Nữ sinh báo chí 'dấn thân' tác nghiệp và cạm bẫy

Nữ sinh báo chí 'dấn thân' tác nghiệp và cạm bẫy

Thứ 4, 15/05/2013 09:12

Nhiều nữ sinh báo chí đi làm thêm đã phải trải qua những giây phút nguy hiểm, những lần bị gạ tình… mà mỗi lần nhắc lại, họ vẫn chưa hết bàng hoàng.

Những cú sốc khi tác nghiệp

Với đặc thù ngành học, nhiều nữ sinh trường báo chí thường lựa chọn công việc làm thêm là làm cộng tác viên viết bài cho các báo. Công việc này vừa giúp các nữ sinh trau dồi, rèn luyện trong môi trường báo chí, vừa có thêm thu nhập. Nghề báo vốn vất vả, nhất là với phụ nữ. Vì thế, trong quá trình tác nghiệp, không ít nữ sinh đã gặp phải những tình huống bất trắc, nguy hiểm.

Vũ Thủy (Học viện Báo chí) kể: “Một lần, tôi đi viết bài về tình hình mất trật tự tại một khu chợ chuyên bán đồ giá rẻ cho sinh viên gần Đại học Sư phạm Hà Nội. Đang chăm chú chụp ảnh thì bất ngờ bị đập mạnh vào vai. Tôi giật mình quay sang thì thấy vây quanh mình là hai người đàn ông và một người phụ nữ dáng vẻ khá dữ dằn. Tôi còn đang ngơ ngác thì một người đàn ông giật phăng chiếc máy ảnh trên tay tôi. Họ xưng là bảo vệ chợ, dọa nạt và cho tôi biết là khu chợ này có “luật rừng” là cấm quay phim, chụp ảnh. Lúc đó, tôi sợ bị đánh thì ít, sợ chiếc máy ảnh trị giá hơn 20 triệu dành dụm mãi mới vừa mua được bị họ đập hỏng thì nhiều. Cũng may là sau một hồi tôi khóc lóc xin xỏ, lại có thêm nhiều người xúm vào xem, nên mấy người kia sau khi dằn mặt thì cũng để tôi đi”.

Câu chuyện của Thu Hồng thì lại có nhiều tình tiết nhuốm màu phim hành động. Hồng cho biết, một lần cô đi thực hiện bài viết về một hộ gia đình nghèo sống ở khu ổ chuột ven đê sông Hồng. Hỏi đường một người đàn ông, Hồng được người này chỉ vào một căn nhà ở trong con hẻm nhỏ. Khi Hồng gọi cửa, một người đàn ông xăm trổ đầy mình bước ra mở cửa. Hồng giật mình khi thấy bên trong có 4, 5 người đang tiêm chích ma túy, người đàn ông ra mở cửa cũng đang cầm… kim tiêm. Vừa dứt câu “Hỏi ai?”, người đàn ông xăm trổ túm lấy tay Hồng.

Quá hoảng sợ, Hồng giật mạnh tay rồi cắm đầu cắm cổ chạy. Người đàn ông kia cầm kim tiêm đuổi theo. Vì lần đầu đến khu này nên Hồng không biết đường ngang lối dọc như thế nào, cô cứ thế mà chạy bán sống bán chết. Chạy được một đoạn, Hồng chui tọt vào một căn nhà gỗ. Rất may cho Hồng, đây là nhà trọ của mấy chị mua bán đồng nát. Mãi một lúc sau mới hết run nhưng Hồng không dám ra ngoài. Cô phải nhờ chị đồng nát tốt bụng ra nhìn đường, rồi trực tiếp dẫn ra thì mới dám về.

“Mỗi lần nhớ lại chuyến tác nghiệp đó, tôi vẫn còn run. Lúc đó chắc mặt tôi cắt không còn hột máu. May mà lúc chạy tôi chui vào nhà mấy chị mua đồng nát, lỡ vào phải nhà khác thì không biết như thế nào. Sau vụ đó, tôi bị sốc hàng tuần liền”, Thu Hồng chia sẻ.

Xã hội - Nữ sinh báo chí 'dấn thân' tác nghiệp và cạm bẫy
Nữ sinh báo chí đi làm thêm thường phải đối mặt với những nguy hiểm, cạm bẫy trực chờ.

H.M, cộng tác viên của nhiều tờ báo, lại gặp phải một tình huống trớ trêu khác. M có bài báo viết về đám cưới của một “hot girl” đăng trên một trang báo điện tử. Rắc rối bắt đầu khi bố của cô dâu trong bài viết, vốn là một người “có máu mặt” và không thích chuyện gia đình mình xuất hiện trên mặt báo, xem được bài báo đó. Liên tục mấy đêm liền, các cú điện thoại chửi bới và đe dọa dồn dập khiến M vô cùng hoảng hốt và sợ hãi. Sau lần đó, M cho biết: “Chắc em không dám viết những bài báo về hot girl nữa. Em sẽ quay về viết các đề tài học đường như trước kia cho an toàn”.

Niềm tin bị tổn thương

Bên cạnh việc học cách làm báo, nhiều nữ sinh khi cộng tác viết bài với các báo cũng vì muốn có thêm đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc nhận những đồng tiền nhuận bút của các cộng tác viên này cũng suôn sẻ. Nhiều nữ sinh cho biết, một số tòa báo thường hay chậm, nợ nhuận bút nhiều tháng liên tục. 

