Nghệ sỹ trẻ Nguyễn Phương Linh là cháu nội của nhà văn Kim Lân, sinh trưởng trong một gia đình làm nghệ thuật với tên tuổi "khai phá" của thế hệ đi trước là cô, chú như họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, Thành Chương, Nguyễn Mạnh Đức... Ấn tượng về Linh trong tôi là một cô gái nhỏ bé, lanh lợi, cá tính mạnh. Có lẽ cũng vì thế, thứ nghệ thuật cô theo đuổi cũng mới mẻ và nhiều chông gai trên con đường chinh phục người yêu nghệ thuật.
Quả trứng, với một nửa là lông vũ, một nửa là kim, cùng một trái banh chứa hàng trăm viên bi nhỏ: "Người ta sinh ra từ hạnh phúc và đau khổ"
Nghệ thuật thăng hoa từ trong đau đớn
Nghệ sỹ Minh Thành từng được coi là người Việt Nam đầu tiên làm, tìm hiểu và dịch nghĩa từ "performance art" (nghệ thuật trình diễn) và "installation" (sắp đặt) ra tiếng Việt. Phương Linh "ngấm" từ người thầy này bởi chính từ những lần tiếp xúc rất tự nhiên khi Minh Thành đến "Nhà sàn studio" - không gian nghệ thuật của gia đình mình - để chuẩn bị cho buổi biểu diễn.
Nhưng, Phương Linh thừa nhận, cô chịu ảnh hưởng về thị giác một cách mạnh mẽ nhất là từ phong cách làm nghệ thuật của nghệ sỹ Trương Tân. Bởi, những tác phẩm của Trương Tân với cách tạo hình tác phẩm thiên về khai thác chiều sâu tận cùng trong con người. Ý tưởng gửi gắm trong tác phẩm của anh thường là tâm tư sâu kín đặc biệt của người phụ nữ thể hiện qua hình tượng khăn rằn ri, váy... Lúc đó, Linh mới chỉ là cô học sinh cấp hai, bắt đầu tuổi nhạy cảm nên hai phong cách này ảnh hưởng rất mạnh đến Linh.
Tác phẩm quyến rũ cô nhất thời bấy giờ là tác phẩm điêu khắc một chiếc váy nhưng được tạo hình với phần dưới kết bằng xích sắt, còn phần trên lại được hình tượng hóa bằng một chiếc khăn voan của Trương Tân. Những tác phẩm sau này, cô ảnh hưởng nhiều từ phong cách nghệ thuật thiên về giới tính, thể hiện nội tâm của từng giới, từ khát vọng nổi loạn đến việc hình tượng hóa vật thể để bộc lộ sự đau đớn của người phụ nữ...
Năm học lớp 11, Phương Linh quyết định du học tại Mỹ, bắt đầu được đi thực tế bằng hàng loạt những triển lãm sắp đặt của những người bạn tại Nhật, Hàn Quốc, Anh, Mỹ... Dường như hiệu ứng “đập” thẳng vào thị giác người xem bằng những vật thể được sắp đặt một cách sáng tạo và nhiều ý nghĩa rất đặc trưng của nghệ thuật mới lạ đã khiến bước chân Linh như "dừng hình" mỗi lần lạc vào các bảo tàng, triển lãm nghệ thuật của nước bạn.
Thời điểm này, hai nghệ sỹ người Mỹ khiến Linh "phê" nhất là Christo và Janne Clau với hàng loạt những tác phẩm như: Bọc tòa nhà quốc hội hay Che chắn những bức tranh phong cảnh... Từ đó, Linh nhận ra một điều: Làm nghệ thuật không nhất thiết phải mở toang ra mà... bịt bọc cũng là một thứ nghệ thuật đầy bí ẩn.
Năm 2003, sau khi học hết chương trình phổ thông ở Mỹ, Linh quay trở về Việt Nam và chính tại thời điểm "Nhà sàn studio" hoạt động mạnh. Ấn tượng trong Linh về không gian nghệ thuật nhà sàn thời kỳ này như một nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng nghệ sỹ. Linh thường xuyên chứng kiến cảnh một vài nhóm người ăn mặc luộm thuộm ra vào đàn ca, sáo nhị và kèm theo đó là lỉnh kỉnh những công cụ lạ mắt rồi loay hoay bài trí để tạo hình cho tác phẩm của mình. Hàng loạt những buổi biểu diễn của các nghệ sỹ thời điểm đó như: Mạnh Hùng, Quang Huy, Trần Lương... là động lực thúc đẩy cho Linh.
Năm 2005, Linh quyết định ra mắt triển lãm đầu tiên, đánh dấu con đường bước chân vào làm thứ nghệ thuật đa truân này. Triển lãm đầu tay Linh tham gia cùng nhóm sinh viên trẻ, mỗi người một ý tưởng nhưng do còn non trẻ nên họ phối hợp lại với nhau để tăng tính bền vững cho buổi biểu diễn. Cô mang đến triển lãm một tác phẩm mang đậm tính "nữ quyền".
