Liên tiếp nhận được phản ảnh của những người tham gia giao thông trên quốc lộ 18 (đoạn qua xã Hoà Tiến, huyện Yên Phong) hướng Bắc Ninh đi Hà Nội bị vướng đinh, lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng phát hiện nguyên nhân chính là do bà Trần Thị Lan (58 tuổi, ở xã Hòa Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) đã rải đinh dọc tuyến quốc lộ.
Tại cơ quan công an, người phụ nữ này khai, mục đích rải đinh là để người tham gia giao thông trên đường bị thủng săm. Tạo điều kiện việc làm cho chồng và một số người khác ở cùng địa phương vá, thay săm với giá từ vài chục đến cả trăm nghìn đồng/xe.
Luật sư Nguyễn Trung Tiệp – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc xe di chuyển cán phải đinh là rất nguy hiểm, nhẹ thì người lái bị loạng choạng, nặng là có thể gây mất lái, ngã xe. Việc làm của bà Lan là hành vi nguy hiểm, có thể gây ra tai nạn giao thông cho người khác. Do vậy, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ, từ đó có chế tài xử lý những người cố tình rải đinh trên quốc lộ nhằm trục lợi này.
Chiếu theo quy định của pháp luật, hành vi của bà Trần Thị Lan có thể bị xử phạt hành chính theo điểm a khoản 6 điều 11 Nghị định số 46/2016 về hành vi ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác trên đường bộ gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông; mức phạt tiền 6 đến 8 triệu đồng.
Trong trường hợp hành vi rải đinh của bà Lan gây ra các hậu quả như: a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng… thì có thể bị xử lý hình sự về tội Cản trở giao thông đường bộ, theo quy định tại Điều 261 BLHS năm 2015.
Theo đó, cản trở giao thông đường bộ, được hiểu là hành vi đào, khoan, xẻ trái phép các công trình giao thông đường bộ; đặt trái phép chướng ngại vật gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, các thiết bị an toàn giao thông đưòng bộ; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đưòng; lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ; vi phạm quy định về đảm bảo an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ và hành vi khác gây cản trở giao thông đường bộ.
“Tùy vào mức độ, hậu quả do hành vi gây ra cho các nạn nhân, người có hành vi rải đinh có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm tùy vào hậu quả gây ra cho các nạn nhân”, luật sư Tiệp cho biết.