Trước đó, sự việc bạo lực học đường này xảy ra từ ngày 23/3, sau khi tan học, cán bộ, giáo viên và học sinh trong trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) hầu như đã về hết, một nhóm học sinh có chủ ý ở lại và đóng cửa lớp để đánh một nữ sinh tên Y.. Đáng nói, nhân viên bảo vệ nhà trường cũng không hay biết sự việc, trong khi đoạn clip ghi lại, Y. khóc lóc, gào thét còn nhóm nữ sinh kia chửi bới.
Quan điểm của lãnh đạo sở GD&ĐT Hưng Yên là làm rõ sự việc, xử lý nghiêm sai phạm, giải quyết dứt điểm, đúng người, rõ trách nhiệm. Ông Nhữ Mạnh Phong, Hiệu trưởng trường THCS Phù Ủng bị tạm đình chỉ trong 15 ngày (từ ngày 1/4), thay giáo viên chủ nhiệm, đồng thời đình chỉ học 1 tuần với 5 học sinh vi phạm.
Tuy nhiên, được biết, nữ sinh Y. không phải lần đầu tiên bị bắt nạt. Thậm chí, khi được hỏi về lý do để học sinh làm vậy ngay trong trường và không khóa cửa phòng học sau giờ học, Hiệu trưởng trả lời vô cảm. Để xảy ra vụ việc như vậy trong thời gian dài, Hiệu trưởng chỉ bị đình chỉ công tác trong 15 ngày được dư luận cho là quá nhẹ nhàng.
Bày tỏ quan điểm trước sự việc trên, ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương, giảng viên khoa Công tác xã hội, đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: “Có thể nhìn thấy ngay biểu hiện quan liêu của thầy Hiệu trưởng trường THCS Phù Ủng. Bạo lực học đường diễn ra ngay trong lớp, trong trường chính là một vụ việc vô cùng nghiêm trọng.
Đã vậy, tình trạng này lại tiếp diễn trong một thời gian dài mà không bị xử lý, Hiệu trưởng quá vô trách nhiệm, không quan tâm đến công tác quản lý, chăm lo cho môi trường học đường, đời sống của học sinh và các hoạt động diễn ra trong học đường. Hiệu trưởng không thể trốn tránh trách nhiệm”.
“Cần phải tăng cường sự quan tâm, quản lý trong môi trường học đường, tăng cường tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, đặc biệt là ở “lứa tuổi nổi loạn”, tuổi dậy thì. Phụ huynh cũng cần quan tâm hơn đến con cái để ngăn chặn, kiểm soát những biểu hiện nổi loạn.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm cũng chưa phát huy được, chưa đủ quan tâm, sát sao đến học sinh, nên tạo kẽ hở cho những hành vi xấu.
Tuy nhiên, trách nhiệm của Hiệu trưởng cũng không hề nhỏ, việc quản lý hoạt động chung của toàn trường, quản lý học sinh, quản lý nhân viên trong trường,… cũng không thể nói nhẹ một câu không biết mà xong”, ThS. Phương nhấn mạnh.
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam cũng không khỏi bức xúc trước sự việc trên: “Tôi còn không dám xem những hình ảnh được lan truyền đó, “bê bối” liên miên, hết vụ này đến vụ khác.
Các vụ bạo lực học đường, nam sinh đánh nhau đã đáng lo, mà nữ sinh đánh nhau lại phản cảm hơn nhiều. Những người làm giáo dục lâu không thể chịu được những hành động đó trong môi trường học đường.
Vậy mà, Hiệu trưởng trường THCS Phù Ủng để cho tình trạng diễn ra trong một thời gian dài lại bảo không biết, mà khi nghe báo cáo rồi lại có ý muốn “bưng bít”. Một người lãnh đạo gương mẫu phải biết tự nhận lỗi, vậy mà ông ấy lại muốn che giấu trước đã. Điều đó chứng tỏ một người quản lý không tốt trong môi trường giáo dục”.
“Theo tôi, tôi chỉ muốn đuổi việc luôn Hiệu trưởng đó, chứ không phải chỉ là tạm đình chỉ trong 15 ngày.
Dư luận phải lên tiếng thật gay gắt, để thứ nhất, bản thân Hiệu trưởng đó nhìn nhận được trách nhiệm của mình. Và thứ hai, các nhà quản lý, lãnh đạo trong môi trường giáo dục khác nhìn vào, rút kinh nghiệm, không để xảy ra những trường hợp tiêu cực tương tự nữa. Những sự việc như thế này cứ liên tiếp xảy ra khiến giáo dục chỉ toàn hiện lên những hình ảnh xấu xí, mà vẫn chưa có giải pháp chặn đứng, loại trừ tận gốc”, GS.TS Phạm Tất Dong khẳng định.