Nữ phụ hồ bị ép tiền, ép tình

Nữ phụ hồ bị ép tiền, ép tình

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Nữ phụ hồ phải lao động cực nhọc trên công trường và tai nạn lao động luôn rình rập. Ngoài ra, họ còn bị gạ tình, thậm chí ép tình một cách "khó đỡ".

Làm nghề phải chấp nhận rủi ro

Trong một buổi chiều mưa rét, khi chúng tôi đang lang thang quanh khu vực xây dựng Royal City (Hà Nội) thì thấy một nhóm phụ nữ đẩy xe gạch đi qua công trường. Lân la bắt chuyện, chúng tôi được biết đây là nhóm thợ của chị Lê Thị Thiết (ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).

Trong chiếc áo mưa lụp xụp, chị Thiết vừa đi vừa tâm sự: "Làm nghề này nó vậy. Mưa rét có được nghỉ đâu, vẫn phải khoác áo tơi đi làm bình thường".

Chị Thiết và nhóm bạn của chị đang làm công cho một chủ thầu, làm ăn khá lớn ở Hà Nội. Chỗ chị làm có tất thảy hơn 30 nữ phụ hồ chia làm nhiều đội, làm ở hai khu vực khác nhau. Đội của chị hiện đang phụ hồ cho công trình ở ngõ 265, đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Chị Thiết cho biết, mỗi đội thợ có khoảng 2, 3 nữ phụ hồ, vừa làm công, vừa đảm nhiệm việc nấu nướng. Công việc vất vả là thế, họ còn phải đối mặt với những tai nạn bất ngờ.

Chị Thiết tâm sự: "Trong đội chúng tôi, chưa xảy ra tình huống nào dẫn đến chết người, nhưng chuyện vỡ đầu, mẻ trán diễn ra thường xuyên. Có lần, tôi dỡ giáo, loạng choạng, bị một thanh gỗ rơi trúng vào đầu, bị chiếc đinh trên đó cào chảy rất nhiều máu.

Vừa phải đi khâu, vừa phải nghỉ làm mất mấy hôm. Chủ biết thế cũng không bồi dưỡng thêm đồng nào, không động viên, trái lại còn nói tôi. Chủ cho rằng, tôi làm không cẩn thận, thiếu chuyên nghiệp, làm ảnh hưởng đến họ".

Chị Thiết vừa nói chuyện với chúng tôi, vừa hất đầu sang người bên cạnh, tên là Phương, cho biết tiếp: "Chị Phương vừa xuất viện, bị vữa bắn vào mắt khi đang lấy vữa ra từ máy trộn. Nó chủ quan, chỉ rửa qua loa. Đến tối, mắt sưng vù và chảy nước. Cũng may đến viện kịp thời chứ không khéo hỏng cả mắt".

Chị Phương thấy thế chỉ cười trừ, không nói gì. Nhưng chúng tôi biết, các chị làm vậy để tiết kiệm tiền thuốc. Người lao động nghèo bao giờ cũng có kiểu sống bất chấp bệnh tật như vậy. Thậm chí, có người bị gạch rơi vào đầu cũng chỉ băng bó qua loa rồi tiếp tục đi làm.

Vẫn theo lời chị Thiết tâm sự, nữ phụ hồ sợ nhất làm việc vào mùa đông. Hôm nay mưa rét, nhưng chưa thấm gì với những hôm nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ. Người thợ phải trộn vữa, bê gạch, xách nước trong thời tiết như vậy, đôi bàn tay lạnh cóng, đỏ ửng, hơ vào lửa mà không có cảm giác nóng.

"Có hôm, chúng tôi phải vận chuyển một xe tải xi măng vào nhà. Làm xong, mồ hôi vã ra như tắm, ướt hết cả áo. Một lúc sau, cái lạnh thấm vào người, ngồi hơ lửa mà răng đánh vào nhau cầm cập", một chị trong nhóm chia sẻ thêm.

Pháp luật - Nữ phụ hồ bị ép tiền, ép tình

Nhóm của chị Thiết đang chở xe gạch về xây dựng.

Có rất nhiều trường hợp nữ phụ hồ thiệt mạng trong khi lao động. Tháng 6 vừa rồi, chị Dương Thị Hằng, 30 tuổi (xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã tử vong do bị sập giàn giáo.

Trước đó, cuối năm 2011, vụ sập tường kênh tưới tiêu ở thị trấn Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) đã khiến ba nữ phụ hồ thiệt mạng. Trong nghề xây dựng, có muôn vàn lý do có thể tước đi sinh mạng của con người, nhất là khi các chị lao động trong hoàn cảnh không có phương tiện bảo hộ.

Chị Thiết nói: "Những thông tin này đa phần được truyền đi rất nhanh trong giới chúng tôi. Tuy không có thời gian đọc báo hay xem ti vi, nhưng chúng tôi đều có nghe nói đến. Có điều, sợ thì sợ thật, nhưng đã làm nghề này, chúng tôi phải chấp nhận rủi ro. Chị em chỉ biết bảo nhau cẩn thận hơn khi làm việc, chứ không thể tránh được tai ương bất ngờ".

Trong khi đó, để tiết kiệm tiền bạc, các chủ thầu ít khi trang bị cho công nhân của mình những đồ bảo hộ tối thiểu. Và điều quan trọng nhất là người thợ vẫn chưa ý thức đầy đủ về việc bảo vệ chính bản thân mình trước những mối nguy hiểm có thể đến từ nghề phụ hồ.

