Barbara Corcoran cho biết kẻ gian đã giả làm trợ lý của cô để gửi một hoá đơn cho nhân viên kế toán, yêu cầu thanh toán tiền cải tạo nội thất của một khu nhà ở. Nhân viên kế toán của Barbara Corcoran không mảy may nghi ngờ bức email đó, vì Barbara Corcoran cũng thường đầu tư vào bất động sản.
Trước khi chuyển tiền, nhân viên của Corcoran đã trao đổi với kẻ lừa đảo qua email. Mọi chuyện chỉ vỡ lẽ khi nhân viên nhận ra địa chỉ email của kẻ lừa đảo chỉ khác một ký tự so với email thật của trợ lý. Mọi thứ đã quá muộn vì tiền đã nằm trong túi bọn lừa đảo.
Corcoran cho rằng kẻ lừa đảo đã nắm được thông tin các nhân viên của bà nên mới có thể bắt chước địa chỉ email của trợ lý, chỉ đổi một ký tự.
Theo Digital Trends, các điều tra viên đã lần ra email được gửi bởi một địa chỉ IP bắt nguồn từ Trung Quốc.
"Lúc đầu tôi đã rất buồn, nhưng sau đó tự an ủi mình rằng nó cũng chỉ là tiền thôi mà", Corcoran nói với phóng viên CNN.
Việc mất đi gần 400.000 USD không ảnh hưởng nhiều bởi chủ tập đoàn The Corcoran Group sở hữu khối tài sản lên đến hàng tỷ USD. Corcoran trước đây còn sở hữu một công ty bất động sản toàn cầu. Cô đã bán với giá 66 triệu USD vào năm 2001.
"Nữ hoàng bất động sản" được biết đến nhiều hơn khi tham gia chương trình Shark Tank Mỹ với vai trò nhà đầu tư suốt 11 mùa phát sóng.
Trên Twitter cá nhân, Corcoran chia sẻ bài học rút ra là hãy cẩn thận khi chuyển tiền.
Được biết, vụ lừa đảo mà vị giám khảo Shark Tank gặp phải cũng rất phổ biến tại Mỹ. Theo báo cáo, đã có khoảng 30.000 người là nạn nhân của loại hình lừa đảo này trong năm ngoái. Theo FBI, tổng số tiền thiệt hại mà các nạn nhân khai báo đã lên tới gần 50 triệu USD.Riêng mùa thu năm 2019, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã phát hiện và bắt giữ 280 tội phạm liên quan đến các vụ lừa đảo mạng tại 10 quốc gia.
Các nghi phạm được cho đã tham gia Business Email Compromise, tổ chức chuyên lừa đảo tiền qua email. Hiện, vụ việc của Corcoran đang được FBI phối hợp điều tra để bắt giữ nghi phạm.
Ngày 17/1 vừa qua, chính quyền hòn đảo Puerto Rico cũng bị lừa đảo qua mạng với số tiền 2,6 triệu USD sau khi nhận email yêu cầu chuyển tiền phục vụ thay đổi tài khoản ngân hàng.
Năm 2017, nhân viên hãng hàng không Nhật Bản (Japan Airlines) cũng chuyển 3 triệu USD vào tài khoản lừa đảo giả danh công ty dịch vụ tài chính của Mỹ.
Lê Lan (Tổng hợp)