Nữ sinh trường báo vượt lên nghịch cảnh

Nữ sinh trường báo vượt lên nghịch cảnh

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

Bố mất vì căn bệnh ung thư quái ác, hai năm sau đó người anh trai của Gấm cũng đột ngột qua đời. Ngày đỗ đại học, em phải giấu mẹ giấy báo nhập học vì khoản tiền phải đóng quá lớn, ngoài sức của gia đình.

Chồng chất nỗi đau

Bố mẹ Hoàng Thị Gấm cùng làm công nhân trên nông trường Lục Yên, Yên Bái những năm đi xây dựng kinh tế mới, rồi gặp và nên duyên vợ chồng. Sau đám cưới, hai người bỏ nông trường về quê chồng lập nghiệp tại xã Khánh Thượng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Lần lượt bốn anh chị em Gấm ra đời, nhưng không may người anh cả (SN 1983) bị bệnh động kinh. Làm được đồng nào bố mẹ Gấm đều dành dụm lo chạy chữa cho anh, vì thế mà kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ. Ngày phát hiện bố mắc bệnh ung thư gan, gia đình Gấm biết lấy đâu ra tiền lo chạy chữa thuốc thang cho bố.

"Vái tứ phương" chạy chữa cho anh, thì đó cũng là những ngày gia đình Gấm không một ngày dư dả. Trong khi đó, nguồn thu chính của gia đình phụ thuộc vào cây lúa, con lợn, con gà, muốn có tiền phải chờ đến vụ thu hoạch, lợn xuất chuồng, gà đủ cân.

Năm 2004, sau một năm chống chọi với bệnh tật, cha của Gấm qua đời. Biết ngày "đen tối" ấy rồi cũng sẽ đến, nhưng với gia đình Gấm, đặc biệt người mẹ, xen lẫn nỗi buồn là sự lo lắng cho tương lai của các con sau này. Ai sẽ gánh vác, chia sẻ và bảo ban đứa con gái học lớp 6, đứa con trai út còn đang học lớp 2 nên người và chuyện học hành sẽ ra sao. Nỗi đau mất người cha chưa nguôi ngoai, thì một tin sét đánh lại ập xuống gia đình Gấm, người anh trai thứ hai xuất gia đã đột ngột qua đời vì cảm. Một không khí ảm đạm và thê lương bao trùm lên căn nhà nhỏ, không có vật dụng gì đáng giá của gia đình Gấm.

Thương mẹ vất vả và phải chịu quá nhiều nỗi đau, trong suy nghĩ của cô học trò lớp 8 rằng sẽ nghỉ học đi làm phụ giúp nuôi em ăn học và trả nợ. Gấm không thể để mẹ phải lo lắng và vất vả hơn nữa vì mình. Bởi vậy, nhiều lần Gấm xin nghỉ học để em trai được học hành đến nơi đến chốn, không vì sự ích kỷ của bản thân để em phải dang dở học hành.

Tuyệt vọng, chán nản và bi quan về cuộc sống, nhiều lúc Gấm chỉ muốn buông xuôi tất cả, nhưng bằng tình thương và nghị lực phải sống để nuôi các con nên người, mẹ an ủi và động viên chị em Gấm "dù thế nào các con cũng phải gắng mà học, bởi chỉ có con đường học mới thoát khỏi cái nghèo, cái đói". Câu nói của mẹ và những lời động viên của thầy cô giáo, bạn bè đã giúp em lấy lại được thăng bằng và xua đi ý nghĩ nghỉ học để bước tiếp.

Pháp luật - Nữ sinh trường báo vượt lên nghịch cảnh

Chuyện đời và nghị lực tuyệt vời của cô nữ sinh trường báo khiến nhiều người xúc động

Biết hoàn cảnh gia đình mình hơn ai hết, được mẹ cho học hết cấp ba cũng là cố gắng lắm rồi. Với suy nghĩ sẽ nghỉ học hoặc nếu có học đại học phải học ở trường công an hay bộ đội. Qua tìm hiểu, Gấm được biết học các trường này em sẽ không phải lo chuyện ăn ở, học hành mà ra trường có việc ngay.

Tuy nhiên, trường Gấm nộp hồ sơ dự thi lại không tuyển nữ: "Lúc đó em buồn lắm, nhất định sẽ không thi đại học năm đó, chờ năm sau thi lại vào trường công an. Em không muốn thi vào các trường ngoài, bởi có đỗ mẹ cũng không thể lo cho em đi học. Hơn nữa, em không muốn vì mình mà em trai út phải nghỉ học. Mẹ khuyên em nên thi đại học năm đầu và dù phải vay mượn cũng lo cho em ăn học.

Em vẫn kiên quyết không thi đại học ngoài, khuyên không được mẹ mang sổ hộ khẩu của gia đình giơ trước mặt em bảo "nếu con không thi đại học năm nay, mẹ sẽ xé cuốn sổ hộ khẩu này, khi làm lại sẽ không có tên con. Mẹ không có người con như con". Chiều theo ý mẹ, em nộp đơn thi vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền".