Sóng ngầm không dễ k

Trong cái ồn ào của tiếng máy khoan, máy trộn xi nơi công trường, đó là câu chuyện của những mảnh đời éo le, những tâm sự thầm kín của nữ phụ hồ. Trong số người tôi được gặp, được nghe kể, câu chuyện của chị Hoàng Thị Thu (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) làm chúng tôi phải day dứt.

Chị Thu lên Hà Nội làm nghề đã gần chục năm nay, mỗi năm về quê chỉ vào dịp Tết. Ngay từ nhỏ, chị đã phiêu bạt cùng những đám thợ hồ đi xây dựng ở khắp các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội. Lớn lên, chị kết hôn với một người thợ trong tổ và hiện tại con chị đã học lớp 4.

Cách đây 3 năm, chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời, để lại cho chị khoản nợ hơn 100 triệu đồng và đứa con thơ. Hiện nay, chị một mình làm lụng, chạy vạy để vừa có tiền trả lãi hàng tháng, vừa dành dụm ít tiền gửi về cho con. Khuôn mặt già trước tuổi của người phụ nữ mới ngoài 30 là kết quả của những ngày lao động vất vả, những buổi tăng ca đêm, những khoản nợ chất chồng.

Công việc đã vậy, trong cuộc sống chị còn nhiều tâm sự "khó nói". Cảnh một người phụ nữ sống với hàng chục người đàn ông nhiều khi dẫn đến những tình huống "dở khóc, dở cười".

Chị Thu nói: "Mình là dân lao động chân tay, lại sống với cánh đàn ông ăn nói bỗ bã, nên nhiều khi cũng bị "lây nhiễm". Những phụ hồ nữ mới vào, chưa quen kiểu nói chuyện đó, chắc chắn khó chịu lắm, nhưng lâu dần lại thấy bình thường. Làm việc trong môi trường này, không chua ngoa, đanh đá không được. Mình chỉ "xuống nước" một tý là cánh đàn ông sẽ được thể trêu ghẹo ngay".

Chị Thu cũng gặp rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Ở đội của chị có hai người phụ nữ và 14 người đàn ông. Chị và một người nữa cùng quê vừa là thợ, nhưng cũng là người thu vén mọi chuyện trong đội.

"Cũng may có hai chị em, làm việc cũng tiện. Đôi khi gặp chuyện "khó nói" của phụ nữ, hai người còn giúp nhau được", chị Thu cười, chia sẻ.

Theo chị Thu việc tắm rửa cũng nhiều bất tiện. Bao giờ họ cũng phải đợi cánh đàn ông tắm xong, đi ăn cơm, rồi hai chị em mới thay nhau tắm. Xong đâu đấy hai người đi ăn cơm, dọn dẹp và thường ngủ muộn nhất đội.

Những chuyện tế nhị khác được chị Thu chia sẻ một cách dè dặt: "Tôi góa chồng, cánh đàn ông biết thế nên hay trêu ghẹo, tán tỉnh.

Hơn nữa, sống giữa cả đống đàn ông như thế, không thể tránh được chuyện này, kia. Những câu bóng gió, những lời tán tỉnh là chuyện thường ngày. Ban đầu, tôi cũng ngại ngùng nhưng vì mưu sinh, đành phải thích nghi".

Chị Huệ, bạn cùng đội với chị Thu cho biết thêm: "Nhiều khi những câu đùa thái quá khiến người ngoài tưởng thật, lại xì xầm này, nọ. Người trong cuộc hiểu thì không sao, nhưng đa phần người ngoài không hiểu, lại bàn tán, truyền tai nhau, thông tin đến người làng, người nhà, thế là mình mang tiếng".

Chị Huệ kể, nhiều nữ phụ hồ bị đánh ghen vô cớ, oan uổng. Trong giới phụ hồ và thợ xây, nhiều khi hai vợ chồng cùng làm cho một chủ, nhưng không phải lúc nào cũng ở gần nhau. Người làm đội này, người làm đội khác. Mà chuyện đồn thổi, rồi tam sao thất bản không phải là hiếm.

Thế là, chuyện một nữ phụ hồ đang làm việc, đột nhiên bị người phụ nữ lạ mặt nào đó đến giật tóc, đánh chửi thậm tệ cũng không hiếm. Nguyên nhân chính là vì những nghi ngờ vô cớ, cứ nghĩ rằng chồng có bồ, đang "tòm tem" với người nữ phụ hồ trong đội.

Bỏ nghề vì bị gạ tình, "ép" tình

Bên cạnh đó, những cạm bẫy tình đối với nữ phụ hồ cũng không ít. Những người trong đội, có người đã lập gia đình, có người chưa, nhưng đa phần đều phải chịu hoàn cảnh xa nhà, xa vợ con nên có nhu cầu sinh lý là chuyện tất nhiên. Người thợ nữ bị gạ tình, bị trêu ghẹo là chuyên "thường ngày ở huyện".

Không có bản lĩnh, không có ý chí, nhiều nữ phụ hồ đã rơi vào những cuộc tình chớp nhoáng, rồi chuyện đánh ghen, mang thai ngoài ý muốn, bị bỏ rơi... Tất cả những viễn cảnh không tốt đẹp đó sẵn sàng ập đến với bất cứ nữ phụ hồ nào. Chị Thu, chị Thiết thừa nhận: Nhiều nữ phụ hồ trẻ bị gạ tình, thậm chí “ép” tình đã phải bỏ nghề.

Phạm Thiệu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.