Trong căn nhà nhỏ ở đường Phạm Văn Bạch, TP. Đà Nẵng, bà Thao kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện đến nghẹn lòng về một thời bà cùng với tiểu đoàn "tóc dài" phục vụ ở chiến trường khu V ác liệt cũng như việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hàng chục năm qua.
Ký ức của tiểu đoàn trưởng đội quân tóc dài
Bà Phạm Thị Thao sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở phường Hòa Hiệp (quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng). Bà là con thứ tư trong gia đình có sáu anh chị em. Năm 1960, khi vừa tròn 12 tuổi, bà theo các chị anh trong làng tham gia làm giao liên, đi theo cách mạng, mang trong mình lòng căm thù giặc. Nhớ lại những ngày đầu khi bước chân vào con đường cách mạng, bà Thao bồi hồi nhớ lại: "Khi đó, tôi chỉ chừng 12 tuổi. Nhiều lần tôi xin tham gia cách mạng không được vì tuổi còn trẻ, mẹ lại mất sớm khi tham gia mở đường ở huyện Duy Xuyên, cha lại không muốn cho tôi tham gia bộ đội sớm vì các em còn rất nhỏ. Tôi không chịu nên trốn cha lên xã khai thêm lên 4 tuổi để được gia nhập đội giao liên trong xã".
Các cô gái thanh niên xung phong đang vận chuyển lương thực.
Tham gia công tác giao liên ở địa phương được 3 năm, bà Thao lại tình nguyện tham gia vào đội thanh niên xung phong và được điều động công tác tiểu đoàn Bắc Hải thuộc tổng hội thanh niên xung phong Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng - PV) lúc bấy giờ. Bà Thao nhớ những ngày đầu tham gia tải đạn, vận chuyển lương thực ở những khu "rừng thiêng nước độc" càng làm cho nỗi nhớ nhà, nhớ các em nhỏ trong bà càng thêm da diết. Nhưng với lòng căm thù giặc càng tiếp thêm sức mạnh để bà say mê lao vào công việc của mình.
Bà Thao chia sẻ: "Năm 1968, cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đang vào giai đoạn ác liệt nhất, Tư lệnh Quân khu V, quyết định thành lập một tiểu đội nữ để làm công tác vận chuyển vũ khí, đạn dược, cáng thương binh, tăng gia sản xuất để phục vụ cho tuyến lửa. Và tiểu đoàn vận tải 232 - Tiểu đoàn 232 được ra đời. Tôi dù còn trẻ nhưng được Cục Hậu Cần quân khu V tín nhiệm đề xuất làm tiểu đoàn trưởng".
Nhớ lại ký ức những ngày đầu khi nhận nhiệm vụ mới ở tiểu đoàn, bà Thao cho biết: "Tôi khi mới nhận nhiệm vụ mới có biết bao khó khăn, bỡ ngỡ, với thành phần hơn 600 người, đến từ nhiều tỉnh và mỗi tính cách khác nhau. Có những chị hơn tôi hàng chục tuổi, lại có những chị trình độ cao hơn. Lúc đầu tôi đã khóc vì sợ không hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhưng được sự động viên của các đồng chí trong chính ủy quân khu khiến tôi cố gắng quyết tâm hoàn thành".
Khi nhận nhiệm vụ mới, bà Thao mới bước sang tuổi 17, nhưng với thế mạnh của một người từng làm tiểu đội trưởng, bà đã vận hành được một tiểu đoàn lớn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với bà, những năm tháng được phục vụ trong quân đội luôn có những kỷ niệm khó quên.
Bà Thao nhớ lại: "Tháng 7/1968, tôi cùng các đồng đội đang gùi hàng qua vùng trọng điểm đánh phá ác liệt của địch đoạn từ huyện Đại Lộc đến huyện Quế Sơn. Khi vừa giao hàng xong trên đường hành quân về, tôi và đồng đội không may bị quân địch phát hiện. Chúng liền gọi phi pháo bắn liên hồi từ 16h đến tận sáng hôm sau. Trong đêm ấy, một viên đạn cối 105 ly nổ ngang miệng hầm đá nơi chị em tôi đang trú ẩn ở xã Sơn Thạch (huyện Quế Sơn) đã cướp đi sinh mạng của 6 đồng chí, 6 đồng chí bị thương nặng. Nhìn đồng đội, người hy sinh, người bị thương nỗi căm thù giặc trong tôi lại tăng lên gấp bội".
