Nữ thuyết minh làm sống lại ký ức tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nữ thuyết minh làm sống lại ký ức tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nguyễn Anh Ngọc

Nguyễn Anh Ngọc

Thứ 3, 21/05/2019 09:00

Trở về Làng Sen vào những ngày tháng 5 nóng rát, thế nhưng tất cả du khách vẫn chìm đắm vào câu chuyện thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua giọng nói ngọt ngào của những nữ thuyết minh.

Người “truyền lửa” khi kể chuyện Bác Hồ

Giữa cái nắng hè tháng 5 bỏng rát, hàng nghìn đoàn khách thập phương từ mọi miền của Tổ quốc cùng nhau về dưới mái hiên nhà gỗ 5 gian, lợp mái tranh giản dị. Tất cả mọi người đều yên lặng khi nghe giọng nữ thuyết minh viên xứ Nghệ cất lên.

“Em xin chào đoàn ta đã về thăm quê Bác, hãy cùng theo em để nghe những câu chuyện lịch sử về Bác Hồ…”. Giữa không gian lịch sử ấy, cùng với mùi hương sen nhẹ nhàng, giọng kể của chị Dương Thị Bích Thủy (44 tuổi), thuyết minh viên Khu di tích Kim Liên cứ vang lên với nhiều cung bậc cảm xúc, khiến đoàn tham quan không khỏi nghẹn ngào.

Văn hoá - Nữ thuyết minh làm sống lại ký ức tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chị Thủy kể những câu chuyện cảm động về Bác cho đoàn khách trong những ngày kỷ niệm lần thứ 129 ngày sinh nhật Bác Hồ.

Chị Thủy sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Kim Liên này. Ngày ấu thơ chị đã rất thích sang nhà Bác để nghe các câu chuyện về thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng người thân trong gia đình. Ước mơ lớn lên được trở thành người thuyết minh đã ấp ủ từ những năm tháng ấy.

“Ngày bé, tôi đã được nghe bố mẹ kể rất nhiều câu chuyện về Bác. Đặc biệt hơn tôi đã được chứng kiến các cô thuyết minh ngày xưa kể về Bác khi tiếp các đoàn khách tham quan, khiến tôi rất thích thú và tự nuôi dưỡng cho mình một ước mơ sau này cũng sẽ được mang trên mình bộ áo dài, là người nối tiếp kể những câu chuyện về Người”, chị Thủy bồi hồi nhớ lại.

Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, khoa Sử, do gia đình đều theo nghề giáo nên đã định hướng cho chị theo nghề này. Tuy nhiên, vì ước mơ thuở nhỏ nên khi khu di tích tổ chức tuyển thuyết minh viên, chị Thủy đã quyết định theo đuổi đam mê của mình. Niềm khát khao ấy đã trở thành hiện thực khi chị vượt qua hàng trăm thí sinh khác để chính thức khoác trên mình chiếc áo dài của nữ thuyết minh Làng Sen.

Văn hoá - Nữ thuyết minh làm sống lại ký ức tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hình 2).

Hơn 23 năm làm nghề, chị luôn cố gắng và học hỏi trau dồi kỹ năng, kiến thức.

Được làm công việc mình yêu, chị đã gặp gỡ kể chuyện cho hàng nghìn, hàng triệu đoàn khách tham quan từ trong và ngoài nước. Chị chia sẻ: “Khi bắt đầu câu chuyện, tôi đều có những cảm xúc khác nhau. Mỗi lần đang say sưa kể, nhìn thấy đôi mắt đỏ hoe hay giọt nước mắt chảy dài trên gò má của các du khách, tôi phải kiềm lại sự xúc động của bản thân để có thể tiếp tục câu chuyện một cách trọn vẹn nhất”.

Một năm có 365 ngày, có biết bao nhiêu đoàn người về thăm quê Bác. Đặc biệt vào dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì người muốn nghe các chị kể lại nhiều hơn. Công việc lại bận rộn và thêm phần áp lực thế nhưng, trên môi người thuyết minh viên này luôn nở nụ cười.

“Từ lâu tôi không xem đây chỉ là một công việc, mà đó chính là niềm đam mê, là vinh dự tự hào và là trách nhiệm lớn lao của bản thân khi là người truyền tải những câu chuyện về cuộc đời, kỉ niệm của Bác tới du khách tham quan, để tình yêu của mọi người dành cho Bác được nhân rộng nhiều hơn nữa”, chị Thủy nói.

Văn hoá - Nữ thuyết minh làm sống lại ký ức tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hình 3).

