Nữ nghệ nhân biến tóc thành tranh đầu tiên ở Việt Nam

Nữ nghệ nhân biến tóc thành tranh đầu tiên ở Việt Nam

Thứ 5, 28/02/2013 15:16

Nhìn những bức tranh nghệ thuật được làm từ tóc, nhiều người mới ngỡ ngàng nhận ra rằng "trong cuộc sống, không có gì là không làm được"...

Chúng tôi đến thăm nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Quý trong một ngày đầu xuân, khi bà và những học trò của mình đang gấp rút chuẩn bị cho khóa tạo mẫu tóc mới.  Ít ai biết được rằng, bà là người Việt Nam đầu tiên biến những sợi tóc vô tri, vô giác trở nên "có hồn" và mái tóc đã trở thành những mảng màu đặc biệt trong các tác phẩm nghệ thuật.

Chiếc áo dài từ 1 triệu mét tóc

Gặp nghệ nhân Kim Quý, nhiều người không tin rằng, bà đã bước sang tuổi 62, bởi phong thái nhanh nhẹn, dáng người trẻ trung, nụ cười luôn thường trực trên môi. Bà bảo, một số người khi gặp đã nhận xét rằng, bà có chất "phiêu" của một nghệ sĩ, chất "điên điên, tửng tưng" của một người không quá để ý đến những sân, si ngoài đời, nhưng bà lại "bỏ nhỏ" với tôi: "Cháu cứ tiếp xúc với cô thì biết, bởi nghệ thuật thì không cần phô trương, chỉ cần hiểu và đồng điệu với nhau trong cách nhìn tác phẩm là được rồi...".  Trong căn nhà ấm cúng ở phố Nguyễn Siêu (Hà Nội), nghệ nhân Kim Quý đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời và niềm đam mê với những sợi tóc. Nhìn ánh mắt hào hứng của bà, chúng tôi hiểu rằng, bên trong người phụ nữ ấy là một tâm hồn nhạy cảm với những sắc màu nghệ thuật, với những sợi tóc mỏng manh.

Nhân vật - Nữ nghệ nhân biến tóc thành tranh đầu tiên ở Việt Nam

Nghệ nhân Kim Quý bên bức chân dung được làm từ tóc

Xuất thân từ một người lính, sau khi rời quân ngũ, bà mở trường đào tạo tóc Kim Quý, thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia. Nhiều học trò được bà đào tạo đã trở thành những nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng. Sau 30 năm làm nghề tóc, bà đã có nhiều sáng tạo để cho ra những kiểu tóc hợp thời trang, mang phong cách trẻ trung, hiện đại, phù hợp thị hiếu. Hàng ngày, được tiếp xúc với tóc, được chăm sóc cho mái tóc, nghệ nhân Kim Quý đã có sáng tạo độc đáo đầu tiên, đó là làm chiếc áo dài từ tóc. Đây là tác phẩm có một không hai được tạo nên từ tình yêu với Hà Nội, là một món quà ý nghĩa để dâng lên Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Để hoàn thành chiếc áo này, nghệ nhân Kim Quý đã dày công thu thập gần một triệu mét tóc của phụ nữ ở 54 dân tộc, để thể hiện sự gắn bó đoàn kết giữa các dân tộc cùng chung dòng máu Lạc Hồng. Sau 3 năm miệt mài sáng tạo, chiếc áo dài được làm hoàn toàn bằng tóc được hoàn thiện với hình con rồng ở tà áo phía trước, hình chữ "S" ở tà áo phía sau, thấp thoáng bên cạnh hình chữ "S" thân quen là hình ảnh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với tỉ lệ 1/180, với mục đích khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước Việt Nam, trên mũ của áo dài là hình ảnh Tháp Rùa với những mảng màu được phối rất đẹp từ tóc, tạo nên một chiếc áo dài duyên dáng và mang đậm nét văn hóa Việt Nam. Tác phẩm này đã được xếp vào cuốn Kỷ lục Việt Nam ngày 18/12/2010.

Từ thành công của chiếc áo dài này, nghệ nhân Kim Quý đã biến những sợi tóc vô tri, vô giác thành những bức tranh mang đầy tính nghệ thuật. Tác phẩm đầu tiên về tóc của nghệ nhân Kim Quý là bức tranh về chúa Jesus. Lấy cảm hứng từ một tác phẩm hội họa mô tả chúa Jesus, nhà tạo mẫu tóc Kim Quý đã bắt đầu quy trình làm tranh rất công phu. Bà phải xử lý những sợi tóc đen thành những màu cơ bản khác nhau trong hội họa, sau đó mới tiến hành ghép chúng lại theo từng chi tiết nhỏ, đúng như bức tranh nguyên bản. Công việc này phải làm rất tỉ mỉ, nếu không có bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của người nghệ sĩ thì bức tranh sẽ không thể hoàn thành với độ chân thực, chính xác và truyền tải nguyên vẹn hồn cốt của tác phẩm.

