Tối ngày 22/11, trong chương trình “Ai là triệu phú”, một nữ kỹ sư đến từ Hà Nội đã khiến nhiều người lắc lầu ngán ngẩm vì sử dụng tới hai quyền trợ giúp cho hai câu hỏi: “El Nino là gì?” và “Người ta thường nấu canh cua với thứ gì?”
Vì sao họ ngán ngẩm?
Đó là bởi họ đều cho rằng, kiến thức ở hai câu này quá “bình thường”, bất cứ ai cũng trả lời được. Nhưng, đây chẳng qua chỉ là một kiểu định kiến. Tại sao cô kỹ sư ấy nhất định phải biết El Nino là một hiện tượng thời tiết hay canh cua thì chỉ có thể nấu với rau đay?
Khi gặp câu hỏi về El Nino, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới cầu thủ bóng đá Fernando Torres; nên các đáp án mà chương trình đưa ra không phù hợp với suy nghĩ của họ là điều dễ hiểu. Và món canh cua, nếu chúng ta nấu với súp lơ hay mộc nhĩ thay vì rau đay thì có vấn đề gì chăng? Nên nhớ, không phải ai cũng thích và ăn được rau đay.
Giả sử có người trong gia đình cô ấy bị dị ứng và không bao giờ nấu loại rau này thì thử hỏi: Làm sao cô ấy biết? Thông tin này có thể quen thuộc, gần gũi với người này nhưng lại hoàn toàn xa lạ với người khác.
Những điều mà chúng ta biết chỉ là hạt cát nhỏ bé trong đại dương kiến thức mênh mông của nhân loại. Cô ấy có thể là thiên tài ở lĩnh vực này nhưng lại là “kẻ ngốc” ở lĩnh vực khác.
Như thám tử lừng danh Sherlock Holmes, dù có một bộ óc thiên tài nhưng ông cũng không biết Copernicus là ai và cấu tạo của hệ mặt trời là gì. Theo “cha đẻ” Sherlock Holmes: Bộ óc con người ban đầu như một gian phòng rỗng, ta sẽ phải xếp vào đấy những đồ đạc ta thích. Kẻ ngu ngốc chồng chất vào đó đủ mọi thứ linh tinh đến nỗi các tri thức có thể giúp ích cho hắn bị đè bẹp dưới một đống tri thức khác, đến nỗi khi cần, hắn khó mà lôi ra sử dụng được.
Ở một khía cạnh khác, khi nữ thí sinh đó cần sự trợ giúp ở câu hỏi El Nino, đã có 8% khán giả đưa ra đáp án không đúng với đáp án của chương trình. Thử hỏi, trong số các “anh hùng bàn phím” đang chê bai nữ kỹ sư, có bao nhiêu người cũng nằm trong 8% đó? Có bao nhiêu người đã ép mình hòa vào 92% còn lại?
Chúng ta ai chẳng có lúc hành động không theo logic thông thường. Cách đây mấy năm, khi ngồi làm bài thi môn Toán trong kì thi Đại học, tôi đã quả quyết ghi vào trong giấy thi... 7x7 = 14 và dĩ nhiên, kết quả nhận được không như mong muốn.
Sau tất cả, những tranh cãi cũng nên dừng ở đây thôi. Cuộc sống của cô gái hẳn đã bị đảo lộn rất nhiều từ sau khi chương trình được phát sóng. Nếu cô ấy là người thân của bạn, bạn có muốn cô ấy tiếp tục bị dân mạng soi xét, chế nhạo nữa không?
Lê Chinh
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả