Từ một tấm ảnh chân dung Tổng thống Pháp đăng trên báo, bà đã phóng tác lại và thêu gấp rút trong vòng một tháng. Hơn 3 năm, bà nhận được một bức thư đặc biệt và nhiều ý nghĩa của ngài Tổng thống Pháp Jacques Chirac.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh sinh năm 1959 tại TP.Đà Lạt, mảnh đất ít nhiều phụ nữ đều biết thêu thùa. Trước đây, ông ngoại bà từng thuê thầy về dạy thêu cho các nữ nhi trong nhà và bà đã may mắn được truyền nghề lại. Thêu thùa đã trở thành cái nghiệp đưa bà đến nghệ thuật thêu tay truyền thống và gắn kết cuộc đời cùng nhiều mảnh đời bất hạnh.
Nghệ nhân Nguyễn Thị Hữu Hạnh đang dạy nghề cho các trẻ em nghèo khuyết tật tại trung tâm của mình
Giữ "hồn dân tộc" qua cây kim, sợi chỉ
Cơ sở trưng bày tranh thêu tay của bà Hữu Hạnh tại số 10 Trương Công Định, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng. Bà Hạnh kể, ngay từ thuở nhỏ bà đã thích nghề thêu. Năm 12 tuổi, bà đã biết thêu những mẫu khăn, gối, bảng tên... phụ mẹ kiếm tiền mua gạo. Hoàn cảnh nhà nghèo, một người anh bị tật nguyền, bà sớm phải rời bỏ trường học, cùng gia đình bôn ba vào Sài Gòn kiếm sống bằng nghề thêu áo dài.
Bà chia sẻ: "Lúc đó, cuộc sống khó khăn lắm, nhiều năm liền tôi chỉ có một bộ quần áo màu đen và chiếc xe đạp bên căn nhà nhỏ mướn ở khu chợ Vườn Chuối. Cả gia đình làm việc cật lực mới đủ ăn. Niềm an ủi và hạnh phúc lớn lao của tôi là được gần bên mẹ, được bao bọc trong tình yêu với gia đình".
Vốn chăm chỉ chịu khó làm việc nên bà nhanh chóng trở thành xã viên, rồi kỹ thuật viên thêu tranh tại các hợp tác xã mà thời đó chuyên thêu khăn bàn xuất khẩu sang Đông Âu.
Khi đã có 30 bức tranh thêu làm vốn liếng, năm 1985, bà Hạnh quyết định thành lập tổ thêu tại nhà để làm hàng xuất khẩu (chủ yếu thêu drap trải giường, khăn bàn) cho Đông Âu và gia công một số mặt hàng khác cho Nhật Bản, Hàn Quốc. Rồi có những lúc nghề thêu tưởng như tàn lụi, vì thiếu đầu ra, nhân công rẻ, nhiều người đã phải bỏ nghề, bà Hạnh lại lặn lội chạy ngược xuôi khắp nơi, ra nước ngoài tìm thị trường giới thiệu tranh thêu của mình.
Đến năm 1991, Liên hiệp Hợp tác xã Việt Nam tổ chức triển lãm sản phẩm của các làng nghề trong cả nước. Lúc đó, sản phẩm của bà được chọn đưa ra Hà Nội tham dự triển lãm. Tại buổi triển lãm, tranh thêu Hữu Hạnh đã thu hút được rất nhiều người quan tâm và đặc biệt bà đã bán được một bức với giá bảy chỉ vàng. "Mình cầm vàng mà cứ ngỡ trong mơ. Suốt hai năm sau đó, mình không dám tiêu xài số vàng vì sợ nhỡ đâu người mua tìm đến đòi trả bức tranh và lấy lại vàng", bà Hạnh kể lại.
Từ nhỏ bà đã được học căn bản về hội họa, cùng với năng khiếu "trời cho" nên bà vừa là họa sĩ, vừa là thợ thêu. Những lúc rảnh, bà lang thang khắp phố phường, núi đồi Đà Lạt để ghi lại (chụp hình và vẽ) những chuyển động của đời sống con người, của tự nhiên hay những phong cảnh đẹp làm cảm hứng sáng tác. Vì vậy, người thưởng lãm rất dễ nhận ra tranh thêu Hữu Hạnh, bởi đằng sau mỗi tác phẩm luôn ẩn hiện bóng dáng của thành phố và con người Đà Lạt với sương mù lãng đãng, những đồi thông trập trùng, làng quê thanh bình, những tà áo dài nón lá, rồi thác hồ, hoa cỏ...
Nhờ kỹ thuật điêu luyện, cách phối màu tự nhiên, tranh Hữu Hạnh thể hiện nét độc đáo riêng với màu sắc, hình ảnh sống động như thật. Chính vì vậy, tranh thêu Hữu Hạnh đã được đông đảo công chúng trong và ngoài nước biết đến, hiện đã có mặt tại Hà Nội, Đà Lạt và TP.HCM và nhiều thị trường khác như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản...
Bức tranh giúp bà Hạnh đạt giải "Bàn tay vàng" năm 1997
Bức tâm thư của Tổng thống Pháp
Trong phòng tranh trên đường Trương Công Định, bà Hạnh cho chúng tôi xem bức thư tay của cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac gửi cho bà hơn 10 năm trước. Bức thư được đánh máy với nội dung: “Thưa cô! Tôi rất cảm động về lá thư của cô đề ngày 21/9 (năm 1997) và bức tranh thêu tuyệt đẹp. Bức tranh đã làm cho tôi phải chú ý. Tôi cám ơn cô rất nhiều. Bức tranh biểu hiện một nghề rất đáng chú ý mà thể hiện của nó bộc lộ nghệ thuật điêu luyện của người Việt Nam. Tôi cũng mong cô chấp nhận lòng kính trọng và quý mến của tôi”. Phần dưới bức thư, Tổng thống Chirac dùng bút mực ghi lại bút tích của mình “Với tất cả lòng chân thành” gửi tới bà Hạnh.
