Nữ sinh tử vong tại bệnh viện Hoài Đức, bác sĩ 'đá nhau'

Nữ sinh tử vong tại bệnh viện Hoài Đức, bác sĩ 'đá nhau'

Thứ 5, 14/11/2013 09:44

Trong những bài trước, chúng tôi đã đề cập đến nghi vấn có sai sót trong điều trị dẫn tới cái chết của bệnh nhân Nguyễn Thị Nương (17 tuổi, Yên Thái, Tiền Yên, Hoài Đức). Để làm rõ những nghi vấn trên, chúng tôi đã đến tìm gặp bác sỹ Vân, người đầu tiên điều trị cho bệnh nhân và được biết, bệnh nhân Nương vẫn tỉnh táo, đòi ăn trước khi vào bệnh viện đa khoa Hoài Đức cấp cứu.

Bệnh nhân nhập viện vẫn còn tỉnh táo?

Chúng tôi quay về xã Tiền Yên, Hoài Đức gặp anh Nguyễn Doãn Tất, Trạm trưởng trạm Y tế xã Tiền Yên đã tiếp chuyện với chúng tôi và cho biết, quá trình bác sỹ Nguyễn Thị Vân điều trị và cấp cứu bệnh nhân Nương trạm y tế xã, ông không hề biết. Việc bác sỹ Vân khám và điều trị cho nạn nhân Nương là việc làm ngoài giờ.

Sau khi bệnh nhân Nương tử vong tại bệnh viện, trạm Y tế xã có báo cáo lên trung tâm Y tế huyện. Trong báo cáo, trạm Y tế xã thừa nhận việc bác sỹ Vân có tiến hành thăm khám và điều trị cho bệnh nhân này. Bác sỹ Vân cũng đã viết tường trình.

Bác sỹ Vân đã trò chuyện về trường hợp tử vong của bệnh nhân Nương: "Trưa hôm 30/10, khoảng 11h30 anh Nguyễn Văn Khải, bố của bệnh nhân Nương đưa Nương đến nhà tôi nhờ thăm khám. Tôi đo nhiệt độ cơ thể bệnh nhân Nương, nhiệt độ là 37,5 và cháu kêu là mệt mỏi, nhức đầu. Đo huyết áp 110/70, mạch 70 lần trên phút và chẩn đoán bệnh nhân Nương bị sốt vi-rút. Anh Khải có yêu cầu tôi truyền nước cho con và tôi truyền cho Nương chai đường.

Sau khi truyền xong, trước khi bố con anh Khải về, bác sỹ Vân có đưa cho bệnh nhân 10 viên Palaxitamon và 10 Anphababe. Đến 5h15 ngày 31/10, anh Khải gọi điện xuống bảo cháu Nương mệt nhờ tôi xuống nhà khám. Tôi đo huyết áp của cháu là 80/60 mạch 85/1 phút, đo nhiệt độ 37 độ. Thấy huyết áp xuống, tôi đã truyền nước muối cho cháu. Truyền nước đến 6h15 lúc đó quyết định cho cháu đi viện.

Trước lúc chuyển bệnh viện, cháu Nương vẫn ăn được cháo, vẫn đòi đi ngoài, đi vệ sinh. Từ lúc tôi xuống nhà, cháu mệt mỏi nhưng cháu vẫn đòi ăn cháo".

Xã hội - Nữ sinh tử vong tại bệnh viện Hoài Đức, bác sĩ 'đá nhau'

Bác sĩ  Nguyễn Chí Cường người trực tiếp cấp cứu cho bệnh nhân Nương.

Cũng theo lời kể của bác sỹ Vân, "do cái chết của bệnh nhân Nương quá bất ngờ nên sau khi bệnh nhân an táng xong, bác sỹ Vân đã vào nhà hỏi chị Nguyễn Thị Nhung (mẹ của bệnh nhân Nương) thì được biết, khi bệnh nhân Nương lên viện, có đòi uống nước và gia đình vẫn cho uống nước. Nương kêu đau bụng, bác sỹ hỏi là cháu có bạn trai chưa (vì nghi ngờ cháu chửa) và cháu bảo là cháu không có bạn trai. Một hồi sau, Nương đau quá, ôm bụng kêu, bác sỹ ơi cứu cháu với và lúc sau mới lịm đi. Điều đó chứng tỏ, bệnh nhân Nương khi đến viện vẫn tỉnh táo, vẫn ăn, uống được", bác sỹ Vân băn khoăn.

Chúng tôi có hỏi bác sỹ Vân, "không biết căn cứ vào đâu, bác sỹ Trường cho rằng khi ở nhà huyết áp của bệnh nhân là 40 rồi". Bác sỹ Vân khẳng định: "Khi đến thăm khám, huyết áp là 80/60, khi truyền muối, cảm giác không thay đổi mà có xu hướng hạ nên tôi quyết định cho cháu đi viện".

Nhập viện trong trạng thái người vật vã sắp đi?

