Trong lịch sử ca kịch cải lương miền Nam từ thập niên 1950, Thanh Nga là một tên tuổi lớn, không hề xa lạ với tất cả mọi người chứ không chỉ riêng cho giới mộ điệu sân khấu. Thanh Nga không chỉ nổi tiếng về tài sắc mà còn được hầu hết công chúng nghệ thuật yêu mến vì nết na thùy mị và lòng nhân hậu vô bờ nổi bật trong làng nghệ sĩ. Tròn 40 năm, thời gian trôi qua, nhưng những ký ức về bà trong lòng khán giả vẫn không phai nhạt.
Hồng nhan bạc mệnh
Nghệ sĩ Thanh Nga tên thật Juliette Nguyễn Thị Nga, sinh ngày 31/7/1942, ở Tây Ninh. Cha của bà là Nguyễn Văn Lợi, mẹ của bà là Nguyễn Thị Thơ, tức bà bầu Thơ, trưởng đoàn hát Thanh Minh - Thanh Nga nổi tiếng một thời. Thanh Nga là một phật tử, có pháp danh Diệu Minh.
Thanh Nga kết hôn hai lần, lần đầu với ông Nguyễn Minh Mẫn (sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa), lần sau làm vợ thứ (không chính thức) với ông Phạm Duy Lân tức hiệu là Đổng Lân vì ông đã từng giữ chức Đổng Lý Văn Phòng của Bộ Thông Tin trong Đệ Nhị Cộng hòa của miền nam VNCH (luật sư). Bà có 1 con trai (với ông Lân) là Phạm Duy Hà Linh (sinh 1973, nay là nghệ sĩ hài kịch).
Từ lúc 10 tuổi, Thanh Nga bắt đầu ca vọng cổ phụ họa và rất thành công trên sân khấu Thanh Minh, do nghệ sĩ Năm Nghĩa - dưỡng phụ của Thanh Nga - làm bầu gánh.
Năm 12 tuổi, bà vào vai bé Nghi Xuân trong vở Phạm Công - Cúc Hoa. Từ năm 16 tuổi, Thanh Nga trở thành một “ngôi sao sáng” của làng cải lương miền Nam nhờ hội tụ đầy đủ thanh sắc của một đào hát. Thanh Nga có chất giọng và phong cách diễn xuất được người trong nghề đánh giá là đặc biệt. Bà quyến rũ khán giả bằng giọng ca mùi mẫn, đầy cảm xúc, khi thanh thoát, khi day dứt, cũng có lúc bi ai nhưng rất chân phương.
Đến tận ngày hôm nay, giọng hát và cách diễn của bà vẫn được xem là chuẩn mực để thế hệ nghệ sĩ ngày sau học tập.
Những năm 1960 - 1970, Thanh Nga được coi là “nữ hoàng” trên sân khấu cải lương miền Nam. Bà từng đoạt giải Thanh Tâm triển vọng với vai sơn nữ Phà Ca trong tuồng Người vợ không bao giờ cưới. Năm 1966, nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm xuất sắc với vai Giáng Hương trong vở Sân khấu về khuya.
Hơn 20 năm hoạt động nghệ thuật, tên tuổi Thanh Nga gắn liền với nhiều vở cải lương gây tiếng vang như Tiếng trống Mê Linh, Nửa đời hương phấn, Bên cầu dệt lụa, Phụng Nghi đình, Thái hậu Dương Vân Nga, Tiếng sóng Tiêu Tương...
Ngoài cải lương Thanh Nga tham gia phim ảnh nhiều là từ năm 1969, bà trở thành một trong những diễn viên điện ảnh đại diện miền Nam tham dự Liên hoan phim Á châu tại Đài Bắc năm 1971, giải Diễn viên xuất sắc nhất tại Đại hội Điện ảnh Á châu tổ chức năm 1974 cũng tại Đài Bắc (Đài Loan) với vai cô gái Huế trong phim Nắng chiều, là đại diện gương mặt nữ duy nhất trong đoàn tham dự Đại hội Điện ảnh Ấn Độ năm 1969. Bà được cố Thủ tướng Indira Gandhi đón tiếp, hình ảnh đăng trên báo chí Ấn Độ.
Hình ảnh của nghệ sĩ Thanh Nga vẫn còn lưu giữ trong những thước phim viện lưu trữ ở Tokyo, Paris, Hong Kong. Thanh Nga cùng Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Cương, là 4 gương mặt nữ diễn viên tiêu biểu, mỗi người với thế mạnh riêng, đã đóng phim nhiều nhất tại miền Nam (trước 1975).
Đêm 26/11/1978 (ngày 26/10/1978 Âm lịch), diễn xong vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga ở rạp hát Cao Đồng Hưng, nữ nghệ sĩ Thanh Nga bước lên chiếc xe hiệu Volkswagen sơn màu xám nhạt. 23h30 khuya hôm ấy, một kẻ lạ mặt đã xông vô xe chĩa súng đòi bắt cóc con trai bà. Trong lúc cố gắng bảo vệ con trai, nữ nghệ sĩ Thanh Nga và chồng đã bị bọn bắt cóc nổ súng sát hại. Viên đạn bắn trúng ngực trái, chưa xuyên ra sau lưng, nhưng đủ kết liễu sinh mệnh của một ngôi sao đang thời kỳ rực rỡ nhất. Năm đó Thanh Nga 36 tuổi.