Một cựu chiến binh xúc động khi nghe câu chuyện về Bác

Tự hào được thuyết minh về Bác

Hơn 23 năm làm thuyết minh viên, chị Dương Thị Bích Thủy không biết mình đã đón bao nhiêu đoàn khách tới thăm. Nhưng đoàn khách để lại trong chị nhiều ấn tượng nhất, đó là đoàn cựu chiến binh từ miền Nam ra thăm quê Bác. Tấm lòng người lính cụ Hồ luôn khắc sâu trong tim họ, vì vậy khi nghe những câu chuyện của Bác họ đã khóc như những đứa trẻ.

“Người thuyết minh là chiếc cầu nối giữa nhà Bác và hiện vật với mọi người, chính vì thế, khi thuyết minh phải luôn tạo sự gần gũi, thân mật để khách có cảm giác ấm áp trên quê Bác và như nhìn thấy bóng dáng của Người, dù Bác đã đi xa”, chị Thủy bộc bạch.

Văn hoá - Nữ thuyết minh làm sống lại ký ức tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hình 4).

Mỗi năm ngôi nhà đơn sơ nơi Bác sinh ra và sống thời ấu thơ của mình đón từ 1,5 - 1,8 triệu lượt khách.

Mỗi năm, bình quân Khu di tích Kim Liên đón từ 1,5 -1,8 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến thăm. Bởi vậy, tất cả thuyết minh viên làm việc ở đây luôn được tuyển chọn gắt gao, phải hiểu biết lịch sử, văn hóa xứ Nghệ và đặc biệt là phải am tường về cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những người thân của Bác.

Do công việc đặc biệt này đòi hỏi thuyết minh viên không được phép sai sót dù là nhỏ nhất, vì vậy chị Thủy luôn có gắng học tập và trau dồi kiến thức những lúc rảnh rỗi. Trong quãng thời gian làm nghề, chị chưa bao giờ tự cho phép mình mệt mỏi một phút nào.

May mắn được mọi người trong gia đình cảm thông nên chị càng phải cố gắng, nỗ lực hơn. “Hành trang” chị Thủy luôn mang theo vào những ngày đông du khách là chai nước muối để ngậm. “Có ngày đón từ 15- 20 đoàn khách, nói nhiều quá nên nhiều khi khản giọng. Ngày mình mới vào nghề có khi cả tuần không nói ra tiếng”, chị Thủy cười. Với những cố gắng không ngừng nghỉ, chị Thủy đã được đề đạt làm Phó phòng tuyên truyền hướng dẫn ở đây.

Câu chuyện của chúng tôi với nữ thuyết minh liên tục bị gián đoạn bởi các đoàn du khách đến đăng ký nghe câu chuyện của gia đình Bác Hồ. Giữa không gian mộc mạc, giọng của thuyết minh viên xứ Nghệ lại cất lên nhẹ nhàng, đầy sâu lắng. “Dưới mái tranh này, trên chiếc giường tre này, Bác Hồ của chúng ta đã cất tiếng khóc chào đời, sống năm năm đầu tiên của đời mình. Cánh võng này mẹ từng ru Bác ngủ. Chiếc rương nhỏ này của bà ngoại tặng mẹ ngày lấy chồng, Bác đã chập chững, vịn tay men theo nó để sang gian đọc sách, tiếp khách của cha…”.

Văn hoá - Nữ thuyết minh làm sống lại ký ức tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (Hình 5).

Những nữ cán bộ thuyết minh của Khu di tích Kim Liên.

Những câu chuyện của chị Thủy vang lên, cuốn hút tất cả mọi người vào những tháng năm lịch sử, như Bác vẫn đang ở đây. Một số người đưa ống tay áo lên lau nhanh dòng nước mắt khi nghe kể chuyện Bác đã không thể trở về khi các anh chị qua đời do bận việc nước.

Chị Thủy vừa dứt lời trong xúc động, tiếng vỗ tay của đoàn du khách đã vang lên, vang mãi không ngừng. Anh Nguyễn Trung Dũng cán bộ Đoàn thanh niên TP. Hà Nội cho biết: “Đây là lần thứ 2, tôi quay lại Làng Sen quê Bác. Nhưng mỗi lần nghe các chị thuyết minh kể chuyện, không hiểu sao tôi vẫn không kìm được sự xúc động xen lẫn sự biết ơn. Họ đã khiến chúng tôi hiểu về những hi sinh cao cả của Bác Hồ. Vì thế, là thanh niên trẻ tôi phải cố gắng hơn nữa để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích Kim Liên cho biết, được thành lập từ năm 1956 đến nay Khu di tích Kim Liên đã có tới 6 thế hệ hướng dẫn viên. Điều đặc biệt, họ toàn là nữ và đều là con dân xứ Nghệ, chất giọng ngọt ngào, lối kể chuyện hấp dẫn, truyền cảm.

Thanh Bình

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.