Có mặt tại trạm thu phí Pháp Vân–Cầu Giẽ (Liên Ninh, Thanh Trì, Hà Nội), chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc khẩn trương, mau lẹ của các nhân viên BOT. Dù đồng hồ đã điểm 12h trưa, nhưng họ vẫn chưa được ngưng tay nghỉ ngơi.
Tranh thủ có người thay ca, Yến Ngọc- cô gái trẻ xinh xắn, sinh năm 1992, tiếp chuyện PV. Ngọc nói: "Chị thấy đó, làm ở trạm thu phí BOT, công việc gần như liên tục, ngay cả tranh thủ nghỉ tay đi uống một cốc nước cũng khó".
Khi được hỏi về cơ duyên đến với nghề, Ngọc nhớ lại: "Thực ra, trước đây, tôi làm kế toán kho cho một công ty ở Thái Bình. Tình cờ qua một người bạn, tôi được giới thiệu công việc ở trạm thu phí, thấy thú vị và muốn trải nghiệm nên tôi chuyển tới đây làm việc".
Cũng như bao nhân viên khác, khi mới vào nghề, Yến Ngọc nhận thấy công việc ở trạm thu phí không hề đơn giản như cô mường tượng.
"Tôi nhận thấy làm việc ở trạm thu phí đòi hỏi phải tập trung cao độ và nhanh. Bởi mỗi chiếc xe đi qua họ chỉ dừng vài chục giây nếu mình không đưa thẻ hay vé xe cho khách thì sẽ dẫn tới hiện tượng tắc đường”, Yến Ngọc trải lòng.
Công việc thường xuyên tiếp xúc với tiếng còi xe inh ỏi, khói bụi từ xe cộ nên đôi lúc Yến Ngọc cảm thấy mệt mỏi: “Môi trường làm việc của chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với bụi bặm, có đồng nghiệp nữ do không quen mặt cũng mọc nhiều mụn. Cũng may là da dẻ tôi không vấn đề gì”.
Sau hai năm theo nghề, Yến Ngọc trải qua không ít kỷ niệm. Với những kỷ niệm buồn, Yến Ngọc nhanh chóng quên đi bởi cô gái trẻ luôn tâm niệm "Quẳng gánh lo đi và vui sống".
Nói về kỷ niệm vui , Yến Ngọc mỉm cười: "Mỗi lần tài xế đi qua BOT gặp tôi hay bất cứ nhân viên nữ nào cũng trêu đùa. Thậm chí, có người còn đùa: “Cho anh xin số điện thoại, không cho anh không đi đâu. Nếu tắc đường là tội của em nhé!”. Những lúc như vậy, tôi chỉ còn cách chống chế: “Anh cứ đi qua đây gặp em 3 lần thì em sẽ cho số”. Tài xế đó nhớ rất dai, quay lại gặp lần 3 nhưng khi ấy thì tôi lại có cách khéo léo từ chối. Đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình làm nghề”.
Bên cạnh những vị khách lịch sự cũng có không ít vị khách nói lời khiếm nhã. Yến Ngọc nhớ lại: “Nhiều khi một số lái xe uống rượu say hoặc trong quá trình chúng tôi làm việc, thanh toán cho xe trước thì xe sau tưởng chúng tôi câu giờ, không cho họ đi nhanh liền bấm còi liên tục. Những lúc như vậy khiến chúng tôi toát mồ hôi hột. Chưa kể, có người đi qua còn văng tục, chửi những câu rất khó nghe".
Theo Yến Ngọc, làm nghề này đòi hỏi người làm phải có “tinh thần thép”, sức nhẫn nhịn nếu không sẽ hỏng việc: “Thường khi nhận những lời khiếm nhã, mình là người phục vụ, vì thế, dù đúng hay sai thì vẫn phải nhẫn nhịn”.
Theo nghề gặp không ít áp lực, mệt mỏi nhưng Yến Ngọc chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Bởi với cô mỗi khi tài xế đi qua dành tặng cho cô những cái vẫy tay, gật đầu cười tươi là động lực để cô bước tiếp trong công cuộc mưu sinh của mình...
Thanh Lam - Nguyễn Lâm