Dùng đòn gánh đả hổ
Vừa đặt chân đến địa phận xã Vạn Ninh, vừa hỏi thăm đường đến nhà người phụ nữ từng đả hổ cứu bạn, nhiều người dân đã ngay tắp lự xác nhận đó là bà Ngô Thị Kỷ (SN 1945, xóm Đồn). Người đàn ông nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận nhà bà Kỷ cho hay: "Người dân ở đây không ai là không biết đến gia đình bà Kỷ - ông A, bởi câu chuyện đánh hổ cứu bạn năm đó của bà là tấm gương sáng để mọi người noi theo và chúng tôi kể lại cho con cháu nghe như một huyền thoại. Bà ấy là niềm tự hào của người dân nơi đây".
Chúng tôi bước vào một ngôi nhà ngói đơn sơ, nhưng gọn gàng sạch sẽ. Một người đàn bà đang cặm cụi cuốc đất trồng rau trước vườn, thấy chúng tôi gọi, bà đon đả chạy lại chào và mời vào nhà uống nước. Dù đã gần 70 tuổi nhưng bà Kỷ vẫn minh mẫn, khỏe mạnh, tiếp chuyện chúng tôi với vẻ mặt tươi rói, bà kể lại câu chuyện xưa cũ từ cái thuở 15 mà cảm giác vẫn như mới hôm qua.
Hổ dữ luôn là nỗi khiếp sợ của người dân trước kia. Ảnh minh hoạ
Đó là vào tháng 5/1960, một năm nắng nóng và hạn hán nên từ khi trời vẫn còn chưa sáng, đám bạn Kỷ đã í ới gọi nhau ra đồng, tát nước, nhổ mạ... để tránh nắng. Khi đang còn cười nói rôm rả, cả đám bạn bất giác dừng lại khi thấy một con vật lững thững tiến lại gần. Vì trời còn nhá nhem tối nên dù chỉ cách khoảng 20m nhưng đám bạn cũng không thể nhìn rõ đó là con gì nên một người trong số đó là anh Bùi Minh Quốc (SN 1944) tiến lại nhặt cục đất ném đuổi nó đi. Không ngờ, đó lại là một con hổ nặng khoảng 70kg đang khát nước, tìm đường xuôi về phá Hạc Hải. Khi anh Quốc lấy đất ném vào người con hổ, nó gầm gừ trong phút chốc rồi nhảy đến chỗ anh, dùng bộ móng của mình ấn xuống hai vai người ném đất, dùng miệng ngoạm lên trước trán, khiến anh Quốc bị ngã, máu chảy đầm đìa.
Trong khi anh Quốc một mình vật lộn với con hổ thì cả đám bạn sợ hãi, chạy tán loạn, kêu cứu, chỉ còn lại một mình Ngô Thị Kỷ vẫn đứng đó. Khi thấy anh Quốc đang vật lộn với con hổ, đẩy nó xuống dưới thì Kỷ đã nhanh trí lấy hết can đảm chạy lại, sẵn có cái đòn gánh trong tay, cô dùng hết sức mình đánh liên tiếp vào đầu con Hổ.
Bị đánh bất ngờ, con hổ choáng váng nhả anh Quốc ra và quay ra tìm thủ phạm. Sau khi dứt khỏi bộ móng của con hổ, anh Quốc bỏ chạy, Kỷ vô cùng sợ hãi, nhưng bằng sự can đảm của mình, trong lúc con hổ còn đang choáng vì những cú đánh trời giáng của cô, cô tiếp tục dùng đòn gánh trong tay đánh liên tiếp ba phát nữa, rồi Kỷ mới bỏ chạy.
Mặc dù trong lòng rất hoảng hốt, nhưng cô thiếu nữ này vẫn còn nhớ ông bà đã từng dặn: "Nếu không may gặp phải hổ thì cầm đồ vác trên vai hoặc chắp sau lưng thì nó sẽ không còn đuổi nữa". Sau những đòn đánh phủ đầu để cứu bạn khỏi nguy hiểm của Kỷ, con hổ vô cùng đau đớn và bỏ chạy một mạch về núi.
Bà Ngô Thị Kỷ hơn 50 năm trước đã lập thành tích dùng đòn gánh đả hổ cứu bạn
Chọn thú vui điền viên
Chuyện cô gái trẻ Ngô Thị Kỷ đã dũng cảm đánh hổ cứu bạn được tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là lực lượng thiếu niên nhi đồng trong và ngoài tỉnh.
Câu chuyện Võ Tòng với sức khỏe phi thường tay không đả hổ đã là phi thường, nay người đả hổ lại chỉ là một cô gái nhỏ nhắn với sức vóc mảnh mai khiến mọi người đều phải cảm phục về lòng dũng cảm và sự can đảm của cô. 15 ngày sau khi Kỷ đánh đuổi con hổ, Huyện đoàn, Tỉnh đoàn đã gửi bằng khen rồi Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã cử người vào tận nơi để gặp cô gái nhỏ gan dạ này. Cũng trong năm đó, Kỷ được Bác Hồ viết thư khen ngợi và được Bác gửi tặng huy hiệu "Cháu ngoan Bác Hồ".
