Nữ sinh nghèo hiếu học
Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 đã cận kề, cánh cửa các trường đại học rộng mở chờ đón các tân sinh viên. Thời điểm này, hầu hết các sĩ tử đang chung tâm trạng lo lắng, hồi hộp “vượt vũ môn” mở ra cánh cửa mới để theo đuổi hoài bão, ước mơ của cuộc đời.
Với em Đặng Thị Huế, dân tộc Dao, học sinh lớp 12B1, Trường phổ thông dân tộc Nội trú huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, cũng vậy. Huế cũng áp lực thi cử, cũng có ước mơ, hoài bão, dự định của riêng mình. Thế nhưng, nỗi sợ lớn nhất của Huế, sau kỳ thi, dù kết quả thế nào ước mơ của em đành phải gác lại vì hoàn cảnh gia đình.
Cha Huế đã nói: “Học hết lớp 12 thôi con nhé”. Câu nói của cha đã khiến Huế bao đêm lặng lẽ khóc một mình. Huế khóc, khóc vì thương cha mẹ, thương các em, thương cho hoàn cảnh gia đình mình quá đỗi khó khăn. Huế cũng khóc cho riêng mình vì đành phải gác lại ước mơ, hoài bão của đời.
“Dẫu biết rằng phải có cái chữ, phải có kiến thức, tương lại mới thoát khỏi cái nghèo, cái đói được. Thương con lắm, muốn con mình được bằng bạn bằng bè, nhưng gia đình không có điều kiện đành phải chịu thôi biết làm sao được”, câu nói của cha Huế khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.
Căn nhà nơi đại gia đình Huế đang sinh sống được một công ty cao su cho ở nhờ, nằm lọt thỏm trong rừng sâu. Nói là nhà cho sang thực chất chẳng khẳng khác gì một túp lều tạm bợ, trống trước ở sau, cứ rung lên bần bật mỗi khi gió lùa về.
Ông Đặng Văn Viện (SN 1979, cha Huế) kể, cuộc sống ở tỉnh Lào Cai rất khó khăn vất vả gia đình khăn gói tay nải vào tỉnh Đắk Lắk sinh sống, lập nghiệp. Thế nhưng, ở vùng đất mới cuộc sống chẳng khấm khá hơn ở quê là bao, ba năm sau cả nhà một lần nữa đánh cược với số phận dắt díu nhau qua xã biên giới Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum với mong muốn ổn định.
Nơi đây, không người thân thích cũng chẳng có mảnh đất cắm dùi nên ông Viện mượn căn nhà nhỏ của công ty cao su để che nắng, che mưa. Vùng đất biên giới khô cằn, khắc nghiệt nắng như đổ lửa, mưa như trút nước. Những hôm mưa bão nhà ngập lênh láng nước cả gia đình bảy người co ro ngồi quây quần lại một góc.
Theo ông Viện, bởi hoàn cảnh khó khăn hai vợ chồng ông làm quần quật nuôi năm đứa con, những ngày mưa bão phải chạy ăn từng bữa. Thương cha mẹ vất vả, lần lượt anh trai, chị gái và Huế nghỉ học đi làm thuê kiếm tiền nuôi hai em nhỏ đến trường.
Huế tâm sự: “Học xong lớp 9, nhà nghèo phải chạy ăn từng bữa nên cha nói em nghỉ học. Hằng ngày em theo cha mẹ đi cạo mủ cao su, làm nương rẫy. Những hôm mủ nhiều, em phải thức dậy từ đi làm từ 2h đến 8h sáng. Sinh sống ở xã khó khăn biên giới nên việc làm chẳng dễ kiếm. Khi không có người thuê em đi bẻ măng, hái nấm Linh Chi để bán kiếm tiền”.
