Sành điệu với mi gân làm từ... lông ngựa
Không mất công phải đến tận các hiệu gội đầu, cắt tóc để làm dịch vụ nối, dặm lại mi, việc gắn mi giả khá đơn giản và được nhiều bạn gái lựa chọn. Ai cũng có thể thực hiện thao tác này bằng cách dán những sợi mi giả với chất liệu nhựa tổng hợp và lụa vào gốc của sợi mi thật bằng một thứ keo chảy màu đen, che khuất sợi mi thật, tạo cho người đối diện cảm giác về hàng lông mi dài rợp bóng.
Trên nhiều trang web làm đẹp và youtube.com còn có các clip hướng dẫn về thao tác dính mi giả nhanh, đơn giản. Do đó, lông mi giả được xem là một phụ kiện không thể thiếu trong các bước làm đẹp của nhiều bạn gái. Theo ghi nhận của PV báo ĐS&PL, mọi năm, mốt gắn mi giả chủ yếu sử dụng các loại mi giả bằng nhựa, được gọi là mi gân. Còn năm nay, mặt hàng mi bụi, mi cước "hút" khách hơn do độ mềm mượt và tự nhiên giống y như lông mi thật.
Thanh Phương, sinh viên đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, từ trước cô luôn tự ti vì mắt một mí, lông mi lại ngắn, cụt, bạn bè thường trọc ghẹo là "mắt bồ câu trâu con bay, con đậu", vì thế Phương rất ngại đến chỗ đông người, đi dự tiệc với bạn bè. Sau một thời gian nghiên cứu các "bí kíp" làm đẹp trên mạng, cô đã khám phá ra chiêu gắn lông mi giả. Nhờ có món "phụ tùng" này mà mắt của Phương thoạt nhìn to hơn, cũng hút hồn người đối diện hơn. Nhất là sau khi gắn lông mi giả, đánh mắt, kẻ mắt, Phương chụp ảnh, thấy mình "ăn hình" hơn hẳn. Lúc đó, Phương tha hồ "tự sướng", post ảnh lên facebook, cảm giác tự ti mất đi.
Tại một cửa hàng bán đồ trang điểm, làm đẹp trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội, trong vai một người có nhu cầu mua lông mi giả về làm đẹp để đi dự tiệc, tôi được chị Hoa (chủ cửa hàng) tư vấn và giới thiệu rất nhiều loại mi giả. Từ mi gân đến mi cước, mi gân đến mi bụi, mi hàng dưới.
Mỗi loại mi đều được đánh số để phân biệt tùy theo độ dài, ngắn khác nhau. Loại mi giả ngắn, vừa phải có thể dùng để trang điểm hàng ngày, còn loại mi dài hơn, dậm hơn dùng để đi dự tiệc, sinh nhật, đám cưới hoặc đi chơi buổi tối. So với mi gân, mi cước khi dính vào không lộ gốc mi giả, sợi dài vừa phải, dùng thường đẹp như mi nối thật!
Cách dán mi giả rất dễ gây tổn thương cho mắt.
Còn mi bụi là loại mi riêng rẽ từng hàng, khi dán mi phải chấm keo dán từng hàng mi vào gốc mi và dán từng sợi vào hàng mi dưới. Giá của một hộp mi gân khoảng 40.000 đồng (10 đôi), mi cước có giá cao hơn từ 70.000 đến 100.000 đồng. Mi bụi có giá 15.000 đồng /hàng. Ngoài ra còn có những loại mi siêu dài và siêu dày với nhiều hình dáng cầu kì khác nhau, được teen nữ yêu thích.
"Loại mi cước là mốt mới của năm nay, nhiều bạn gái mua lắm, dùng rất yên tâm, vừa đẹp vừa tự nhiên. Mi lại chắc chắn không lo rơi rụng. Đây là hàng thủ công làm bằng tay của Sài Gòn, được xuất khẩu sang Mỹ. Mi giả được làm bằng tóc và lông ngựa 100%, sờ mềm mại y như thật", chị Hoa cho biết. Đi kèm với các loại mi giả là các loại keo dán mi, thịnh hành nhất là keo đen và keo trong suốt. Cũng theo quảng cáo của chị Hoa, đây là loại keo ngoại, nhập từ Hàn Quốc, Mỹ... Loại keo trong thì dán lên trong suốt, còn loại keo đen thì khi keo khô sẽ có màu đen tạo cảm giác như đang kẻ mắt. Loại keo này có giá từ 20.000 - 30.000 đồng /lọ.
Chị Phương Lan (Đống Đa, Hà Nội) - một khách hàng đang chọn mua mi giả cho biết, mấy năm trước chị hay mua loại mi gân nhưng năm nay chị dùng thử mi cước và mi bụi thấy có vẻ đẹp và tự nhiên hơn hẳn. Mi bụi thì dán rất khó, phải chấm keo vào từng hàng mi rồi dán lên trên mi thật nhưng làm nhiều thì sẽ dần quen. Khi được hỏi về chất lượng của các loại mi giả, keo dán, chị Lan tỏ ý không mấy quan tâm vì dán cẩn thận chắc sẽ không sao, miễn đẹp là được.