Bà Hạnh kể lại: "Năm 1997, đoàn bác sĩ từ thiện "Những người theo chân bác sĩ Yersin" của Pháp do bác sĩ Adoiphe Sohier dẫn đầu đến TP.Đà Lạt. Bác sĩ Sohier là người sáng lập và làm chủ một nhà hộ sinh nổi tiếng ở Đà Lạt cách đây hơn nửa thế kỷ. Tình cờ, bác sĩ Sohier nhận ra tôi là đứa trẻ sơ sinh mà chính ông bế khi mới chào đời. Bác sĩ hỏi: "Nhà cô ở đâu, sinh năm nào?”. Tôi trả lời: "Dạ con ở Trại Hầm và sinh tháng 4/1958". Tôi có nói thêm với ông rằng: "Má con nói, ngày xưa nếu không có bác sĩ Sohier thì con chết rồi". Lúc đó, bác sĩ Sohier mới nói: "Đúng rồi! Hồi đó tôi đã chăm sóc, đỡ đẻ cho cả khu Trại Hầm". Sau đó, ông nhận tôi làm con đỡ đầu và tôi đã đồng ý. Bất ngờ hơn, bác sĩ Sohier lại chính là bạn học thuở nhỏ của Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Ông kể cho tôi nghe về ngài Tổng thống và gọi điện về Pháp khoe cô con gái nuôi là tôi cho Tổng thống biết".
Bà Hạnh cho biết thêm: "Khi đoàn bác sĩ từ thiện chuẩn bị rời Đà Lạt, tôi được UBND tỉnh chỉ định chọn quà để tặng khách. Đột nhiên, lúc đó tôi quyết định chọn thêu chân dung Tổng thống Jacques Chirac để làm quà". Từ một tấm ảnh chân dung Tổng thống đăng trên báo, bà đã phóng tác lại và thêu gấp rút trong vòng một tháng. Sau đó, bức chân dung này được đến tay Tổng thống Jacques Chirac. "Tôi thật bất ngờ, hơn 3 năm sau ngày gặp bác sĩ Soheir (năm 1997), thì đến ngày 4/5/1999 tôi nhận được một bức thư đặc biệt và nhiều ý nghĩa gửi từ Pháp của ngài Tổng thống Jacques Chirac", bà chia sẻ.
"Truyền lửa" cho hơn 1.000 trẻ em nghèo khuyết tật
Trong xưởng thêu của bà, có rất đông lao động là người khuyết tật (bị bại liệt hay khiếm thính) đang miệt mài với đường kim mũi chỉ. Bà Hạnh tâm sự: "Ban đầu, khi nhận các em về và dạy nghề, tôi chỉ suy nghĩ đơn giản là tìm kiếm nhân công cho cơ sở. Nhưng, tình người đã trào lên chan chứa trong những ngày sống chung, làm chung và chia sẻ vui buồn. Ngày tôi sinh cháu gái đầu tiên, khi cửa phòng sinh của bệnh viện mở ra, bên ngoài cánh cửa ấy là hai mươi mấy em khuyết tật lo lắng, chờ đợi. Tôi đã khóc, khóc không thể kìm nén và thấy thương các em vô cùng!". Và có lẽ, những giọt nước mắt ấy đã gắn kết Hữu Hạnh với biết bao cảnh đời.
Năm 2000, bà đã mở Trung tâm Dạy nghề miễn phí Hữu Hạnh và trực tiếp dạy nghề cho trẻ em nghèo khuyết tật, những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những người dân tộc thiểu số. Khắp nơi trong cả nước biết đến và tìm về trung tâm của bà như: Hà Nội, Vinh, Quảng Trị, Tây Ninh, Cần Thơ... Hàng năm, bà dạy nghề cho khoảng 100 em và từ năm 1995 đến nay, bà đã dạy nghề miễn phí cho hơn 1.000 trẻ em nghèo khuyết tật trong cả nước. Con trai làm mộc, con gái học thêu, những người được bà và cộng sự dạy nghề trở về gia đình và đã có thể tự kiếm sống bằng nghề thêu tranh. Niềm vui trọn vẹn hơn khi từ mái nhà chung Hữu Hạnh, nhiều chàng trai, cô gái khuyết tật đã tìm đến với nhau và được chính bà Hạnh tác hợp uyên ương.
Nghệ nhân quốc gia Suốt cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật không mệt mỏi, Nguyễn Thị Hữu Hạnh đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý: Huy chương vàng cho hai tác phẩm: "Tình yêu - hòa bình và cái đẹp", "Thanh bình"; giải thưởng "Bàn tay vàng" cho tác phẩm: "Bão táp"; danh hiệu "Nghệ nhân quốc gia", và giải thưởng "Sao vàng đất Việt"... Ngoài ra, nghệ nhân Hữu Hạnh đã đoạt giải thưởng "Dải băng xanh 2010" nhờ có thành tích xúc tiến việc làm cho người khuyết tật. |
Quỳnh Nga - Lý Bình