“Đó là lần đầu tiên em đi làm thuê để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nên công việc có phần vất vả. Em chỉ biết động viên bản thân cố gắng để lo cho hai người em ăn học. Thấy các bạn đồng trang lứa được đến lớp học em buồn và tủi thân lắm. Nhiều tối em bật khóc vì cổng trường học ngày càng xa mình, nhưng không dám kể với cha mẹ. Bởi em không muốn cha mẹ phải buồn và khổ thêm”, nói rồi Huế lau vội giọt nước mắt lưng tròng.
Mơ về giảng đường đại học
Sau một năm, cuộc sống của gia đình dần ổn định cha Huế biết con ham học, quyết định cho em quay trở lại trường học chữ. Nghe cha nói sẽ được đi học, nữ sinh vỡ oà hạnh phúc, ôm chầm người thân, nức nở khóc.
Trở lại trường, nữ sinh không ngại vì từng nghỉ học để đi làm thuê, Huế chỉ sợ bản thân sẽ không tiếp tục được đến lớp. Trong suy nghĩ của Huế, chỉ có con đường học mới có thể bước ra khỏi cánh rừng, thoát khỏi đói nghèo và giúp đỡ được cha mẹ. Sau một thời gian học, từ bỡ ngỡ, lạ lẫm Huế dần quen với trường lớp, theo kịp kiến thức so với các bạn. Ở trường nội trú nhưng mỗi cuối tuần nữ sinh lại về nhà phụ cha mẹ làm nương rẫy.
Điều kiện thiếu thốn, lại thấy cha mẹ vất vả nên Huế luôn cố gắng học tập. Nhiều năm liền, Huế luôn là học sinh Khá, Giỏi của trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Sa Thầy. Vừa qua, nữ sinh Đặng Thị Huế xuất sắc đoạt được giải Ba trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học. Bên cạnh đó, nữ sinh còn đạt học sinh giỏi cấp huyện và giải Khuyến khích cuộc thi Tìm hiểu về Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, sáng kiến về phòng chống tác hại thuốc lá trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Kon Tum.
Cố gắng, nỗ lực trong học tập, nhưng nữ sinh lại luôn nhớ đến lời cha “học hết lớp 12 rồi nghỉ con nhé, bởi cha mẹ chẳng đủ điều kiện để lo cho con học đại học”. Thấu hiểu hoàn cảnh éo le của gia đình, không muốn làm khổ cha mẹ, nữ sinh nghĩ đến việc sau khi tốt nghiệp lớp 12 sẽ không học đại học mà đi làm thuê.
“Gia đình em chưa có nhà, vẫn đi ở thuê và có thể phải rời đi bất cứ lúc nào. Dù rất mong được học Đại học để sau này trở thành Luật sư bào chữa cho những hoàn cảnh khó khăn, gặp điều bất bình. Thế nhưng, miếng ăn hàng ngày cha mẹ còn chật vật xoay sở nên em chẳng dám ích kỷ nghĩ đến ước mơ cho riêng mình”, Huế chia sẻ.
Thầy A Wũ, Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc Nội trú huyện Sa Thầy cho biết: “Huế luôn là học sinh khá, giỏi của trường. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng nữ sinh rất chuyên cần, nỗ lực và đạt được nhiều thành tích cao trong học tập. Nhà trường cũng thường xuyên kêu gọi nhà hảo tâm và ưu tiên các suất học bổng, phần quà để động viên em vượt khó, vươn lên trong học tập”.
Sa Thầy lúc này, hoa phương nở, đỏ rực một góc trời. Tiếng ve kêu râm ran một mùa hè nữa lại đến, một chuyến đò nữa lại sắp qua sông. Thật chạnh lòng, cô học trò nhỏ nhắn, hiếu học, sắp phải gác lại ước mơ, hoài bão vì cơm áo gạo tiền. Dù là vậy, chúng tôi, chúc cho em đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới. Hy vọng rằng sẽ có “kỳ tích” một mạnh thường quân nào đó thấu hiểu, đồng hành, tiếp bước em được đến trường…