Gia đình quá nghèo, nữ sinh từng nghỉ học
Mấy ngày nay, rất đông người dân bản Kẽm Đôn, xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An đã đến căn nhà sàn đơn sơ để chúc mừng nữ sinh Vi Thị Thảo vừa đỗ Trường đại học Y Hà Nội phân hiệu Thanh Hóa.
Bản Kẽm Đôn có hơn 60 hộ người Thái. Cuộc sống khó khăn do quanh năm bám mặt vào đồng ruộng, nương rẫy. Thậm chí, nơi đây đi ra trung tâm huyện Quế Phong phải mất 2-3 tiếng chạy xe máy.
Do quá nghèo nên trẻ em học hết lớp 9 hầu hết bỏ đi làm công nhân, đến nay mới có 4 người vào đại học tính cả Vi Thị Thảo. Trong đó, nữ sinh này là người con đầu tiên của bản nghèo này đỗ vào ngành Bác sĩ Đa khoa, Trường đại học Y Hà Nội phân hiệu Thanh Hóa.
Vi Thị Thảo chia sẻ, em là chị cả trong gia đình 3 chị em. Để nuôi 3 chị em Thảo ăn học, hàng ngày bố mẹ Thảo phải qua nước bạn Lào mưu sinh. Thế nhưng, cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng. Bao năm cố gắng làm ăn nhưng gia đình Thảo vẫn chưa thoát nghèo.
Sống trong cảnh thiếu thốn, nhiều lúc chậm tiền học phí, những năm THCS, Thảo cũng từng định hết lớp 9 sẽ nghỉ để đi làm thuê, nhường cơ hội cho các em. May mắn thời điểm đó thầy chủ nhiệm đã phát hiện ra ý định của cô học trò nhỏ và hết lời khuyên nhủ.
"Thầy nói nếu em nghỉ học, bố mẹ sẽ càng khổ hơn. Thay vào đó, em cần phấn đấu học thật tốt để sau này đỡ đần gia đình, làm gương cho các em. Vì vậy em đã suy nghĩ lại và nỗ lực hơn trong học tập", Thảo nói.
Vì vậy, học hết cấp 3, Thảo thi đỗ vào trường phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An. Trong 3 năm, Thảo luôn nằm trong tốp đầu của lớp. Năm lớp 12, được trường chọn đi thi học sinh giỏi tỉnh môn Vật lý nhưng Thảo xin không tham gia, bởi sợ tập trung cho kỳ thi sẽ mất cân bằng với các môn khác.
Học đại học xong sẽ về cống hiến cho quê hương
Thực ra, Đại học Y Hà Nội không phải lựa chọn đầu tiên của nữ sinh này. Nguyên do là thấy gia đình quá nghèo, Vi Thị Thảo lo sợ sẽ không đủ tiền học phí. Công an và sư phạm mới là các ngành Thảo nghĩ đến đầu tiên, bởi các trường này được học miễn phí, thậm chí ra trường cũng sẽ có việc làm ngay.
"Sau khi tìm hiểu, em thấy trường nơi đăng ký theo học có chế độ miễn học phí 100% cho con em hộ nghèo, nên em chọn theo đuổi giấc mơ bác sĩ. Hơn nữa, bà nội em cũng hay bệnh nên em muốn trở thành bác sĩ để sau này có thể tự mình chữa bệnh cho bà", Thảo chia sẻ.
Nữ sinh này tâm sự, từ nhỏ, thấy ông bà thường xuyên đau ốm, phải nằm viện điều trị dài ngày. Vì vậy, sau khi học xong, chắc chắn em sẽ xin về quê để chữa bệnh cho người thân, giúp đỡ bản làng.
Thảo học đều các môn. Ngoài giờ lên lớp, em tranh thủ tự học sáng, trưa, chiều và tối. Ngoài ra, do trường cách nhà tới hơn 200km, vì vậy em chủ yếu ở lại ký túc xá, mỗi năm chỉ về thăm nhà 2-3 lần. Mặc dù nhớ nhà nhưng đây cũng là điều kiện để em chỉ tập trung vào việc học.
"Thực ra bí quyết học tập của em đều dựa vào sự nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ. Ở trên lớp, em tập trung lắng nghe và tiếp thu kiến thức thầy cô truyền đạt. Ban đêm, em đều thức đến 1-2 giờ sáng để học xong bài rồi mới ngủ", Thảo nói.
Và những nỗ lực của nữ sinh nghèo người Thái được đền đáp xứng đáng. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Vi Thị Thảo đậu Đại học Y Hà Nội, phân hiệu Thanh Hoá, với với 27,3 điểm (điểm chuẩn 26,67 điểm). Cũng vì vậy, em là một trong 7 học sinh dân tộc ít người có điểm thi khối KHTN cao kế cận được tỉnh Nghệ An tuyên dương.
Thảo cho biết, ngày xuống dự lễ tuyên dương của tỉnh, em được cả nhà "hộ tống" xuống chia vui. "Mẹ và các em của em chưa bao giờ được xuống Vinh nên tranh thủ dịp này đi cùng. Xuống đó, gia đình em tranh thủ đi thăm tượng đài Bác Hồ, thăm quê Bác", Thảo vui vẻ nói.
Cô Trần Thị Liên, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A1, trường phổ thông DTNT THPT số 2 Nghệ An cho biết, em Vi Thị Thảo là học sinh trầm tính, ít nói nhưng ở em có tinh thần chịu khó, rất ham học và nỗ lực vươn lên từng ngày. Em là học sinh ngoan, học đều các môn.
"Trong các đợt thi thử tổ chức ở trường, Thảo đều đạt điểm cao. Được UBND tỉnh tuyên dương và đỗ vào trường y là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực vượt khó của em", cô Trần Thị Liên cho biết.