Người đàn bà này đã được trời phú cho giọng hát thánh thiện, sự trong trẻo, thanh lọc đến kỳ diệu. Gần hai chục năm nay, bà đã lặng lẽ sống, đấu tranh với bệnh tật, nén nỗi cô đơn để dồn trái tim, sức lực cho các con cháu và trẻ em mồ côi có hoàn cảnh bất hạnh.
"Chúng con muốn nghe mẹ Vi hát"
Chúng tôi đến thăm NSND Tường Vi vào một buổi sáng cuối năm. Dưới cái lạnh tê tái của tiết trời đông, những con người trở nên hối hả hơn. Bà tiếp tôi trong căn nhà 4 tầng rộng thênh thang, nằm sâu trong khu tập thể quân đội (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội).
Được biết, người con trai độc nhất của bà đang sống bên Mỹ, để lại một mình bà vò võ với nỗi nhớ con cháu da diết. Niềm vui duy nhất ở tuổi xế chiều của người nghệ sĩ tài danh này chính là gần 300 đứa trẻ nghèo được bà gọi thân thương bằng "con". Ít người biết rằng, NSND Tường Vi còn là "người mẹ" đang điều hành 3 trung tâm nghệ thuật tình thương tại Hà Nội, Đà Nẵng và Quảng Nam. Đây là những trung tâm do chính bà mở ra từ cách đây gần 20 năm.
Dù đã ở tuổi 75 nhưng bàn tay của bà vẫn rải đều trên những phím đàn thanh thoát, điệu nghệ. Giọng soprano trong trẻo, thánh thiện chốc chốc lại vút lên giữa không gian tràn ngập giọng nói, tiếng cười trẻ thơ. Lắng nghe giọng hát và nhìn những ngón tay mềm mại dạo trên phím đàn của nghệ sĩ Tường Vi, chúng tôi có cảm giác cái quy luật khắc nghiệt của thời gian chưa một lần chạm đến người phụ nữ quả cảm, giàu lòng nhân ái này.
Cũng ít người biết rằng, gần 20 năm nay, NSND Tường Vi bị căn bệnh tiểu đường hành hạ. Nhiều lúc cơn đau chợt đến, tưởng chừng như nó đã đánh gục bà. Nhưng ngày ngày, NSND Tường Vi vẫn tự tiêm thuốc cho mình, tập thể dục và lặng lẽ vượt lên dốc đứng của số phận để trọn nghĩa trọn tình với các "con".
May mắn thay, tôi được nghệ sĩ Tường Vi kể cho nghe những câu chuyện thú vị về sự ra đời của trung tâm Nghệ thuật Tình thương mà bà đã sáng lập ra từ cách đây tròn 20 năm: "Lần đó, tôi về hưu, đang luyện bài Ave Maria thì nghe tiếng sột soạt ngoài cửa như có ai nghe trộm. Tôi liền ngưng phím đàn nhìn ra hàng rào nhưng không thấy ai. Một lúc sau, lại thấy tiếng sột soạt phát ra. Hóa ra đó là một đám trẻ con.
Thấy tôi, chúng hoảng sợ bỏ chạy. Tôi nhẹ nhàng bảo: "Nào... ai ngoài đấy, vào đây với cô". Gần chục đứa trẻ của làng SOS chui qua hàng rào ùa vào đứng quanh Tường Vi. Bà cất tiếng hỏi: "Sao các con lại thập thò bên ngoài đó". "Dạ, chúng con muốn được nghe mẹ Vi hát, muốn được mẹ dạy hát ạ", lũ trẻ đáp”.
Nghệ sĩ Tường Vi và các "con" tại Trung tâm Nghệ thuật Tình thương.
Thấy hoàn cảnh tội nghiệp của các bé, nghệ sĩ Tường Vi đã nhận lời dạy chúng luyện thanh mỗi ngày. Dần dần, bà nhận đào tạo thêm cho những em nhỏ mồ côi ở trung tâm bảo trợ quận Thanh Xuân, làng Hy Vọng, làng SOS... Một lần khác, bà về quê hương xứ Quảng, chứng kiến cảnh những đứa trẻ ùa xung quanh mình gọi lớn: "Mẹ Vi ơi, con đói!". Những lúc như vậy, bà không cầm được nước mắt. Rồi khi vào Đà Nẵng thăm trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu, gặp những đứa con tàn tật của đồng đội bị nhiễm chất độc da cam, bà rưng rưng xúc động. Ước nguyện thu nhận các em về nuôi dạy cứ lớn dần trong tâm hồn nghệ sĩ Tường Vi.
Và thế là "dự án từ trái tim" đã được bà xây dựng. Với sự giúp đỡ của cố nhạc sĩ Văn Cao, "cô gái vót chông" đã thành lập trung tâm Nghệ thuật Tình thương, nơi nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh thiệt thòi. Trung tâm được ra mắt vào đúng ngày 27/7/1992. Đây là mái ấm tình thương cho trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, đặc biệt là trẻ bị nhiễm chất độc da cam... Các em này sẽ được sống ngay tại nhà riêng của bà ở khu tập thể quân đội (Mai Dịch). Căn nhà bỗng trở thành "ngôi nhà chung" của những trẻ nghèo cùng cảnh ngộ.
