Duyên nợ với người có “H”
Từ khi bước chân vào bệnh viện Bệnh nhiệt đới, chị Thu (45 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM), xác định sẽ gắn bó cả đời mình để phục vụ cho bệnh nhân nhiễm "H" giai đoạn cuối. Những ngày đầu tiên vào viện làm việc, chị đã nhận ra rằng, những bệnh nhân bị nhiễm "H" đang điều trị tại đây không chỉ vật vã đau đớn với bệnh mà còn chịu nỗi đau về tinh thần gấp bội. Khi bệnh ở giai đoạn cuối, cơ thể bệnh nhân phát sinh thêm nhiều chứng lở loét, ho, đau... Vì vậy, việc chăm sóc cho bệnh nhân cực kỳ khó khăn, vất vả. Hầu hết ai cũng sợ bị lây nhiễm từ người bệnh.
Vào những năm đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, căn bệnh này bị người dân hết sức kỳ thị và họ tìm mọi cách xa lánh bệnh nhân. Nỗi khổ tâm nhất của người bệnh chính là họ phải chứng kiến người nhà cũng xa lánh mình. Cảm giác cô đơn, lạc lõng, mất niềm tin vào người thân như cú sốc cho nhiều bệnh nhân ở đây. Trước tình thế đó, nhiều bệnh nhân đòi tự tử để kết thúc cuộc đời sớm hơn.
Chị Diệp Thị Lệ Thu kể chuyện nghề
Nhưng lúc này, sự xuất hiện của những nữ hộ lý tận tâm tận tình đã kịp thời ngăn cản, chia sẻ và tìm cách níu họ ở lại với đời khi chưa đến lúc ra đi. Chị Diệp Thị Lệ Thu là một trong những nữ hộ lý can thiệp kịp thời nhiều ca gây sốc. Từ đó, chị được coi như là vị cứu tinh cho những bệnh nhân nhiễm "H". Đã có lúc chị muốn từ bỏ, nhưng vì cuộc sống, vì duyên nợ với nghề, chị cảm thấy mình thực sự là người mà nhiều bệnh nhân đang cần, nhất là những người đang đối mặt với phút tử thần trên giường bệnh.
Theo chị Thu, những năm đầu vào nghề, đối mặt với những khó khăn trong công việc, chị cảm thấy chán chường. Bởi điệp khúc nghe bệnh nhân chửi, đòi chích kim tiêm vào người chị nhằm truyền bệnh cho chị... chỉ vì những lý do nhỏ nhặt như: Chưa sắp xếp kịp chỗ nằm cho bệnh nhân, chưa đưa bệnh nhân đi vệ sinh kịp...
Chị Thu kể: "Hầu hết bệnh nhân là con nghiện, dân ăn chơi, bụi đời nên họ nói năng rất thô tục. Thậm chí, mỗi lúc chán đời, họ lại muốn cho mình nhiễm bệnh. Hồi mới làm việc này được mấy tháng, có bệnh nhân nam trạc tuổi tôi từng được tôi chăm sóc, sáng hôm đó anh này yêu cầu chuyển qua phòng bên cạnh nhưng tôi còn đi hỏi ý kiến bác sĩ có cho chuyển được không. Thế rồi bệnh nhân này la làng với tôi: "Mày có muốn tao chích cho mũi tiêm không, sao giờ này chưa chuyển giường?.... Nói xong, bệnh nhân này ngồi nhổm dậy và chạy xồng xộc lao về phía tôi, thấy vậy tôi chỉ biết chạy trốn và gọi bác sĩ".
Đối diện với những hù dọa bất ngờ của bệnh nhân dường như đã trở thành chuyện quen thuộc với những người làm nghề chăm sóc bệnh nhân như chị. Ngoài công việc dọn dẹp chăm sóc, tắm rửa vệ sinh cho bệnh nhân, chị Thu còn là chuyên gia tâm lý cho bệnh nhân mỗi khi họ chán đời.
Chị Thu đang chăm sóc cho bệnh nhân
Từng sợ sinh con...
