Nhói lòng người vợ trẻ
Từ ngày chồng vướng vòng lao lý, chị B.L không ngày nào được yên giấc. Người vợ cố gắng hết sức, cứu chồng bằng tìm mọi cách.
Luật sư Lê Thị Tuyết Mai (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) là luật sư bào chữa miễn phí cho bị cáo Nguyễn Đức Khởi (SN 1985, trú tại xã Phượng Mai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) bị truy tố về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Luật sư Mai kể, chiều ngày 11/3/2015, Khởi được giao nhiệm vụ cắt sắt chữ U tại các hầm sấy gỗ của công ty, mang về làm khuôn pallet. Khởi dùng máy hàn để cắt sắt. Quá trình làm việc, vảy hàn rơi xuống các tấm gỗ xẻ đang sấy, gây cháy lớn. Ước tính thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Luật sư Mai cho biết: “Trong lúc lửa đang cháy to, người công nhân này đã liều mình xông vào bên trong, bê được cái máy hàn ra ngoài. Hậu quả vùng mặt và hay tay bị bỏng nặng, phải ghép da, điều trị dài ngày”.
Luật sư Mai kể: “Khi nhận được giấy triệu tập của cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bắc Ninh, Khởi rất lo lắng và sợ hãi. Cùng với nỗi đau đơn về thể xác do bị bỏng nặng, Khởi suy sụp tinh thần, không ăn ngủ được”.
Quá đau lòng và lo lắng cho sức khỏe của chồng, người vợ nuốt nước mắt vào trong, lặng lẽ đi mua thuốc an thần cho chồng uống để có giấc ngủ ngon. Trong khi đó, từ nhiều tháng nay, người vợ này đang đi chữa vô sinh mà vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Có thể nói, đám cháy đã tạm chia lìa đôi vợ chồng son mới cưới.
Khởi tâm sự với vợ: “Giá như lúc anh lao vào biển lửa bê được cái máy hàn ra ngoài và bị bỏng nặng, thà chết luôn trong đám cháy, thì mọi việc sẽ khác phải không em? Giờ anh cứu được máy hàn, anh sống nhưng lại vướng vòng lao lý, tù tội. Khổ cho em và khổ cho gia đình”.
Cái tâm của người luật sư
Xét thấy hoàn cảnh gia đình của bị cáo Khởi vô cùng khó khăn, bản thân Khởi là người hiền lành, lương thiện, luật sư Lê Thị Tuyết Mai tham gia bào chữa miễn phí cho bị cáo này.
TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử lưu động bị cáo Khởi ngay tại khu công nghiệp Quế Võ. Đây được xem là vụ án điểm đầu tiên về PCCC tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Rất nhiều doanh nghiệp cho công nhân đến xem tòa xử án.
“Mục đích của HĐXX không phải là đưa ra mức án cao cho bị cáo Khởi, mà qua đây giáo dục doanh nghiệp và người lao động làm tốt công tác PCCC. Không nên để “mất bò mới lo làm chuồng”, thì hậu quả thật khôn lường”, luật sư Lê Thị Tuyết Mai nhận xét.
Bên lề phiên tòa, luật sư Mai trao đổi quan điểm với PV báo Người Đưa Tin: “Vụ án là bài học lớn về công tác PCCC cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Bản thân chưa được tập huấn về PCCC, vì vậy trong quá trình làm việc, công nhân Khởi chưa có biện pháp phòng ngừa hỏa hoạn. Nếu doanh nghiệp và người lao động tuân thủ quy định về PCCC, thì không xảy ra vụ án đau lòng này”.
Quá trình tranh tụng tại tòa, luật sư Mai và 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Khởi đã chỉ rõ: Theo Điều 150, bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải tổ chức huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động. Thế nhưng, từ khi về công ty, Khởi chưa được tập huấn về PCCC, nên để xảy ra rủi ro là điều khó tránh khỏi.
Cuồi cùng, TAND tỉnh Bắc Ninh tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Khởi 6 năm tù về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Thiên Long