Bà Kỷ bảo: "Khi Tỉnh đoàn Quảng Bình về trao huy hiệu, tôi hết sức bất ngờ và rất đỗi vui mừng. Bởi lẽ, trong tâm trí tôi lúc đó đâu có nghĩ gì nhiều, chỉ thấy anh Quốc đang trong tình thế nguy hiểm nên cố gắng hết sức, liều mình cứu anh ấy mà thôi, không ngờ lại được vinh dự lớn lao đến thế!". Tấm gương dũng cảm của cô thiếu niên Ngô Thị Kỷ không chỉ được báo chí trong nước ca ngợi mà còn được báo chí nước ngoài đưa tin. Tên tuổi Ngô Thị Kỷ lúc đó bay sang 15 nước xã hội chủ nghĩa. Thư từ khắp nơi trong và ngoài nước tới tấp gửi về. Và để mến mộ sự dũng cảm của cô gái Quảng Bình, ở miền Nam đã có một ngôi trường mang tên Ngô Thị Kỷ.
Đã 54 năm trôi qua, cô gái trẻ Ngô Thị Kỷ đánh hổ cứu bạn ngày nào bây giờ đã xấp xỉ bước vào cái tuổi "thất thập cổ lai hy". Thế nhưng, nhìn bà vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh, vẫn có thể phụ giúp con cái nấu cơm, trông cháu, cuốc đất trồng rau... Sau khi được vinh danh, thay vì chọn con đường được chính quyền địa phương cho đi học để làm cán bộ nguồn như bao thiếu niên dũng cảm khác, Kỷ lại quyết ở nhà làm xã viên, sản xuất lúa gạo để phục vụ cho tiền tuyến. Dù cuộc sống vất vả, suốt ngày "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" nhưng bà bảo: "Tôi cảm thấy vui và hạnh phúc với ruộng vườn. Mình phải tự nhận thức khả năng của mình đến đâu cô ạ, nếu thoát ly mà nhận thấy mình không thể làm được nhiều việc có ích cho người dân dù rất có lòng thì mình nên để cho những người có năng lực thực sự làm, mình ở nhà làm ruộng giúp ích cho hợp tác xã để gửi ra chiến trường lúc đó tôi thấy mình có ích hơn".
Năm 1968, Ngô Thị Kỷ xây dựng gia đình với anh Bùi Văn A, những năm sau đó bảy người con của họ lần lượt ra đời. Dù không bao giờ bà nhắc đến chuyện xưa như một kỳ tích nhưng các con bà ai cũng rất đỗi tự hào về mẹ mình qua lời kể của bà con hàng xóm và những cô cậu học trò, bởi mẹ Kỷ được người dân nơi đây vẫn luôn nhắc đến như một tấm gương sáng về đạo đức, sự can đảm và lòng dũng cảm của thiếu niên nhi đồng.
Đã bao nhiêu năm trôi qua, ông Bùi Minh Quốc đã xây dựng gia đình và có con cháu đuề huề, nhưng sau ngày thoát chết dưới móng hổ, ngoài sự cảm mến người bạn thiếu thời cùng xóm của mình, ông Quốc vẫn luôn nể phục người con gái nhỏ nhắn Ngô Thị Kỷ. Ông Quốc bảo: "Tôi luôn khắc tâm suốt đời vị ân nhân cứu mạng ấy. Bởi nếu không có bà ấy thì có lẽ tôi đã không sống được đến ngày hôm nay. Dù không có gì có thể nói hết ân tình nhưng trong cuộc sống chúng tôi vẫn luôn là những người bạn tâm giao tri kỷ. Bà Kỷ luôn sống với cái tâm trong sáng nên gia đình tôi vẫn luôn cảm mến, các con tôi cũng luôn kính trọng bà, coi bà như người nhà của mình".
Tấm gương sáng về lòng dũng cảm Ông Nguyễn Văn Thế (chủ tịch UBND xã Vạn Ninh) cho biết: "Câu chuyện về nữ thiếu niên đánh hổ cứu bạn Ngô Thị Kỷ đã được nhiều người dân ở vùng quê này nhắc đến như một tấm gương sáng về lòng dũng cảm, giúp đỡ bạn bè. Nhiều trường học trên địa bàn đã mời bà về nói chuyện với các em trong các buổi tọa đàm của nhà trường. Hiện, gia đình bà cũng là một gia đình gương mẫu, tham gia các hoạt động đoàn thể và công cộng hết sức tích cực". |
My Khánh – Hồng Điệp