ngụy, năm 14 tuổi, Tám Tiệm gia nhập đội liên lạc của địa phương góp phần vận chuyển vũ khí, thuốc men vào ấp chiến lược, tiếp tế lương thực cho cách mạng.
Là một người con gái nhưng Tám Tiệm có tướng mạo khá giống con trai. Lợi dụng ưu thế đó đã giúp cô diệt giặc, nắm tình hình chiến sự ở cơ sở báo ra khu cho cán bộ. Với tinh thần chiến đấu gan dạ Tám Tiệm vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đầu năm 1967, cô được cử làm Hội trưởng hội Phụ nữ xã Hàm Liêm. Không lâu sau, Tám Tiệm đã đứng ra chỉ huy đội du kích mật tham gia nhiều trận đánh ác liệt. Khi địch điều quân từ Buôn Mê Thuột mở chiến dịch càn quét với khẩu hiệu "làm cỏ Việt Cộng" ở vùng "Tam giác sắt" thì Tám Tiệm bị thương nặng và bị địch bắt về tra khảo. "Bị thương nặng thay vì tôi được băng bó vết thương thì bọn địch lại dùng cưa cắt đi đôi chân của cô rồi vứt vào nhà xác. Sau đó, tôi tỉnh lại, bọn chúng đưa đi chữa trị nhưng vết thương bị nhiễm trùng tôi bị cắt chân thêm hai lần nữa rồi tống tôi đi trại giam Lao Xá, Phan Thiết", bà Tám Tiệm nhớ lại.
Cuộc sống đời thường của bà Tám Tiệm.
An ức riêng tư
Chứng kiến hoàn cảnh bi thương của Tám Tiệm, các tù binh chính trị ai nấy đều cảm phục cô gái bé nhỏ này. Từ sự việc trên, khí thế đấu tranh đòi tự do, cấm hành hạ ngược đãi tù nhân trong nhà tù càng dâng cao. Tám Tiệm chia sẻ: "Ở tù mình gặp lại nhiều đồng đội, đồng chí, được rèn luyện thêm tư tưởng chính trị, cách mạng dù có bị thương tật mình cũng ra sức đấu tranh. Tháng 9/1969, nghe tin Bác Hồ mất, tôi phối hợp với chị Nguyễn Thị Điệp đứng ra chỉ huy các anh em đeo băng tang để tưởng niệm vị lãnh tụ của dân tộc, và xin thề đấu tranh quyết liệt với Mỹ, Ngụy ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Cuối 1970, bọn địch nghĩ tôi bị cưa chân thì không thể làm ăn gì được đã trả tự do cho tôi. Nhưng tôi đâu có chịu ở yên một chỗ, mà chỉ huy cho anh em cài cắm mìn ở nhiều đoạn đường địch đi qua".
Bà Tám Tiệm nói tiếp: "Tôi nhớ rõ như in, ngày đó tiêu diệt gần 30 tên giặc ở trường học xã Hàm Liêm, diệt 2 xe tăng hiệu M.113 và 141 và làm nổ tung bọn địch ở rạp hát Li Lát tại TP. Phan Thiết và nhiều trận đánh lớn khác. Trong nhiều tháng liền, bọn địch khiếp vía vì cứ nghĩ ở bất kỳ đâu cũng có mìn được cài cắm sẵn. Hòa bình lập lại, tôi trở về cuộc sống đời thường và không hy vọng mình lấy được chồng. Bởi, khi lập gia đình với bộ dạng như thế sẽ làm khổ cho người bạn đời. Với ý nghĩ đó, tôi ở vậy với người mẹ già. Hằng ngày, tôi vẫn lội ruộng đi cấy, cắt lúa như mọi người. Thậm chí, tôi còn nuôi heo để cải thiện kinh tế. Rồi một ngày, tôi chợt nhận ra nếu ở vậy suốt đời thì buồn lắm. Tuổi già, bệnh tật ốm đau lấy ai chăm sóc. Vì vậy, tôi đã có một quyết định táo bạo "không cần chồng chỉ cần con".
Vì lẽ đó, cô đã xin một người đàn ông bí mật cho một đứa con. Ước nguyện đã thành sự thật khi bé Lan (là con nuôi của bà) tròn một tuổi thì em gái Phạm Thị Ái Ly chào đời trong sự vui mừng khôn tả. "Có thể, trời xanh thấu hiểu được nỗi lòng của Tám nên đã cho hai đứa con gái ngoan. Dù rất thắc mắc về cha ruột của mình, nhưng chưa bao giờ Ly hỏi mẹ về điều đó. Đến bây giờ, hai đứa đều trưởng thành có công ăn việc làm và đã yên bề gia thất. Chừng nào Tám sắp lìa đời, con gái sẽ biết cha nó là ai", nữ anh hùng Tám Tiệm bộc bạch.
Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đại diện phòng Lao động Thương binh Xã hội huyện Hàm Thuận Bắc xác nhận: Do mang tiếng người có công với cách mạng mà lại chửa hoang nên nhiều năm liền Tám Tiệm hứng hịu những lời dèm pha của bà con xóm giềng. Cũng xuất phát từ việc này, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân không thể đến với bà. Cuối cùng nhờ sự can thiệp của bạn bè, đồng chí chiến hữu năm xưa, năm 2000 nữ thương binh Phạm Thị Mai được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. |
Quyên Triệu - Hoài Thương