Mua một lọ keo đen made in USA (Mỹ) và hai hộp mi gân, mi cước, phóng viên đều thấy trên lọ keo cũng ghi chằng chịt tiếng Anh, tiếng Trung lẫn lộn mà không có tên nhà phân phối sản phẩm và hướng dẫn sử dụng, chỉ định dùng cho đối tượng nào... Hai hộp mi giả cũng không đề rõ xuất xứ, mặc dù được quảng cáo là hàng gia công của Sài Gòn nhưng không hề có một dòng tiếng Việt.
Mắt chưa kịp long lanh đã...viêm bờ mi
Làm đẹp mắt để có đôi mắt to tròn, long lanh, nhiều bạn gái đã dùng phụ kiện để trang điểm mắt hàng ngày. Thế nhưng, không ít bạn gái khi làm đẹp không quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, những loại keo và mi giả này tiềm ẩn nguy cơ viêm mí mắt, làm rụng hàng mi thật. Nhiều loại keo khi gặp nước như đi trời mưa, rửa mặt hay đi biển thì keo rất dễ bong, lem nhem mắt. Nếu đưa tay dụi, vô tình đưa keo dán vào trong mắt, tạo điều kiện viêm mắt, hỏng giác mạc... Ngoài ra, khi những sợi mi giả cọ sát vào mắt, các bạn gái sẽ cảm thấy bị cộm và hơi ngứa, gây tổn thương cho mắt.
Chị Thanh Hà (Hàng Đường, Hà Nội) ngậm ngùi kể lại, sau một thời gian chăm chỉ dùng các loại "phụ tùng" này để trang điểm khi ra ngoài đường, mắt chị có dấu hiệu cộm, ngứa rất khó chịu. Mỗi lần tháo mi giả, hàng lông mi thật cũng theo mi giả... ra đi dần dần. Mắt còn bị sưng tấy, đỏ, đến bệnh viện Mắt Trung ương khám, bác sĩ chẩn đoán bị viêm bờ mi.
"Ban đầu khi dán mi giả lên, thì mắt đẹp thật nhưng mắt càng ngày càng khó chịu, mi thật thì rụng lả tả, ngắn cũn. Bây giờ ra đường phải đeo kính kín mít vì lông mi trụi hết, đôi mắt trống hơ trống hoác như... mắt gà. Chẳng biết bao giờ, hàng mi mới mọc lại như cũ", chị Hà lo lắng.
Bác sĩ Hoàng Cương, bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, tại bệnh viện có không ít trường hợp nhập viện do viêm bờ mi, viêm giác mạc... vì sử dụng lông mi giả. Lông mi thật có khoảng 2 đến 3 hàng, tổng số cả mi trên và mi dưới từ 80 - 120 chiếc. Không chỉ có chức năng thẩm mĩ, lông mi còn giúp chắn gió, bụi, ngăn cản mồ hôi, nước mưa khỏi lao thẳng vào mắt. Lông mi cũng như nang lông ở các vị trí khác trên cơ thể có cấu trúc sừng, không thấm nước. Mỗi nang lông có cơ vòng rất nhỏ bao quanh nhằm dựng lông đứng thẳng, chân lông mi có chất tiết nhiều lipid để bôi trơn lông mi, tránh thấm nước.
Trong lòng lông mi còn có một vi mạch bé xíu để nuôi dưỡng lông mi. Lông mi mọc dài quá, rậm quá, sai hàng lối cũng gây bệnh cho mắt. Ngược lại lông mi thưa, rụng do nhiễm nấm, ký sinh trùng, do tia xạ hay bệnh toàn thân cũng là tình trạng bệnh lý.
Bác sĩ Cương cũng bày tỏ lo ngại, keo dán lông mi đó có phải là keo sinh học hay không? Nếu không, chất keo sẽ giúp tích tụ bụi bẩn, giúp vi sinh vật gây bệnh phát triển, gây kích ứng cho mắt. Keo sinh học khá đắt tiền, có bản chất là fibrin, collagene, hystoacryl không có cái giá 20 đến 30.000 đồng/lọ.
Do đó, nếu các công đoạn dán mi hoặc các "phụ tùng" dùng cho việc trang điểm lông mi không đảm bảo có thể gây nhiễm độc nang lông, mất chất mỡ bóng của lông mi, gián đoạn tuần hoàn lông mi. Hậu quả là sẽ gây rụng lông mi nhất thời hoặc vĩnh viễn. Bên cạnh đó, các bạn gái rất có thể nhiễm thêm các bệnh thường có trên bờ mi như: Viêm bờ mi do cầu khuẩn, ký sinh trùng, tắc và loạn chức năng các tuyến đổ ra bờ mi.
Theo bác sĩ Cương, do việc mi giả được gắn thẳng vào mi thật nên chỉ cần có tác động từ bên ngoài như dụi mắt thì rất dễ rụng cả mi thật cũng như mi giả, khiến nhiều trường hợp rụng toàn bộ lông mi, trông rất phản cảm. Sau khi nối, mi mắt có cảm giác trũng mắt, khó chịu khi nhắm mở mắt vì mi thật phải "cõng" thêm hàng mi nối.
Nếu lỡ tay dụi vào mắt khi keo chưa khô sẽ khiến keo bị dính vào niêm mạc, nhẹ hơn là gây cay, chảy nước mắt, dị ứng ngứa đỏ mắt, nặng hơn có thể bị viêm mi mắt.
Ngân Giang