Linh cữu vợ chồng Thanh Nga được quàn tại Hội Văn học nghệ thuật TP.Sài Gòn (81 Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM). Hàng vạn khán giả Sài Gòn và các tỉnh ngoài Trung, trong Nam về thắp hương vĩnh biệt, đứng tràn cả ra đường Tú Xương - Trương Định… Giờ động quan, giới nghệ sĩ cải lương rơi nhiều nước mắt nhất, để khóc một tài hoa từng làm rạng rỡ nền vọng cổ nói chung. Đám tang Thanh Nga là một đám tang đông đảo người đưa tiễn nhất Sài Gòn (TP.Hồ Chí Minh) thời ấy.
Vụ án đã gây chấn động động dư luận thời bấy giờ. Ngay sau khi xảy ra, Công an TP.HCM đã lập chuyên án mang tên TN.11 để điều tra tìm ra thủ phạm. Các trinh sát tinh nhuệ được huy động tham gia phá án, lực lượng chủ công là các chiến sĩ thuộc đội SBC (săn bắt cướp) của thành phố.
Trong quá trình điều tra về vụ giết hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga thì ở thành phố lại xảy ra vụ bắt cóc con trai bác sĩ Nguyễn Lã Hỷ. Lần theo vụ án này và vụ bắt cóc con nghệ sĩ Kim Cương năm 1977, đội điều tra đã phát hiện được nhiều manh mối quan trọng.
Tháng 4/1979, vụ án đã tìm được hung thủ. Hai tên Nguyễn Thanh Tân và Nguyễn Văn Đức đã được mang ra xét xử và nhận án tử hình.
Theo hồ sơ của cơ quan điều tra, mục tiêu ban đầu mà chúng nhắm đến không phải gia đình NSƯT Thanh Nga mà là em trai bà - NSƯT Bảo Quốc. Kế hoạch của chúng là bắt cóc con của NSƯT Bảo Quốc để tống tiền, tuy nhiên sau khi nghe ngóng và tìm hiểu, thấy gia đình NSƯT Bảo Quốc có tới 4 người con mà tiền của không có nhiều, chúng chuyển hướng sang phía nhà NSƯT Thanh Nga.
2 tháng trước khi tiến hành vụ bắt cóc bé Hà Linh sau chuyển thành hạ sát vợ chồng NSƯT Thanh Nga, tên Tân cùng đồng bọn đã phục sẵn tại rạp hát nơi NSƯT Thanh Nga đang biểu diễn, tuy nhiên do khán giả quá đông, đèn lại sáng nên chúng quyết định tạm hoãn kế hoạch độc ác này lại. Không từ bỏ ý định bắt cóc tống tiền gia đình NSƯT Thanh Nga, tên Tân và đồng bọn tiếp tục mai phục tại nhà riêng của bà, chọn thời điểm đêm khuya và gây ra vụ thảm sát kinh hoàng trên. Khai nhận hành vi phạm tội, tên Tân cho biết, chúng chỉ định bắt cóc bé Hà Linh để tống tiền nhưng do vợ chồng NSƯT Thanh Nga chống cự quyết liệt quá nên chúng đã bắn chết cả hai.
Con trai NSƯT Thanh Nga và những năm tháng tủi thân vì cô đơn
Phạm Duy Hà Linh - cậu con trai đầu lòng và cũng là đứa con duy nhất của vợ chồng NSƯT Thanh Nga đến nay đã 45 tuổi và chọn đi theo con đường nghệ thuật của mẹ mình. Nhớ lại biến cố kinh hoàng năm xưa khiến mình trong một đêm mất đi cả cha lẫn mẹ, trở thành đứa trẻ mồ côi, nghệ sĩ Hà Linh kể, chứng kiến cha anh bị bắn, mẹ anh đã đau đớn thốt lên: “Bố chết rồi, mẹ con mình chết theo bố thôi”. Một lúc sau khi mẹ anh cũng bị bắn, Hà Linh lồm cồm bò dậy, cố gắng bò ra khỏi xe về phía cửa nhà nhưng không nổi. Sau đó, mọi người trong nhà hốt hoảng chạy ra bế anh vào.
Những năm tháng sau đó, Hà Linh vẫn không bao giờ quên mỗi khi tủi thân vì cô đơn, anh lại chạy vào soi mình trong chiếc gương treo ở nhà vệ sinh rồi khóc để tự an ủi bản thân vượt qua mọi chuyện. Sau khi bố mẹ qua đời, Hà Linh sống cùng bà ngoại song chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ mẹ cha. Nam nghệ sĩ cải lương tâm sự, mỗi lúc bị bạn bè bắt nạt, anh từng nghĩ, nếu như mình may mắn còn cha và mẹ thì chắc chắn, cha mẹ sẽ bảo vệ mình.
Nghệ sĩ Thanh Nga ra đi ở tuổi 36 vì bị sát hại khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp. Năm 1984, bà được nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT. Năm 2015 tên bà được đặt cho một con đường thuộc khu dân cư Gia Hòa, phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM.
Kỷ niệm 40 năm ngày NSƯT Thanh Nga và chồng ra đi vĩnh viễn, cháu trai của bà là nghệ sĩ Hữu Châu và gia đình sẽ làm lễ giỗ hàng năm của bà và chồng tại TP.HCM vào trưa ngày 2/12/2018 (ngày 26/10/2018 Âm lịch).
Quốc Tiệp (tổng hợp)