Nữ thanh niên xung phong "mê" làm từ thiện

Nữ thanh niên xung phong "mê" làm từ thiện

Thứ 5, 27/12/2012 23:40

Gia đình không thuộc diện giàu có thế nhưng nữ thanh niên xung phong (TNXP) ngày nào luôn hăng hái giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn mà bà biết. Đây là những việc làm xuất phát từ tâm nguyện "mọi người đã vì mình thì mình phải vì mọi người".

Khai man tuổi để được... đi thanh niên xung phong

Chúng tôi tìm về nhà bà Hoàng Thị Nguyệt, xã Trung Dũng (TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) trong một ngày cuối chiều. Vừa dừng xe hỏi thăm đường, cô bán hàng liền bảo: "Nhà cô Nguyệt hả? Giờ cô ấy không có nhà đâu, các cháu cứ vào Ủy ban xã là gặp. Ngày nào cô ấy cũng làm việc ở đó".

Khi chúng tôi đến nơi, bà Nguyệt vẫn đang mải miết với công việc dù đã hết giờ làm việc. Dừng bút, bà cười bảo: "Việc của ngày hôm nay thì làm cố cho xong, ngày mai còn làm việc khác. Công việc của tôi bận rộn lắm. Ngoài làm chủ tịch hội Cựu TNXP của xã, tôi còn đảm nhiệm thêm mấy chức vụ trưởng ban kiểm tra của hội Nữ TNXP thành phố và tỉnh". Con cái muốn bà nghỉ công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" nhưng bà vẫn làm. Bà làm vì được gặp gỡ đồng đội, được góp phần sức lực nhỏ bé của mình cho xã hội. Có thể nói, cả cuộc đời mình, bà luôn dành cho gia đình và xã hội.

Bà Nguyệt sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha là thương binh trong kháng chiến chống Pháp, mẹ là thành viên trong đội du kích Hoàng Ngân của tỉnh Thái Bình. Thế nên, ngay từ nhỏ, cô bé Nguyệt đã thấm nhuần lý tưởng cách mạng. "Khi còn bé, tôi hay thấy mẹ mình bôi đen mặt mũi, mặc quần áo rách rưới để đi ra ngoài thì thắc mắc lắm. Mẹ mình xinh đẹp là thế, tại sao lại phải hóa trang? Lớn hơn, tôi biết mẹ tham gia đội du kích Hoàng Ngân để tiêu diệt giặc nên tự hào và nuôi mơ ước một ngày nào đó được làm du kích", bà Nguyệt tâm sự.

Năm 1972 khi vừa tròn 16 tuổi, Nguyệt xung phong đi TNXP cùng bạn bè. Để chắc chắn được đi, khi đăng ký, cô nói mình 18 tuổi. Được đi TNXP khi ấy là cả một niềm vui lớn. Hành trang Nguyệt mang theo vào chiến trường là niềm vui được đi và niềm mong mỏi hoàn thành nhiệm vụ mà bố mẹ cô gửi gắm.

Đóng quân tại Đường 9 Nam Lào với công việc tiếp lương, tải đạn, vận chuyển thương binh, làm đường... vô cùng vất vả nhưng cô gái trẻ luôn động viên bản thân mình phải cố gắng. Là người nhỏ bé nhất trong đội, Nguyệt luôn nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo hướng dẫn tận tình của các anh chị lớn tuổi. Những ngày mưa Lào xối xả, kéo dài có khi hàng tuần, Nguyệt cùng đồng đội co cụm trong những lán cây lụp xụp trong rừng để chống lại cái ướt át, sự tấn công của muỗi, vắt... Rồi những ngày đi lấy lương thực, đồ tiếp tế, các nữ thanh niên xung phong phải vượt qua những cung đường mà giặc đánh phá, những vực sâu... mà tính mạng chỉ như "ngàn cân treo sợi tóc".

Tiêu điểm - Nữ thanh niên xung phong 'mê' làm từ thiện

Bà Nguyệt (đầu tiên, bên trái) chụp cùng đồng đội nhân dịp thăm lăng Bác.

"Còn nhớ khi tôi và đồng đội đang làm nhiệm vụ, máy bay giặc bắn phá ác liệt. Xung quanh chỗ chúng tôi đang làm, cây cối, đất cát bị xới tung bởi bom mìn. Người mất, người còn, tôi cũng bị thương ở mắt do sức ép của bom. Tỉnh dậy, tôi và những người còn sống nhìn và ôm nhau khóc. Sau đó, chúng tôi cố lết người đi tìm đồng đội, rồi dìu nhau về trạm quân y. Những người khỏe hơn được cắt cử ở lại trông giữ những đồng đội đã hy sinh. Có thể nói, trong những năm tháng chiến tranh, cùng ở trong chiến trường tình người, tình đồng đội, đồng hương được thể hiện mãnh liệt lắm. Ngày ấy, khi biết tin tôi đang đóng quân tại đường 9 Nam Lào, một người chị cùng quê tôi đi bộ mấy chục cây số để tới thăm tôi. Chỉ biết sơ sơ nhau vậy mà khi gặp mặt nhau, cả hai mừng rỡ ôm chầm lấy nhau", bà Nguyệt xúc động kể lại.