“Có những bài viết của em được đăng từ giữa năm ngoái, nhưng đến tận bây giờ vẫn chưa nhận được nhuận bút. Thắc mắc với tòa soạn thì họ cứ nói sẽ trả trong thời gian sớm nhất. Nhưng họ cứ hẹn, cứ khất mãi, đến giờ là nửa năm rồi mà tiền chưa thấy đâu. Đây là công sức lao động của em, chứ có phải đi xin đâu”, nữ sinh tên Phương bức xúc.

Cũng về chuyện nhuận bút, Phượng (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) than thở: “Vì bài khó được đăng nên mỗi tháng em cũng không được nhiều tiền nhuận bút. Mức nhuận bút đã thấp thì chớ, mỗi lần lĩnh tiền em còn bị trừ 10% tiền thuế, có nơi còn trừ tới 20% vì em không có mã số thuế cá nhân. Thế nên, lúc cầm tiền về chẳng còn bao nhiêu. Nhiều lúc nghĩ cũng nản”.

Một số nữ sinh chia sẻ, nhiều lần họ còn bị “ăn cướp” ý tưởng, công sức một cách trắng trợn. Nhiều đề tài, bài viết mang ý tưởng mới, phát hiện của họ khi gửi tới tòa soạn bị từ chối. Nhưng ngay hôm sau, bài báo do phóng viên của báo thực hiện với các nhân vật, cách triển khai y hệt của cộng tác viên lại xuất hiện trên báo.

T.N (Học viện Báo chí) cho biết: “Một vài lần em bị ăn cắp ý tưởng như thế. Em thắc mắc với tòa soạn thì họ bảo ai dám chắc đề tài này chỉ mình em biết, rồi lúc em gửi bài thì phóng viên của báo đang thực hiện rồi. Em hỏi lại nhân vật của em thì được biết chưa hề có người của báo kia đến hỏi han, gặp gỡ để viết bài”.

Sau vài lần bị nợ nhuận bút quá lâu hay tòa soạn có dấu hiệu không đứng đắn với cộng tác viên, nhiều nữ sinh cho biết sẽ không tiếp tục cộng tác với báo đó nữa.

Cạm bẫy rình rập

Có một người thầy hay anh, chị trong nghề hướng dẫn, chỉ bảo cách làm báo là mong muốn của nhiều sinh viên làm báo. Nhưng không phải ai cũng có may mắn gặp được người hướng dẫn tốt, nhiều người còn không may gặp phải “người thầy” không đứng đắn.

Đ.P, phóng viên tập sự tại một tờ báo, cho biết: “Sau nhiều lần gửi bài viết và được đăng, em xin làm phóng viên tập sự tại một tờ báo ở Hà Nội với mong muốn được tiếp xúc nhiều hơn với môi trường báo chí chuyên nghiệp. Em được tòa soạn phân công đi theo một anh phóng viên kỳ cựu của báo để hỗ trợ và học hỏi. Nhưng nhiều lần đi công tác, mặc dù gần như tất cả các công việc như chụp ảnh, lấy thông tin, rồi viết thành bài đều do em làm nhưng khi bài được đăng thì đều lấy tên anh phóng viên kia, nhuận bút anh ta cũng nhận hết. Khi em hỏi thì anh ta nói thẳng rằng em chỉ là giúp việc của anh ta, được cho đi cùng viết bài là tốt lắm rồi, mới động chạm đến tý quyền lợi đã kêu ca”.

Một nữ sinh (xin giấu tên) chia sẻ câu chuyện khiến nhiều người giật mình. Nữ sinh này chia sẻ câu chuyện mà mình và một số bạn nữ cùng lớp đã trải qua. Theo lời kể của cô, một nhà báo là cán bộ một tờ báo lớn được mời đến giao lưu, nói chuyện với lớp cô. Sau buổi đó, nhà báo này lấy danh sách lớp và liên hệ với một số bạn nữ trong lớp với lời đề nghị nhận các bạn này làm phóng viên tập sự tại báo ông ta đang làm việc. Cơ hội không thể tốt hơn để vừa học viết, vừa có thêm thu nhập nên các bạn nữ trên đồng ý.

Các bạn sinh viên được nhà báo kia hứa hẹn chỉ dẫn từ công việc nhỏ nhất trong nghề báo, đến cùng đi công tác, tác nghiệp, được giao làm những đề tài hay… Tất cả đều tin tưởng sự nỗ lực của mình sẽ được đền đáp xứng đáng, sẽ được làm nghề một cách thực sự.

Nhưng rồi, những gì nhận lại chỉ là sự thất vọng. “Công việc nhỏ nhất trong nghề báo” mà các bạn thường xuyên làm là dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp tài liệu, đánh máy văn bản không công và nhiều công việc dạng “quét nhà, pha trà” cho nhà báo kia. Còn cơ hội “tác nghiệp” thì lại là mắt thấy tai nghe những góc tối, những con đường vòng không mấy quang minh của một số người làm báo.

Không dừng lại ở đó, trong một số chuyến công tác ngoại tỉnh, dài ngày, nhà báo kia còn gạ tình nữ sinh đi cùng. Nhóm nữ sinh sau lần đó đã nhanh chóng tránh xa nhà báo không đứng đắn này.

“Đó thực sự là một cú sốc lớn trong bước đầu đặt chân vào nghề báo của tôi và mấy bạn nữ kia. Một sự việc tôi không muốn nhắc lại nhưng thật khó để quên đi”, nữ sinh trong câu chuyện trên cho biết.

Theo Tri thức trẻ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.