Một hành động khó chấp nhận

Trong quá trình đi tìm hiểu về sự thật đằng sau cái chết đột ngột của bệnh nhân Nguyễn Thị Nương, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, đó chính là thái độ làm việc quá xem thường báo chí của ông Nguyễn Văn Kiên, Phó giám đốc trung tâm Y tế huyện Hoài Đức. Khi chúng tôi đến, ông đang chuẩn bị dự cuộc họp, chúng tôi đề nghị xin photo bản tường trình của bác sỹ Vân gửi trung tâm Y tế huyện Hoài Đức, ý kiến của Trung tâm về vấn đề này. Ông Kiên hẹn chúng tôi sau thời gian họp gặp, trao đổi. Tuy nhiên chúng tôi đợi mãi, cho đến khi cuộc họp tan, bắt gặp ông Kiên trên đường về nhà. Chúng tôi hỏi: "Tại sao, ông có thể xem thường báo chí thế", ông Kiên buông lời: "Tưởng các anh về rồi". Cách làm việc của ông Kiên thực tế không thể chấp nhận được. Lý do không trả lời báo chí của ông đưa ra khiến chúng tôi rất phẫn nộ. Cách trốn tránh báo chí của ông Kiên thật khác với sự đạo mạo khi ông phát biểu tại cuộc họp.  

Thông tin từ bác sỹ Vân khiến chúng tôi bất ngờ và nếu  đúng thì những gì mà ông Đoàn Minh Trường, Phó giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức, chia sẻ với PV ở bài báo trước là có dấu hiệu che giấu, hoặc cung cấp thông tin sai lệch.

Và lần này, ông Đoàn Minh Trường, Phó giám đốc bệnh viện Hoài Đức vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Ông Trường vẫn cho rằng, bệnh nhân nhập viện trong trạng thái toàn thân tím tái, mạch không, huyết áp không, vật vã chứ không tỉnh táo, dấu hiệu của người sắp đi. "Chúng tôi lắp điện tim, lắp rung thất để cấp cứu tuần hoàn. Rung thất tức là tim không bóp bình thường nữa. Bệnh nhân đã tím tái toàn thân và trước khi lên, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng này. Bác sỹ Vân có nói với chúng tôi, lúc 5h đo huyết áp có 80/60. Chị Vân tiến hành truyền, đến 6h huyết áp chỉ còn 40.  Vậy huyết áp 40 từ khi 6h đến 7h45 mới đến bệnh viện thì còn gì nữa",  ông Trường khẳng định.

Về thông tin bác sỹ Vân cho rằng, khi bệnh nhân lên viện, vẫn tỉnh táo, còn đòi ăn, đòi uống sữa, vẫn nói chuyện được, bác sỹ Trường khẳng định lại, trước khi lên đây và chúng tôi cũng được chị Vân báo cáo huyết áp chỉ còn 40 lúc 6h sau đó ngừng truyền nước muối và chuyển viện. Lên viện lúc 7h45 thì làm sao bệnh nhân còn huyết áp 80 được nữa. "Lúc đó, chúng tôi gọi bệnh nhân chỉ mở mắt lim dim, mình vỗ nhẹ, hét to, hỏi bệnh nhân có đau bụng không, bệnh nhân trả lời là có. Đề phòng nguyên nhân chửa ngoài tử cung vỡ, nên hỏi có người yêu chưa nó lắc đầu chưa có người yêu và sau đó chúng tôi siêu âm ở bụng không có gì nên loại trừ hoàn toàn nghi vấn đó. Trạng thái vật vã kích thích một thời gian sau bệnh nhân đi hẳn. Chúng tôi gọi to vẫn trả lời được, đòi uống sữa, nhưng chỉ uống được một tí nhưng điện tim đã rung thất, mạch không, huyết áp không", ông Trường nói. Như vậy, lời nói của chính ông Trường đã rất mâu thuẫn.

Để tìm hiểu sâu hơn về triệu chứng trước khi chết của bệnh nhân Nương chúng tôi yêu cầu xin được sao chép hồ sơ bệnh án, nhưng bác sỹ Trường cho rằng, hồ sơ bệnh án chỉ có công an xem được. Cũng trong buổi làm việc này, chúng tôi có gặp bác sỹ Nguyễn Chí Cường - người tham gia cấp cứu từ đầu đến cuối bệnh nhân Nương. Bác sỹ Cường cho rằng, bệnh nhân Nương vào khoa cấp cứu trong trạng thái vật vã kích thích, tím tái toàn thân, da nổi gân tím. "Trường hợp này, chúng tôi tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn luôn. Đến 9h chúng tôi ngừng cấp cứu, bởi khi chúng tôi khám thì đồng tử đã giãn rồi. Tim ép nó thẳng luôn, bệnh nhân đến với chúng tôi nặng quá nên không kịp tìm hiểu được nguyên nhân. Hiện tại, chúng tôi đã làm kiểm thảo tử vong", bác sỹ Cường cho PV biết.   

Trinh Phúc - Văn Chương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.