Tuần qua, nữ sinh Phạm Thị Thanh, hiện đang là sinh viên năm 3 ngành An toàn thông tin, Học viện Kĩ thuật Mật mã đã mạnh dạn đặt câu hỏi cho các khách mời trong buổi tọa đàm hướng nghiệp dành cho sinh viên trong trường đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của đông đảo mọi người.
Trong rất nhiều câu hỏi của các sinh viên, phần “chất vấn” khách mời của nữ sinh Phạm Thị Thanh với ý kiến “Em phải học thế nào để lương khởi điểm 2.000 USD/ tháng?” đã nhận được rất nhiều bình luận trái chiều của cộng đồng mạng.
Trước rất nhiều những ý kiến chỉ trích của dư luận. Mới đây, PV Báo Người Đưa Tin đã liên hệ với nữ sinh Phạm Thị Thanh để nghe cô nữ sinh chia sẻ về câu hỏi làm “dậy sóng” dư luận này.
Bày tỏ về lý do đặt câu hỏi, Phạm Thanh cho hay: “Câu hỏi của mình đã suy nghĩ từ trước đây và khi nhận được thông tin ở trường có tổ chức tọa đàm hướng nghiệp cho sinh viên vì thế mình đã quyết định hỏi các diễn giả”.
Kể từ khi đưa ra câu hỏi trên, Phạm Thanh cũng đã suy nghĩ rất kỹ. Bởi cô biết vấn đề nào khi được đưa ra dù là nhỏ nhất cũng sẽ có nhiều luồng dư luận trái chiều. Thế nhưng thay vì để thắc mắc trong đầu cô gái này đã mạnh dạn đứng lên, đi tìm câu trả lời.
Phản bác lại ý kiến nhiều cư dân mạng cho rằng cô nữ sinh này đang ảo tưởng, Phạm Thanh phân tích: “Nếu nhìn mặt bằng chung về lương ở các ngành nghề Việt Nam thì con số 2000 USD là rất cao. Mình cũng đã chia sẻ trong một số phỏng vấn, hiện tại mình đang là sinh viên năm 3, bắt đầu học một số môn học về chuyên ngành an toàn thông tin, mong muốn được biết doanh nghiệp cần gì ở sinh viên, cần gì ở các kỹ sư chất lượng cao sau này. Sinh viên cần chủ động bên cạnh việc học nên đi làm thêm để biết được công việc sau khi tốt nghiệp sẽ như thế nào.
Những sinh viên có sự chủ động như vậy, hoàn toàn có thể nhận được mức lương cạnh tranh. Một doanh nghiệp hoàn toàn có thể tuyển 1 kỹ sư chất lượng cao năng suất cao hơn là trả tiền một nhóm những kỹ sư chất lượng thấp. Điều này còn tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy mọi người làm việc tốt hơn. Nên bài toán quản lý nhân sự mình nghĩ là bài toán cốt lõi”.
Khi PV hỏi cá nhân Thanh có tự tin rằng mình ra trường có thể làm được với mức lương 2000 USD hay không, Phạm Thanh trả lời đây là một câu hỏi mà cô vẫn bỏ ngỏ. Thế nhưng nếu bản thân có mục tiêu phấn đấu và quyết tâm với mục tiêu đó thì không chỉ có cô mà còn rất nhiều bạn có thể sẽ làm được.
Khi được hỏi về con số 2000 USD/tháng, những người đã từng đi làm hoặc đang làm việc tại các công ty đều lắc đầu, họ cho rằng mức lương đó chỉ tầm cỡ giám đốc doanh nghiệp hoặc các công ty lớn mới có thể đạt được. Phản bác lại suy nghĩ này, Phạm Thanh cho biết thêm: “Đó là vì họ đang tư duy áp đặt. Chính vì các công ty dựa vào nhau để đưa ra mức lương cạnh tranh và nói rằng đó là mức lương mặt bằng mà họ quên rằng phải đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu. Các công ty luôn muốn lợi nhuận cao, nhưng chi trả cho nhân viên lại rất thấp. Thay vì vậy, các công ty hãy xem lại cách thức quản lý quỹ lương, quản lý con người.
Bản thân mình chia sẻ vấn đề này trong buổi tọa đàm là muốn biết mình phải làm gì, học gì để trau dồi thêm cho bản thân những kỹ năng cần thiết. Từ đó có quyền thỏa thuận mức lương như mong muốn”.
Được biết, ngoài thời gian lên lớp, Phạm Thanh còn đang làm quản lý nhân sự cho một trung tâm tại trường. Vừa làm vừa đảm bảo việc học và tham gia các khóa học về chứng chỉ tin học quốc tế để bổ sung kiến thức.
Với Phạm Thanh, cô tin rằng mỗi người đều có mục tiêu phấn đấu: “Nếu có quyết tâm cao độ và sự nhiệt thành của tuổi trẻ, nhất định thành công sẽ chờ ta phía trước. Cho dù có đạt được đúng như ta mong đợi hay không thì ít ra chúng ta cũng không cần phải hối hận vì đã để thời gian trôi qua một cách phí hoài”.
Chia sẻ thêm về những dự định sắp tới, Phạm Thanh cho biết cô mong muốn trở thành một kỹ sư an toàn thông tin chất lượng cao, làm được nhiều điều có ích cho xã hội.
Thanh Lam – Công Luân