Dường như những ấp ủ về việc sáng tạo tác phẩm theo phong cách Trương Tân - thứ phong cách về giới tính nhạy cảm được dịp bung ra - khiến Linh hăm hở chuẩn bị cho tác phẩm của mình trong suốt một tuần liền. Đó là một bộ quần áo lót cũ của cô được cầu kỳ gắn tới 4 kg đinh. Bước tiếp theo là đổ nhựa trong (composite) để tạo độ cứng, giữ đứng dáng cho tác phẩm không bị sức nặng của đinh kéo chùng xuống. Tác phẩm này như thỏa mãn cho khát khao của tuổi trẻ, thích thể hiện mình bằng khát vọng tự do, vượt ra ngoài những khuôn khổ của chuẩn mực.
Với Linh, cái thứ phụ tùng của phụ nữ mà mọi người thường coi là nhạy cảm, cấm kỵ khi nhắc đến thì Linh lại phô nó ra, thể hiện sự phiền toái, đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn của người phụ nữ khi sử dụng chúng. Vẫn bị cuốn hút vào phong cách táo bạo nhạy cảm, năm 2007, Linh tiếp tục ra mắt triển lãm ở Ý với tác phẩm mang tên "Lâu đài mặt trăng" và hàng loạt những tác phẩm ấn tượng: Chiếc váy đính kim, quả trứng được làm bằng thạch cao, một nửa đầy đinh, một nửa được tạo hình bằng lông lá... được đặt trong một hộp chứa đầy bi ve. Tác phẩm này mang ý nghĩa: Niềm hạnh phúc của con người sinh ra rồi trưởng thành luôn kèm theo sự đớn đau, quằn quại...
Nghệ sỹ trẻ Nguyễn Phương Linh
Gian nan con đường làm nghệ thuật ở nước ngoài
Đánh dấu bước ngoặt nghệ thuật từ táo bạo, nổi loạn sang đằm thắm hơn là triển lãm Muối tại gallery Quỳnh (TP.HCM). Ý tưởng này xuất phát từ một lần cùng nhóm bạn đi chơi ở vùng biển Tĩnh Gia (Thanh Hóa), lần đầu tiên chứng kiến người nông dân làm muối với những công đoạn vất vả gây ấn tượng mạnh trong Linh. Ấp ủ làm một tác phẩm theo chủ đề này khiến Linh quyết định tự mình đi thực tế từ Bắc vào Nam và dừng chân tại năm ngôi làng ở các nơi như Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Giao Thủy (Nam Định), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)… chuyên làm muối để trò chuyện, nhập cuộc cùng người lao động.
Linh đã cất công xin tới 700 bộ quần áo của người lao động, trong đó có hơn 100 bộ là của những người nông dân làm muối, số còn lại là quần áo đã cũ kỹ, thậm chí vẫn còn nguyên mồ hôi chua nồng chưa qua giặt là của những người lao động các ngành nghề khác… để tạo hình cho tác phẩm "Hoa". Linh cho biết, mồ hôi cũng là muối nên ý nghĩa trong tác phẩm cô muốn chuyển tải đến công chúng như một bộ sưu tập mồ hôi của những người lao động vất vả. Dường như dưới cái nắng bỏng rát ngoài trời, những cống hiến thầm lặng của mỗi người như đang nở hoa. Đó cũng là một cách tôn vinh người lao động rất nghệ thuật.
Đinh mũ cắm đặc trên đồ lót nhúng hóa chất, diễn tả sự đau đớn của phụ nữ tại những nơi nhạy cảm
Mới đây, Linh thực hiện tác phẩm "Nhà" ở San Francisco (Mỹ). Đây là một triển lãm khá kỳ công của Linh trên đất bạn. Tác phẩm này được trưng bày cùng các tác phẩm nằm trong triển lãm "Bụi" mà trong đó toàn bộ ảnh của "Bụi" đều thực hiện bằng công nghệ blueprint. Đây là một công nghệ in ấn cũ, khá thông dụng trên thế giới trước kỷ nguyên photocopy xuất hiện. "Tôi chọn công nghệ này cũng là cách lần trở về những dấu vết. Từ sự biến mất và tồn tại của quá khứ, tôi nhận ra bản thể. Chính mình cũng là một hạt bụi đến và sẽ đi trong thế giới bao la này...", Linh nói.
Dở khóc dở cười là chất liệu thuốc in bị coi là độc hại. Thuốc in bị cấm sử dụng trên đất Mỹ. Một lần nữa, Linh lại không nhận được sự trợ giúp khi thực hiện, bởi ai cũng sợ mình phạm pháp. Nhưng vì muốn hiệu quả của nó là cho ra những tấm ảnh rất thực nên Linh đành liều "làm chui".
Tuệ Linh