Nghệ nhân Kim Quý cho biết, bà không phải là người theo đạo, nhưng lại chọn một bức tranh Chúa để thể hiện trong tác phẩm đầu tay của mình, với mong muốn gửi gắm lời chúc bình an đến tất cả mọi người. Với tác phẩm mô phỏng này, nghệ nhân Kim Quý đã làm cho bức tranh có sức sống mới, với những chi tiết sống động và đầy tính nghệ thuật. Nhiều người nước ngoài đến xem tranh tóc của nghệ nhân Kim Quý đã xác nhận rằng, trên thế giới, chưa có người nào làm được tranh từ tóc, có lẽ chỉ những người yêu tóc, sống với tóc và sáng tạo tóc ngay cả trong giấc mơ mới có những tác phẩm sáng tạo và độc đáo đến thế.

Nhân vật - Nữ nghệ nhân biến tóc thành tranh đầu tiên ở Việt Nam (Hình 2).

Tác phẩm "Chân dung Chúa Jesus" từ tóc của nghệ nhân Kim Quý

Đến những bức tranh... tóc

Nghệ nhân Kim Quý dẫn chúng tôi đi xem phòng tranh được làm hoàn toàn từ tóc tại tầng ba của gia đình. Quả thật, được tận mắt chiêm ngưỡng những bức tranh này, chúng tôi mới thấy rằng, đây đúng là một "gia tài sống" mà không phải ai cũng có được trong cuộc đời làm nghệ thuật. Dù không học chuyên ngành mỹ thuật, chỉ làm theo cảm xúc nhưng những bức tranh của nghệ nhân Kim Quý có một nét rất riêng, đặc biệt hơn nó lại được làm hoàn toàn từ tóc. Một số người xem tranh tóc của Kim Quý cho rằng, đó là những sợi tóc được gắn trên vải để tạo nên bức tranh, nhưng không phải thế, bởi bà đã tạo ra cả nền tác phẩm bằng tóc, mà người ngoài cuộc nhìn vào cứ tưởng vải dạ.

Nghệ nhân Kim Quý cho biết, bà sử dụng một loại keo đặc biệt để gắn các sợi tóc, từ bức tranh chúa Jesus, bức chân dung tự họa, hay bức tranh cô gái Nhật Bản... đều mang lại cho người xem một cảm giác tươi mới mang nét hiện đại. Hầu hết các tác phẩm tranh tóc được bà làm trong đêm vắng, khi mọi ồn ào của đời thường đã lắng xuống…

Nhân vật - Nữ nghệ nhân biến tóc thành tranh đầu tiên ở Việt Nam (Hình 3).

Bức chân dung "Cô gái Nhật Bản" từ tóc của nghệ nhân Kim Quý

Chỉ vào bức tranh "Phật bà Quan Âm" đang phác thảo, nghệ nhân Kim Quý bảo tôi: "Cô dự định sẽ làm bức tranh "Phật bà Quan Âm" này từ tóc với chiều cao 1,8m, rộng 1,4m với sự đồng ý của nhiều Phật tử trên cả nước. Tức là, mỗi Phật tử sẽ tự nguyện hiến một chút tóc của mình để góp vào làm chất liệu cho bức tranh, thể hiện sự đoàn kết, hoà hợp… Cô cũng sẽ cách điệu hình ảnh chiếc bình ngọc mà Phật bà cầm sẽ có hình chữ "S" biểu trưng cho đất nước ta...".

Rồi nghệ nhân Kim Quý đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ lưu niệm ghi địa chỉ, tên tuổi của nhiều Phật tử đã tặng tóc cho bà để bà làm bức tranh. Bà bảo, có người đã ngoài 80 tuổi, sau khi nghe bà nói về việc sẽ làm bức tranh Phật bà Quan Âm bằng tóc đã ngay lập tức đồng ý cho cả bộ tóc bạc của mình. Bà bảo, không phải bà không có tóc để làm tranh về Phật mà ý nghĩa của việc nhận tóc của nhiều Phật tử là để cho mọi người cùng hướng tâm đến Đức Phật.

Để hoàn thành một bức tranh, nghệ nhân Kim Quý đã phải bỏ rất nhiều công sức, từ việc hình thành ý tưởng bức tranh, phác họa tranh, đến khâu thu thập tóc, nhuộm tóc để có những mảng màu ưng ý, phù hợp với từng chi tiết của bức tranh... Những người từng được xem các bức tranh từ tóc của nghệ nhân Kim Quý đã nhận xét rằng, màu ở các bức tranh đẹp hơn so với tác phẩm nguyên mẫu, màu tranh tóc cũng không phai theo thời gian mà càng ngày càng "thắm" hơn như tranh lụa. Đó cũng chính là "bí quyết nhà nghề" mà nghệ nhân Kim Quý có được sau một thời gian dài mày mò, nghiên cứu.

"Người Đàn Bà Tóc"

Nghệ nhân Kim Quý dự định sẽ mở triển lãm về tranh tóc, để công chúng biết nhiều hơn đến những tác phẩm làm từ tóc, truyền tải những thông điệp về tình yêu thương của con người. Trong 30 năm làm nghề, nhiều người gọi nghệ nhân Kim Quý là thầy, là giám đốc, là nhà tạo mẫu tóc, còn với tôi nghệ nhân Nguyễn Thị Kim Quý là một "Người Đàn Bà Tóc", bởi chính sự đam mê rất "đàn bà" về tóc ấy, mà hội họa lại có thêm một trường phái mới: Tranh tóc…

Lạc Thành

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.