Chiều 15/8, Công an huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) cho biết, đã bàn giao nghi phạm liên quan vụ án mạng xảy ra tại xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức là Nguyễn Thành Sơn (SN 1976, trú xã Đức Chánh, người bị tâm thần) cho Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.
Thông tin ban đầu cho biết, khoảng 5h30 ngày 15/8, bà Đ.T.T.H. (55 tuổi), nhân viên y tế của Trạm y tế xã Đức Chánh, khi hết ca trực đêm trở về nhà.
Khi đến tuyến đường liên thôn, đoạn qua thôn 2, xã Đức Chánh, bà H. bất ngờ bị ông Nguyễn Thành Sơn dùng cây gỗ đánh mạnh vào đầu và mặt. Bà H. bị thương nặng, tử vong tại chỗ.
Nhận được thông tin, Công an huyện Mộ Đức có mặt tại hiện trường xảy ra vụ việc, tổ chức truy xét thông tin, khám nghiệm hiện trường, đồng thời khống chế bắt giữ ông Nguyễn Thành Sơn.
“Ông Nguyễn Thành Sơn là người từng được bà H. khám bệnh và điều trị tại Trạm y tế xã Đức Chánh. Qua sự việc này, Công an huyện Mộ Đức khuyến cáo mỗi gia đình hãy tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý người mắc bệnh tâm thần hay những người có những hành vi, biểu hiện không bình thường tại gia đình mình”, lãnh đạo Công an huyện Mộ Đức thông tin.
Ông Nguyễn Quang Chính, Chủ tịch UBND xã Đức Chánh cho biết, địa phương đã phối hợp với Công an huyện Mộ Đức làm việc với gia đình ông Sơn và bắt buộc gia đình phải đưa đi điều trị tập trung, nhưng gia đình không chịu đưa đi để đến nay xảy ra sự việc này.
Hiện, vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
Người tâm thần gây án phải chịu trách nhiệm?
Trao đổi với Sức khỏe đời sống, Luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho biết, pháp luật hiện hành có quy định tình trạng không có năng lực, trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức; hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Nguyên viện dẫn, tại Điều 21 BLHS hiện hành quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Tuy nhiên, luật sư Nguyên lưu ý, đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế năng lực hành vi chứ không phải mất.
“Tại khoản 2, Điều 49 BLHS 2015 quy định, người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1, trước khi bị kết án sẽ được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Nguyên viện dẫn.
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên của pháp luật, căn cứ vào vụ việc, cơ quan tố tụng cần phải tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với nghi phạm. Căn cứ vào kết luận giám định, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hiện hành vi giết người.
Trong trường hợp Hội đồng y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định nghi phạm bị mất năng lực hành, lúc này nghi phạm sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. "Trường hợp có kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận, nghi phạm chỉ bị hạn chế năng lực hành vi sẽ vẫn có thể bị truy cứu”, luật sư Nguyên nói.
Đối với trách nhiệm dân sự, người đại diện hợp pháp của người tâm thần sẽ phải thay người phạm tội chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho nạn nhân, gia đình của nạn nhân.
Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 13 triệu người (chiếm khoảng 15% dân số) bị bệnh liên quan tới rối loạn tâm thần như trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được chữa trị tại các cơ sở y tế, số còn lại đang sinh sống trong cộng đồng và vẫn có nguy cơ gây án khi mất khả năng kiếm soát hành vi, bởi công tác quản lý người bệnh gặp rất nhiều khó khăn.
Nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian ngắn đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về người tâm thần phạm tội khi sống trong cộng đồng dân cư hiện nay.
Điều xót xa đọng lại là hậu quả do người tâm thần sống trong cộng đồng dân cư đã được cảnh báo từ trước, với nhiều vụ án mạng đau lòng xảy ra, nhưng phần vì chủ quan, phần nữa xuất phát từ tình cảm ruột thịt, nhiều trường hợp không muốn đưa anh, em hoặc con cái của mình vào các trung tâm để chữa trị.
Dù đã được cảnh báo nhiều, nhưng thời gian qua, thực trạng người có biểu hiện tâm thần gây án tại các vẫn liên tiếp xảy ra gây nhức nhối xã hội. Dư luận nhiều lần cảnh báo về tình trạng người tâm thần gây án nhưng những vụ án bi thảm vẫn cứ tái diễn, một phần xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ của địa phương và gia đình người bệnh.
Cũng chính từ đó đã dẫn đến thực trạng đáng báo động, một số đối tượng là người tâm thần đã có hành vi gây nguy hiểm cho người thân trong gia đình và cộng đồng, là thủ phạm gây ra các vụ giết người đau lòng.
Hương Anh (tổng hợp)