Gương thầy thuốc như mẹ hiền Trao đổi với PV, bà Oách Kim Dung, điều dưỡng trưởng khoa Nhiễm E bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết: "Tại bệnh viện, công việc tiếp xúc chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm "H" đều được đặt lên hàng đầu. Chị Diệp Thị Lệ Thu là một trong những nhân viên tiêu biểu của bệnh viện. Trong công việc, chị rất tận tâm tận tình với bệnh nhân và hòa đồng vui vẻ với đồng nghiệp. Chị được nhiều bệnh nhân gọi bằng "má", rất thân thuộc và gần gũi. Đặc biệt, năm 2013, chị được Công đoàn sở Y tế TP.HCM bình chọn là Gương thầy thuốc như mẹ hiền". |
Mấy chục năm trong nghề, chị đã gặp không biết bao nhiêu trường hợp đòi chết chỉ vì họ bất ngờ biết được đã nhiễm "H". Chị kể, có những cô gái tuổi đời còn non trẻ, ở cái tuổi mười chín đôi mươi mộng đẹp, họ nhận được tình cảm chân thành của một người đàn ông và cưới làm chồng. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, khi những biểu hiện như sốt cao, người khó thở, mệt mỏi họ đi bệnh viện khám sức khỏe thì bàng hoàng phát hiện ra mình đã nhiễm "H" từ chồng. Cảm giác hụt hẫng chán đời khiến họ chỉ muốn chết cho xong.
Từ những tâm sự đó, chị Thu đã lặng lẽ theo dõi bước chân của bệnh nhân, để phát hiện họ có ý định tự tử và tìm cách ngăn chặn kịp thời. Với lời khuyên chân tình của chị Thu, những bệnh nhân này đã bước qua mặc cảm, sống tốt những ngày còn lại.
Những ngày đầu, chị Thu chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc với bệnh nhân nhiễm "H". Đã có lần, bác sĩ trưởng khoa thấy chị quá nhiệt tình trong công việc, như mỗi lần tắm rửa cho bệnh nhân, chị không ngại ngùng trước những vết lở loét trên cơ thể bệnh nhân. Bác sĩ trưởng khoa yêu cầu chị làm xét nghiệm máu để kiểm tra. Sau năm năm, chị làm hàng chục xét nghiệm và đều cho kết quả âm tính với HIV/AIDS. Lúc này, cả người nhà và nhân viên trong khoa mới yên tâm về sức khỏe của chị.
Nhớ lại chuyện đó, chị kể: "Khi tôi vừa cưới chồng được hai tháng, bác sĩ trưởng khoa cứ lo tôi bị bệnh nên yêu cầu tôi xét nghiệm. Lúc đó mặt mày tôi tím tái, bàng hoàng chạy đi kiếm ông xã. Cũng may là ông xã tôi cũng là nhân viên tài xế xe cấp cứu trong bệnh viện. Tôi chạy tới gặp chồng và nói: "Chắc em sẽ bị lây bệnh, chúng ta hãy chia tay đi". Nghe câu nói của tôi, chồng tôi cũng hết sức ngỡ ngàng, nhưng anh trấn an tôi: "Làm sao chia tay, có chết thì cả hai cùng chết, em có tội tình gì đâu mà anh chia tay em". Cũng may là sau nhiều lần kiểm tra, tôi không bị bệnh và giờ đã có hai con khôn lớn".
"Tôi nghĩ, nếu mình có tâm giúp người thì nỡ nào trời lại đối xử bất công với mình. Mới đây nhất, tôi phải chứng kiến cảnh bà mẹ trẻ đau từng khúc ruột khi phát hiện con gái mới lớn của mình bị mấy thằng hàng xóm rủ rê quan hệ tình dục dẫn đến nhiễm “H”. Bé này mới 13 tuổi, sinh ra trong một gia đình nông dân tại tỉnh Cà Mau. Suốt ngày, ba mẹ đi làm thuê làm mướn, gia cảnh nghèo nên không cho con đi học, hằng ngày để con gái ở nhà một mình. Những gã thanh niên trong ấp đã lợi dụng sơ hở này rủ bé quan hệ tình dục. Năm này qua năm khác, bé bị hành hạ nhưng người lớn không nhận ra. Khi bé bị sốt, bộ phận sinh dục sưng tấy, phát mủ và đau đớn, gia đình đưa đi khám thì phát hiện vụ việc. Lúc này, bé mới dám kể ra cho ba mẹ biết thì đã quá muộn màng. Bác sĩ cho biết, bé bị nhiễm bệnh khoảng ba năm nay nhưng vì không uống thuốc điều trị nên diễn tiến bệnh nặng. Người mẹ đau xót, tay đấm thùm thụp vào ngực như muốn đi theo con gái. Trường hợp này tôi phải tự tay tắm rửa, chăm sóc cho bé như người mẹ. Chỉ sau hai tuần nhập viện, bé gái đã qua đời", chị Thu đau lòng nhớ lại.
Ái Minh