Niềm đam mê hội họa
Trần Thị Bích Ngọc, hay còn gọi là Ngọc Like, sinh năm 1993, hiện đang là sinh viên năm 3 khoa thiết kế mỹ thuật, chuyên ngành thiết kế trang phục nghệ thuật K31, Đại học sân khấu điện ảnh Hà Nội. Đam mê nghệ thuật từ nhỏ, đặc biệt là hội họa, thiết kế trang phục nên Ngọc đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu các khía cạnh liên quan đến vấn đề này. Trong quá trình tìm kiếm thông tin, cô vô tình thấy một số mẫu họa tiết tattoo (hình xăm) thực sự lạ, đẹp và tinh tế. Nó đã để lại cho Ngọc ấn tượng mạnh mẽ.
Thời gian đầu, cô chỉ muốn tìm hiểu để đưa những họa tiết đó vào các mẫu thiết kế của mình nhưng càng tìm hiểu, càng "nghiện" lúc nào không hay. Sự tinh tế, tính nghệ thuật, tính thẩm mỹ và một chút táo bạo của nghề xăm đã lôi cuốn Ngọc trở thành một thợ xăm thực thụ.
Ngọc chăm chú xăm hình cho một khách hàng trẻ tuổi.
Tattoo như một loại ngôn ngữ được thể hiện đầy nghệ thuật trên cơ thể con người. Cũng có rất nhiều lý do để xăm mình như: Lưu giữ những sự kiện quan trọng trong cuộc đời, thể hiện tình yêu, sự tưởng nhớ, sùng bái hay đơn giản chỉ vì thích. Để thỏa mãn niềm đam mê của mình, Ngọc Like đã quyết tâm mở phòng xăm tại nhà. Khách hàng của Ngọc không phân biệt tuổi tác, giới tính, ngành nghề, địa vị. Họ đến chỉ đơn giản là để đáp ứng nhu cầu của cá nhân.
Trước một số những định kiến của dư luận xã hội, Ngọc không hề cảm thấy áp lực mà cô cảm thông cho những lý do của dư luận: "Mình chỉ hy vọng mọi người sẽ có cái nhìn tốt đẹp hơn về xăm hình, hãy coi nó như một nghệ thuật thể hiện cái tôi riêng của mỗi người". Nghệ thuật xăm mình hiện nay đã và đang phát triển trầm rộ. Trong đó, xăm tattoo đang được các bạn trẻ đặc biệt yêu thích, đó là hoạt động sáng tạo những hình xăm nghệ thuật với công cụ, cách thức hiện đại, hoàn toàn không thể đánh đồng với cách thức xăm phủi thô sơ - vốn gắn liền với dân giang hồ nhiều tai tiếng. |
Trước khi xăm, người thợ phải luôn trao đổi kĩ lưỡng với khách về hình xăm, bàn bạc, lên ý tưởng, chọn hình hoặc thiết kế hình cho khách, nhất là với nữ giới vì khi đã xăm hình, việc tẩy xóa rất khó khăn, đau đớn cũng như để lại sẹo. Sau khi thống nhất ý tưởng với khách hàng, hình xăm lựa chọn được đồ lại lên giấy, sao in lên vị trí cơ thể mong muốn của khách, sau đó sử dụng kim xăm để đi nét trên khuôn hình có sẵn, mực xăm cũng phải là một loại mực chuyên dụng.
Việc này đòi hỏi sự tập trung cao độ và phải vô cùng khéo léo của người thợ xăm. Cuối cùng là việc đánh bóng hoặc đi màu, tùy theo yêu cầu của khách cũng như của hình vẽ.
Theo Ngọc, mỗi khách hàng đến xăm đều có những yêu cầu rất khắt khe, thậm chí nhiều người đã có hình xăm khắp cơ thể nhưng vẫn đến xăm. Bởi vậy, để khách hàng luôn cảm thấy hài lòng, Ngọc luôn tìm tòi, học hỏi từ các nước phát triển về nghệ thuật xăm và cố gắng định hình phong cách riêng cho bản thân để trở thành một thợ xăm chuyên nghiệp. Ngọc cũng đã có trải nghiệm lý thú với những hình xăm trên chính cơ thể mình, đặc biệt là dòng chữ chạy dọc sườn mang ý nghĩa sâu sắc về tình cảm gia đình: "My Family Is My Heart That Keeps Me Alive"
Theo chia sẻ của anh Đức Tuấn - một chủ cửa hàng xăm nổi tiếng trên phố Bà Triệu, nghề xăm tattoo khá ít nữ theo bởi áp lực dư luận và sự căng thẳng, mệt mỏi của nghề. Trên cả nước, anh Tuấn đếm trên đầu ngón tay được chừng 10 thợ xăm nữ trên tổng số hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thợ xăm nam.