Khi mới bước chân vào chiến trường, với Nguyệt, cái gì cũng lạ lẫm. Cô không biết làm những việc nặng nhọc, lại lớn lên trong sự đùm bọc của gia đình... Thế nhưng, Nguyệt luôn nhận được sự động viên từ các đồng chí, đồng đội cũng như gia đình. Để giúp con gái quên đi những gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, mẹ Nguyệt gửi cho cô chiếc áo trấn thủ (bộ đội thường mặc). Đây là chiếc áo của chú em kết nghĩa quê ở Thanh Hóa tặng lại cho mẹ Nguyệt nay bà tặng lại cho con gái với lời căn dặn: "Mỗi khi con mặc cái áo trấn thủ này, con phải phấn đấu hết mình cho đất nước. Gia đình mình là gia đình có truyền thống cách mạng, vì thế con phải noi theo gương của các bậc tiền bối: Hoàng Văn Thái (chú ruột Nguyệt)...".

Có thể nói, từ khi đi đến lúc trở về (năm 1977), chưa bao giờ bà Nguyệt cho phép mình được ngừng nghỉ, chán nản hay sợ sệt. Nhìn gương mặt bà, chúng tôi phần nào hiểu được cái ý chí kiên cường, bất khuất được tôi luyện trong chiến trường.

Chỉ "mê" làm từ thiện

Trải qua những năm tháng "tính mạng ngàn cân treo sợi tóc" và sống giữa sự đùm bọc yêu thương của đồng đội, bà Nguyệt hiểu sống trên đời phải biết vì mọi người. Thế nên, mỗi khi có cơ hội, điều kiện, bà lại ra sức giúp đỡ những người nghèo khổ, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tính đến nay, số người được bà giúp đỡ những món quà, những cuốn sổ tiết kiệm trị giá vài trăm nghìn đồng đã lên tới con số hàng chục dù gia đình bà không thuộc diện giàu có. Khi tôi hỏi bà, điều gì khiến bà làm từ thiện nhiều như vậy? Bà chỉ mỉm cười bảo: "Khi mình nghèo khó, mình được người giúp, vậy giờ có điều kiện thì phải giúp đỡ người khác".

Ngày ấy, sau khi từ chiến trường trở về, Nguyệt lập gia đình và theo chồng về Hưng Yên sinh sống đến tận bây giờ. Những ngày đầu, cuộc sống gia đình cô vô cùng khó khăn. Việc đồng áng, ngay cả việc dựng rạ sao cho đúng cách, Nguyệt cũng không biết làm. Để có tiền mua gạo cho gia đình, vợ chồng Nguyệt nghỉ làm, ở nhà đi buôn. Dậy từ tinh mơ đến tối mịt, đi khắp các nơi, sang cả Hà Nam, Thái Bình để bán hàng mới có được một vài đồng lãi.

Sinh đứa con đầu lòng trong cảnh nghèo khó, vất vả, thế nhưng Nguyệt vẫn luôn nhận được sự giúp đỡ của những người hàng xóm tốt bụng. Số là khi sinh đứa con đầu lòng, chồng vắng nhà, những đêm lạnh, con khóc nhiều, Nguyệt chỉ biết ôm con ngồi khóc cho hoàn cảnh của mình. Sáng hôm sau, người hàng xóm sang chơi, Nguyệt bảo với bà cụ, đứa trẻ hay khóc đêm. Bà cụ nhìn quanh nhà rồi bảo: "Nhà hở thế này, đêm gió lạnh lùa vào, nó ngủ sao được mà chẳng khóc (Thời đó, nhà Nguyệt là nhà tranh vách đất, hai đầu hồi hở, gió lùa vào rét buốt)". Nói rồi, bà cụ về nhà lấy mấy tấm phên sang che chắn hai đầu hồi cho Nguyệt. Đêm ấy con của Nguyệt ngủ ngon lành tới sáng.

Đứa con thứ hai cũng ra đời trong sự nghèo, mới hai tháng tuổi, Nguyệt đã phải bế con ra chợ bán hàng vì đói, cơm không có mà ăn. Rồi những tháng ngày đi vay thóc lãi về cho con ăn, vợ chồng Nguyệt cắn răng mà vay. Những tưởng khó khăn chỉ dừng lại ở đấy, thế nhưng khi đứa con út được 7 tuổi, chồng Nguyệt đột ngột qua đời (năm 1995), mọi gánh nặng gia đình lại đè nặng trên đôi vai nữ cựu thanh niên xung phong.

Nén nỗi đau vào lòng, bà cắn răng chịu đựng, sớm khuya vất vả buôn bán. Nhờ trời thương, công việc buôn bán của bà thuận lợi, có đồng ra, đồng vào, lo cho con cái ăn học thành người. Có được ngày hôm nay, bà lại nhớ về quá khứ nghèo khổ đã qua của mình nên quyết tâm giúp đỡ mọi người. Bà thường bảo: "Mình đã được mọi người giúp đỡ thì nay mình phải giúp đỡ người khác trong khả năng của mình".

Từ những người có hoàn cảnh khó khăn, éo le đến những người không may bị tai nạn giao thông, mắc bệnh hiểm nghèo... đều được bà giúp đỡ nhiệt tình. Từ năm 2010, bà đã tặng 10 sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu đồng cho 10 gia đình nghèo trong xã. Mới đây nhất, bà đã tặng 12 suất quà, 12 sổ tiết kiệm trị giá 500.000 đồng cho các xã, phường nơi bà sinh sống.

Không dừng lại tại đó, hiện tại bà đang bảo trợ cho cháu Đồng Long Vũ (Đặng Cầu, Trung Nghĩa, Hưng Yên) đến khi cháu 18 tuổi với số tiền 600.000 đồng/năm (hiện tại cháu Vũ đang học lớp 4)... Với những việc làm này, bà đã được UBND tỉnh Hưng Yên tặng bằng khen "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2008 - 2010".

Hồng Mây


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.