Bán nhẫn, bán cả chó Nhật nuôi "con"
Nghệ sĩ Tường Vi tâm sự, những ngày đầu, khó khăn chồng chất khó khăn. Nguồn kinh phí hạn chế, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn. Nhưng, tất cả những khó khăn đó không thể khiến bà nản chí mà ngược lại, nó như tiếp thêm động lực để Tường Vy biến ước mơ của bà, của những đứa trẻ có hoàn cảnh thiệt thòi trở thành hiện thực.
Nghệ sĩ Tường Vi kể lại cho chúng tôi kỷ niệm về "thuở ban đầu": "Lúc mới thành lập trung tâm, tôi làm lại căn phòng 20m2 có lát sàn gỗ, bố trí gương để dạy múa cho các bé. Khi báo chí viết, một cựu binh Mỹ đã tìm đến gặp tôi. Nhìn đám trẻ khuyết tật hát và múa, ông ấy đã bật khóc. Ông nói rằng, không ngờ mình đã tham gia vào một cuộc chiến để lại hậu quả tàn khốc cho những đứa trẻ tài năng như thế. Người cựu binh ấy mong muốn giúp tôi phần nào kinh phí để trang trải cho các bé. Sau khi thăm trung tâm, ông ấy bỏ tiền xây ngôi nhà 4 tầng và tài trợ một phần để mua đàn piano, thay thế chiếc đàn đã cũ".
Nghệ sĩ Tường Vi cũng cho biết thêm, để trung tâm tồn tại và phát triển như ngày nay, rất nhiều nhà hảo tâm ở Hà Nội, TP.HCM cũng âm thầm giúp đỡ. Tuy vậy, trong suốt 20 năm qua, bà đã phải trải qua không ít "cửa ải". Bà đã từng bán chó Nhật, bán nhẫn, đi biểu diễn nhiều nơi kiếm tiền ươm mầm cho những tài năng tương lai. "Có lần, cả đoàn tại trung tâm đi biểu diễn ở xa, đang say sưa hát thì cơn mưa như trút ập xuống, không cất kịp đồ đạc. Lần đó, cả đoàn lỗ nặng nhưng vẫn vui vẻ vì được biểu diễn phục vụ công chúng", nghệ sĩ Tường Vi tâm sự.
Người nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của Việt Nam chia sẻ, những lúc khó khăn, trắc trở, bà thường nghĩ tới Bác. Bà chắp tay cầu nguyện Bác và thượng đế giúp đỡ. "Nếu không có những tấm lòng nhân ái thì 3 trung tâm của tôi không thể được như hôm nay", NSND Tường Vi thầm cảm ơn sự chung sức, đồng lòng của mọi người.
Từ trung tâm này, nhiều đứa trẻ đã trở thành tài năng âm nhạc. Đó là Hà Chương (khiếm thị), cô bé tốt nghiệp thủ khoa Nhạc viện Quốc gia VN; Hoàng Mạnh Cường (khiếm thị); ca sĩ Hoài Phương nhóm "Mặt trời đỏ" hay Khánh Thi sau này trở thành "nữ hoàng dance sport". Phương Thu, Giáng Son đã từng được trung tâm giúp đỡ khi còn chập chững bước vào con đường nghệ thuật; Thanh Lan, Hương Giang đã thành những cô giáo dạy piano có uy tín; Quang Vinh, Thu Phương đang tu nghiệp tại Trung Quốc...
Trong số hàng trăm đứa con, hàng trăm niềm tự hào về nghị lực cuộc sống, mẹ Tường Vi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về cô bé A-Viết Nin, người dân tộc Tà Ôi. Đây là một cô bé khiếm thị của trường Nguyễn Đình Chiểu được bà đưa ra Hà Nội nuôi dưỡng, cho học chữ, học nhạc, luyện thanh...
Bây giờ, nghệ sĩ Tường Vi chỉ mong sao mình có thể kéo dài thêm sức khỏe để lo cho các "con" của mình. Bởi bà hiểu rằng, nếu mình "có làm sao" thì các em nhỏ sẽ mất đi một bờ vai nương tựa. "Nhìn cô thế này thôi nhưng những năm 1957 đến 1960, cô từng 3 năm liên tiếp đoạt huy chương Vàng về các môn nhảy xa, nhảy cao. Nhờ tinh thần thể thao, ăn uống khoa học mà dù mắc bệnh tiểu đường nhưng may mắn là cô chưa bị biến chứng", người nghệ sĩ lão thành cười nhân hậu.
Tình yêu vẫn chưa một lần thôi... "cháy" Có một thời, tiếng hát của "cô gái vót chông" Tường Vi đã vượt qua mọi chiến hào, bom đạn để theo người chiến sỹ ra trận với một sức sống mãnh liệt. Và bây giờ, khi trở về thời bình, sức sống ấy vẫn bền bỉ lạ thường... Mặc dù ở độ tuổi "xưa nay hiếm" nhưng giọng ca của cô vẫn thế, vẫn rất Tường Vi, trong veo và đẹp đến say lòng. Tình yêu vẫn như ngọn lửa cháy miệt mài trong trái tim cô. "Đã có người bảo tôi làm việc này để được nổi tiếng. Nhưng với tôi, sự nổi tiếng như hiện nay đã quá đủ rồi! Tôi muốn đem tình thương, tất cả những gì tốt đẹp nhất đến với trẻ em thiếu may mắn", nghệ sĩ Tường Vi tâm sự. |
Anh Đức