Khu du lịch sinh thái hang động Tràng An rộng hơn 550 ha, thuộc dãy núi Thành Trì Thiên Tạo của kinh đô Hoa Lư xưa. Xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi hòa quyện vào sông nước tạo thành những hang động kỳ vĩ xuyên qua lòng núi.
Biên lai phí chở đò
Hơn 1000 chiếc thuyền nan phục vụ khách của người dân nối đuôi nhau chờ đến lượt. Năm 2003 từ khi cải tạo ruộng lúa thành khu du lịch, người dân bản địa trở thành những tay chèo thiện nghệ chở khách du lịch đến tham quan.
Khác với các bến đò khác, ở bến Tràng An, phụ nữ chèo đò chiếm tới hơn 90%. Họ mang làn đựng cơm, nước uống đi theo để tiện chờ đến lượt chở khách.
Mỗi thuyền nan chỉ được chở tối đa 6 người. Mỗi hành khách phải trả 100 nghìn đồng cho hành trình hơn 3 tiếng chèo đò. Mỗi lượt như vậy người lái đò được 100 nghìn đồng.
“Hằng ngày tôi phải dậy rất sớm, nấu cơm nước cho chồng con rồi một phần mang đi để tiết kiệm. Mùa lễ hội này, khách đông thì hầu như ngày nào cũng có chuyến chứ hết hội thì vài ngày mới được một chuyến”, chị Phạm Thị Huyền, người có thâm niên chèo đò gần 10 năm cười nói.
Các thuyền nan chở khách nối đuôi nhau vào hang động.
Nhiều hang, các mỏm đá nhô xuống mấp mô.
Mạng lưới điện chưa kéo đến nơi nên có đoạn tối om…
Các nữ chèo đò phải rất vất vả để luồn qua khe núi.
“Những hôm ngược gió, chèo khách xong người mệt nhoài, hai tay đau nhức nhưng nhiều năm gắn bó với con đò, với nghề đưa rước nên thành quen”, một nữ chèo đò cho biết.
Du khách nước ngoài thích thú ghi lại những hình ảnh đẹp.
Hành trình chèo đò chở khách suốt hơn 3 tiếng đồng hồ vượt quãng đường nước hơn 6 km và luồn qua 10 hang động nên để tránh mất sức, nhiều nữ chèo đò liên tục thay đổi tư thế chèo.
Có người mệt lả sau khi chở khách.
Đến chiều, khi đã vắng khách, các thuyền được xếp gọn gàng. Họ lại khăn gói trở về sau một ngày chèo đò mệt mỏi.
Văn Định