Thông tin trên Người Lao Động, ngày 27/3, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, thông tin về ca bệnh đặc biệt được cứu sống sau 1 tháng điều trị.
Bệnh nhân nữ 21 tuổi, là sinh viên một trường Đại học ở Hà Nội. Tai nạn xảy ra tối 28/2, khi nữ sinh viên trên đường trở về nhà sau giờ dạy gia sư.
Va chạm giữa xe máy - ôtô khiến nữ sinh rơi vào tình trạng nguy kịch. Khi được chuyển đến tại Bệnh viện Thường Tín (Hà Nội), bệnh nhân phải đặt nội khí quản, bóp bóng và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai chỉ khoảng 60 phút sau tai nạn.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được chuyển vào phòng cấp cứu trong tình trạng hôn mê, ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ ngay lập tức ép tim cấp cứu và được chuyển đến phòng mổ.
Tại phòng phẫu thuật, các bác sĩ ngoại tim mạch phát hiện bệnh nhân bị vỡ tim, lấy ra khoảng 1,5 kg máu cục, dịch máu. Trong ca mổ, các bác sĩ đã truyền gần 10 lít máu cứu bệnh nhân.
Sau 3 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, không có di chứng thần kinh.
"Dù trước đó bệnh nhân có ngừng tuần hoàn nhưng được cấp cứu đúng cách, kịp thời nên đã để lại di chứng. Nữ sinh này hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống bình thường", PGS Cơ nói.
PGS Cơ đánh giá ngoài sự phối hợp liên khoa thì việc cấp cứu ban đầu có ý nghĩa rất quan trọng để cứu sống người bệnh.
Theo Dân trí, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đề nghị Trung tâm cấp cứu A9, cùng Hội Hồi sức chống độc Việt Nam, Bộ môn hồi sức phối hợp để đào tạo cấp cứu ngoại viện cho nhiều đối tượng trong cộng đồng, để thêm nhiều người bệnh không may đột quỵ, ngừng tim, tai nạn... được cứu sống.
Theo PGS Cơ, tại Nhật, tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới, không chỉ nhân viên y tế mới biết cấp cứu ngừng tuần hoàn, sơ cứu người bị nạn, mà sinh viên trong các trường đại học cũng được đào tạo sơ cứu.
Khi càng có nhiều người có kiến thức sơ cứu, các ca tai nạn trong cộng đồng càng có cơ hội được cứu sống nhiều hơn.
KHÁNH LINH (t/h)