Thực tế hiện nay nghề xăm vẫn còn tồn tại rất nhiều định kiến, những ánh nhìn thiếu tích cực từ phía dư luận, cộng đồng xã hội, bản thân mỗi người thợ xăm bên cạnh việc sáng tạo, tìm tòi những hình xăm mới còn phải kiên trì đấu tranh vượt qua những định kiến để xăm tattoo được công nhận là một bộ môn nghệ thuật đích thực.
Nuôi dưỡng ước mơ với tattoo
Việc Ngọc đến với nghề thợ xăm trải qua rất nhiều khó khăn. Trước khi trở thành một thợ xăm thực thụ, Ngọc đã phải rèn luyện rất vất vả và khắt khe. Trong nghệ thuật xăm hình hiện đại, rất nhiều chuẩn mực cần được chú trọng, đặc biệt là về chất lượng hình và độ an toàn. Để đảm bảo tốt những yêu cầu đó, thợ xăm cần trang bị cho mình một bộ dụng cụ đạt chuẩn: Máy xăm, mực xăm, đèn chiếu sáng, máy tính, máy in,… với kinh phí ít nhất khoảng 50 triệu đồng.
Bên cạnh khó khăn về kinh tế là khó khăn về việc không tìm được bì đẹp để luyện tập bởi da lợn khác với da người. Để hiểu hết các vùng da dày mỏng trên cơ thể con người là một quá trình lâu dài, cần sự kiên trì tìm hiểu và thực hành.
Sau hơn một năm tập xăm trên cao su, bì lợn, da nhân tạo, Ngọc mới bắt đầu xăm thật. Để chuẩn bị cho mỗi lần xăm, Ngọc đều phải chuẩn bị kĩ lưỡng: Sát trùng tay và dụng cụ xăm, điều chỉnh mức độ máy xăm cho hợp lý, mỗi bộ kim xăm chỉ dùng một lần duy nhất với mỗi khách hàng… Thông thường những hình xăm nhỏ thì chỉ cần 20 - 30 phút là xong, nhưng các hình xăm lớn có khi phải kéo dài 3 - 4 tiếng, thậm chí là nửa ngày. Khi đó, dù có thể nghỉ giữa chừng nhưng người thợ vẫn rất mệt và mỏi nhừ tay.
Ngọc cho biết, nghề xăm trông có vẻ nhẹ nhàng, nhưng thực chất cần phải có sức khỏe tốt bởi máy xăm khá nặng. So với đấng mày râu, con gái tốn nhiều thời gian hơn để làm quen và kiểm soát máy theo đúng ý mình. Vượt qua tất cả những khó khăn đó, giờ đây với Ngọc chỉ còn lại là niềm đam mê xăm hình.
Từ khi bắt đầu mở phòng xăm, cuộc sống của Ngọc cũng có nhiều thay đổi. Cô bắt đầu cuộc sống tự lập, biết suy nghĩ, sống có trách nhiệm hơn, biết chăm lo cho gia đình nhiều hơn. Ngoài các chi phí lo cho cuộc sống riêng của bản thân: Phòng xăm, công việc học tập,… Ngọc còn phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Càng ngày, khách tìm đến phòng xăm của Ngọc càng đông, thực tế các bạn nữ đi xăm nhiều hơn các bạn nam. Có khi quá đông khách, Ngọc phải nhờ đến 2 người thợ nam phụ giúp, đồng thời sắp xếp lịch hợp lý để không bị chồng chéo và ảnh hưởng đến việc học.
Xăm hình hiện nay đã được một phần xã hội công nhận là nghệ thuật và cũng có những cái nhìn khách quan. Vì thế, việc xăm hình đã không còn là một vấn đề quá nhức nhối, như một việc làm tất yếu để đáp ứng nhu cầu làm đẹp của bản thân. Những khó khăn trước mắt đang là động lực giúp cô gái trẻ phổ biến rộng rãi nghề xăm đến với công chúng cũng như khẳng định được sức sống của xăm tattoo.
Minh Hồng