Ngoài nhiệm vụ của một người chỉ huy, bà Thao còn làm công tác kiểm tra, quán xuyến công việc và làm công tác tư tưởng cho chị em. Bà Thao bảo: "Trong tiểu đoàn phần lớn chị em tuổi đời còn rất trẻ, tuổi chỉ mười sáu đôi mươi nên công tác tư tưởng vô cùng quan trọng. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh 12 cô gái được đại đội giới thiệu nhập vào tiểu đoàn 232. Khi vừa bước chân vào tiểu đội, thấy cảnh sinh hoạt vất vả đã làm 12 cô gái này chùn ý chí, cả buổi tối các chị em nằng nặc đòi về quê. Nhưng với kinh nghiệm của một người chỉ huy, bà lại sát sao động viên, an ủi, truyền cho họ ngọn lửa căm thù giặc. Vậy là trong đêm, cả 12 chị em đã thấm nhuần được tư tưởng cách mạng. Sáng hôm sau họ hăng hái tham gia vào tuyến lửa ở đường 9 Nam Lào đi tải đạn.
Chân dung Anh hùng LLVTND Phạm Thị Thao.
Hành trình tìm đồng đội
Chiến tranh đã qua hơn 38 năm, nhưng những ký ức, kỷ niệm về các đồng chí, đồng đội trong mái nhà chung "tiểu đoàn bà Thao" luôn làm bà khắc ghi trong lòng. Ở đâu đó, có những đồng đội vĩnh viễn ở lại đất mẹ, có những đồng đội trở về hòa bình với cuộc sống mưu sinh khó khăn càng làm bà day dứt khôn nguôi. Sau khi giải thể tiểu đoàn duy nhất là phụ nữ của QĐND Việt Nam, trở lại cuộc sống hòa bình, nỗi nhớ đồng đội, những người sát cánh cùng mình trong các trận chiến ác liệt đã hy sinh, luôn thúc giục bà phải tập hợp được chị em về một mối. Vậy là hành trình gian nan đi tìm đồng đội của bà được bắt đầu. Bà nhớ lại những địa điểm, khu vực các đồng đội mình đã ngã xuống. Từ đường 9 Nam Lào, đến các tỉnh Gia Lai, Kom Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, để tìm hài cốt của các đồng đội. Cứ ở đâu đoàn quân "tiểu đoàn bà Thao" đi qua, bà lại phải mất mấy ngày dừng lại làm công tác tìm kiếm.
Nhưng với bà khó khăn nhất bây giờ là nhiều địa điểm đã thay đổi do phát triển kinh tế xã hội. Những gò cao, quả đồi giờ không còn nữa. Mỗi lần đến địa điểm như thế lòng bà trĩu lại. Cũng may mắn cho bà ở những vùng máu lửa như Hiệp Đức, Chu Lai, Quế Sơn, Ái Nghĩa vẫn giữ được hiện trạng di tích nên công việc tìm kiếm đồng đội của bà cũng thuận lợi. Trong 10 năm qua, bà cùng đồng đội đã quy tụ được 19 đồng đội về nghĩa trang TP. Đà Nẵng. Nhưng vẫn còn 40 đồng đội của bà vẫn chưa tìm được. Nghẹn ngào với dòng nước mắt ẩn sâu trong khóe mắt, bà Thao cho biết: "Nghĩ đến đồng đội của mình vẫn lưu lạc đâu đó mà tôi cảm thấy có lỗi với các đồng chí quá...".
Những đồng đội của bà sau khi về địa phương, không ít chị em gặp khó khăn trong cuộc sống. Với cương vị Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong TP. Đà Nẵng, bà lại vận động các đơn vị, các nhà hảo tâm giúp đỡ chị em vượt lên khó khăn. "Trước kia ở tuổi mười tám đôi mươi các chị đã hy sinh tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình cho hòa bình dân tộc với những khó khăn, mất mát không gì bù đắp được. Giờ nhìn các chị khó khăn trong cuộc sống, mình đứng ngồi không yên", bà Thao chia sẻ.
Dưới sự chỉ huy của người tiểu đội trưởng nhanh nhẹn, năng động, tiểu đoàn tóc dài 232 đi hết chiến công này đến thắng lợi khác. Năm 2010, bà Phạm Thị Thao đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đó là phần thưởng cao quý, khích lệ cho những năm tháng gian khổ chiến đấu không mệt mỏi trong tuổi thanh xuân của bà.
> Giải thưởng lớn cho cuộc thi ảnh Việt Nam Xanh
Lê Hữu Tiến