Lóa mắt vì tiền, kéo chồng vào vòng lao lý
Đầu năm 2005, Công an tỉnh Điện Biên phát hiện đường dây mua bán, tàng trữ vận chuyển trái phép chất ma túy do Nguyễn Thị Vân (quê Thái Nguyên, thường trú tại phường Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) cầm đầu. Đây là vụ án ma túy có số đối tượng đông nhất ở Điện Biên (16 đối tượng) và là đường dây ma túy có nhiều đối tượng trong cùng một gia đình phạm tội. Nguyễn Thị Vân đã chỉ đạo các đàn em mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào các tỉnh Tây Bắc rồi chuyển về tiêu thụ tại Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Kạn và bán sang cả Trung Quốc với số lượng lớn.
Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Thị Vân khai nhận: Từ cuối năm 2004 đến khi bị bắt (tháng 1/2005) đã cùng một số đối tượng nhiều lần mua bán trái phép chất ma túy, số lượng gồm 33,5 bánh heroin. Riêng gia đình Nguyễn Thị Hồng có ít nhất 3 người "dính" đến đường dây mua bán cái chết trắng này. Đó là Nguyễn Văn Lạc (sinh năm 1960), ở thị trấn Chợ Mới (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc-Kạn, anh trai của Hồng); Nguyễn Thị Hồng và chồng là Dương Minh Thiện (sinh năm 1958). Trong khoảng thời gian từ giữa năm 2004 đến tháng 5/2005, Nguyễn Thị Hồng đã vận chuyển 7 bánh heroin qua sự chỉ đạo của Nguyễn Thị Vân.
Liên quan đến vụ án này, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Văn Lạc cùng một số đối tượng khác đã bị tuyên tử hình. Nguyễn Thị Hồng ngoài tội Mua bán vận chuyển ma túy còn phạm tội che giấu tội phạm, phải đối mặt với án tù chung thân. Chính Hồng đã lôi kéo chồng mình vào con đường phạm tội khiến Dương Minh Thiện cũng phải lĩnh án 20 năm tù.
Để con bơ vơ
Trong cuộc trò chuyện với tôi bên cạnh gian nhà rộng thênh thang là xưởng may quần áo phạm nhân, thuộc đội 28 và 33, K1 Trại giam Phú Sơn 4, Nguyễn Thị Hồng gần như không nhắc lại quá trình phạm tội của mình mà chỉ bộc bạch những ưu tư trăn trở chất chứa trong lòng. Không hiểu những lời Hồng nói có phải để bao biện cho sự giả dối, cho hành động gieo rắc cái chết trắng cho người khác hay không, nhưng những gì Hồng bộc bạch về các con của mình, tôi tin đó là sự chân thành được chắt lọc từ trái tim người mẹ.
"Tôi bị Công an tỉnh Điện Biên bắt tại nhà vào ngày 2/9/2006 sau khi mở rộng vụ án của Nguyễn Thị Vân. 3 tháng sau tôi được tin anh Dương Minh Thiện - Chồng tôi cũng bị bắt vì đã chở tôi vận chuyển hàng ki-lô-gam ma túy. Nói cho đúng, chúng tôi đang phải trả giá, phải gánh chịu những bản án thích đáng, bởi dù vô tình hay hữu ý thì những người dính dáng đến ma túy cũng đã gieo rắc cái chết trắng, gây đau thương, tang tóc cho bao gia đình. Tôi ân hận lắm.
Tôi không nghĩ nhiều về bản thân vì tôi không đáng được nghĩ nữa. Vào trại rồi, tôi càng nhận ra giá trị của cuộc sống. Vợ chồng ở cách nhau chưa đầy cây số nhưng coi như chia biệt cả đời. Tôi thắt ruột khi nghĩ đến các con. Trước lúc bị bắt, tôi là người mẹ của 5 đứa con trai, 2 đứa của vợ chồng tôi, 3 đứa là con anh chồng (anh chồng tôi đã mất). Giờ đây chúng trở thành mồ côi dù vợ chồng tôi vẫn đang tồn tại. Hơn 10 năm rồi, những đứa con trai ngờ nghệch vụng về của tôi phải lo tất tần tật cuộc sống" - Nguyễn Thị Hồng ôm mặt nức nở.
Đưa tay gạt những giọt nước mắt đang tuôn trào, Nguyễn Thị Hồng kể tiếp: "Kể từ lúc bước chân vào trại, giấc ngủ rất ít đến với tôi, nếu có thì thật ngắn ngủi và đó là những giấc mơ khủng khiếp. Xung quanh toàn một màu đen mênh mang khiến tôi hoảng sợ. Các con tôi hiện ra rúm ró hoảng sợ trước bộ mặt giận dữ với ánh mắt đầy tia lửa của những nạn nhân ma túy. Họ bắt các con tôi cũng phải trả giá vì tội lỗi của tôi.
Thường thì tôi không thể kìm nén được nỗi sợ gần như hoảng loạn, dẫn đến tình trạng không biết đâu là mơ, đâu là thực. Tôi trở dậy ngồi bất động trong bóng tối. Tôi thường bó gối tự đặt ra câu hỏi phải làm sao cho các con bây giờ khi bản án chung thân đã thít chặt đời mình? Ranh giới giữa thiện và ác thật gần, nhưng cũng thật rõ ràng, sao tôi không cố mà tránh. Cuộc đời người đàn bà là sống cho con. Tôi thì ngược lại, tôi đang là nỗi đau của chúng".
Trong câu chuyện của của nữ phạm nhân Nguyễn Thị Hồng, tôi xúc động trước những tấm lòng. "Tôi vào trại Phú Sơn ngày 8/3/2008. Ở phân trại này, tôi là một trong số ít phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn. Thực ra các con tôi cũng có đến thăm bố mẹ, nhưng tôi không muốn vì chúng côi cút, đến miếng ăn còn thiếu nữa là đi lại thăm nuôi cha mẹ. Các cán bộ ở đây tốt lắm, thường động viên, an ủi, giúp đỡ tôi vượt qua mặc cảm tội lỗi để hy vọng có ngày trở về. Chị em trong đội rất đoàn kết và thương yêu nhau. Họ không chỉ quan tâm chia sẻ với tôi những trăn trở mà còn san sẻ cho tôi từ miếng ăn, nhất là khi tôi đau ốm.
Những ngày lễ, Tết như thế này, chị đội trưởng tự quản thường đứng ra vận động chị em quyên góp để những người như tôi cũng có được cái Tết dù là trong tù. Dạo này, sức khỏe và tinh thần tôi khá lên nhiều so với vài năm đầu. Con trai lớn của tôi đã đi làm nuôi em ăn học. Tôi mừng lắm”, Hồng xúc động nói.
Tôi nhìn đồng hồ đã hơn 12h sắp hết giờ nghỉ trưa của phạm nhân. Thời gian quả là tuyệt vời nhưng cũng thật nghiệt ngã nếu con người không biết trân trọng.
Hoài Nguyên