Định bỏ học đại học vì nghèo

Ngày nhận giấy báo trúng tuyển của trường gửi về kèm theo số tiền phải nộp đầu năm lên đến gần 5 triệu đồng, Gấm đã giấu không đưa cho me. Biết con đỗ đại học mẹ Gấm mừng lắm, tự hào về đứa con gái từ nhỏ đã chịu thiệt thòi và thiếu thốn, vừa giúp mẹ đồng áng vừa học mà vẫn đậu đại học với điểm số cao. Số tiền nhập học quá lớn đối với gia đình, Gấm xin mẹ bảo lưu để đi làm dành tiền năm sau đi học hoặc sẽ thi lại vào trường công an. Để con yên tâm nhập học, mẹ Gấm đã bán thóc, bán gà và bán tất cả những gì có thể để lo cho em có tiền nhập học.

Sau cặp kính cận, đôi mắt Gấm nhòe đi, giọng nghẹn lại: "Ngày em lên trường nhập học, mẹ để tiền xe vào một ngăn, tiền nhập học vừa đủ riêng vào một ngăn. Còn tiền ăn, tiền phòng bác bên ngoại cho em 500 nghìn đồng. Ngày thi đại học và ngày nhập học, em một mình bắt xe lên Hà Nội, lo tiền cho mình em đi đã tốn kém rồi, hai mẹ con cùng đi thì tốn gấp đôi. Hơn nữa, mẹ còn phải chăm sóc anh cả, em út và công việc ở nhà. Cũng may, em có mấy người bạn cấp 3 cùng đỗ một trường nên em nhờ được các bạn cho ở cùng".

Ngày cô nữ sinh năm đầu lớp báo mạng K30, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đóng tiền nhập học xong, trong túi còn vỏn vẹn còn hơn 30 nghìn đồng. Bao nhiêu tiền gom được, mẹ đã gửi cho em hết nên không thể gọi điện về xin mẹ, mẹ lại thêm lo. Giữa Thủ đô, không người thân thích, anh em họ hàng, Gấm phải vay bạn bè để có tiền ăn, tiền phòng trọ. Gấm không làm đơn được ở ký túc xá vì ở đó không được nấu cơm, ăn cơm bụi ít nhất cũng 20.000 đồng một bữa, tính ra cả tháng cũng rất tốn kém.

Em chọn ở ngoài, vùng xa trung tâm thuê cho rẻ và ở ghép ba bốn người với nhau. "Phòng em trước kia ở ba người, nhưng tháng trước một người chuyển đi, hiện em đang ở cùng với một chị đã đi làm. Tiền phòng, tiền điện nước mỗi tháng mỗi chị em mất gần 500 nghìn đồng, trước kia ba người thì chỉ mất 300 nghìn đồng. Em ở khu này (PV - ga Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) xa trung tâm một chút và ra bến xe bus hơi xa, nhưng rẻ. Gạo mẹ em gửi từ quê ra nên ăn uống cũng không tốn lắm, có gì ăn nấy", Hoàng Thị Gấm chia sẻ.

Một tháng sau ngày nhập học, để có tiền trang trải, nữ nhà báo tương lai đã trải qua rất nhiều công việc nặng nhọc và vất vả khác nhau. Nửa buổi đi học, nửa buổi đi làm, khi thì làm ở quán phở, quán bún, lúc thì quán cháo. "Học vào buổi chiều thì em xin làm buổi sáng, 5h30 sáng có mặt để dọn dẹp và chuẩn bị mọi thứ để bà chủ mở hàng sớm đón khách. Tất tần tật mọi việc em đều làm được như bưng bê, rửa bát, lau sàn... 12h 30' ăn trưa tại quán xong em cũng chuẩn về trường đi học luôn.

Mỗi tháng cũng được gần một triệu. Sang năm thứ hai học buổi sáng em lại xin đi làm ca chiều từ 16h đến 22h30', mỗi giờ làm việc em được 8 nghìn đồng. Công việc cũng không vất vả lắm, nhưng nhiều khi không phù hợp với quỹ thời gian của em nên nhiều khi phải nghỉ làm".

Năm đầu học đại học, Gấm được vay vốn hỗ trợ cho sinh viên nghèo, nhưng sang năm thứ hai do trục trặc giấy tờ em không vay được. Có những lúc không một đồng dính túi, tiền phòng trọ chị ở cùng phòng đã đóng cho mấy tháng tiền phòng mà chưa trả được, những ai vay được em đều đã vay.

Cô sinh viên năm 3 tâm sự: "Có những lúc cuộc sống của em vô cùng bế tắc và mất phương hướng. Năm trước mẹ em đổ bệnh, bị đau đầu kinh niên mất ngủ thường xuyên, cả đêm chỉ ngủ khoảng 2 tiếng đồng hồ. Em lo lắm, chỉ muốn bỏ về quê đi làm phụ giúp mẹ, nghĩ đến mẹ cả đời lam lũ, vất vả, làm việc quần quật suốt ngày với hàng mẫu ruộng mà em ứa nước mắt. Em đã hỏi thầy chủ nhiệm thủ tục bảo lưu, nhưng thầy và các bạn khuyên cố gắng học tiếp, khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó".

Kể từ đó, em không còn ý định nghỉ học nữa và tự hứa với bản thân dù khó khăn thế nào cũng phải bước tiếp, không được lùi bước, phải sống và cố gắng không chỉ vì riêng bản thân mình mà còn vì mẹ, vì cậu em trai đang học lớp 11".

Thiên Vũ


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.