Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm trước thông tin bà Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975) đã dùng hồ sơ của chị gái để xin việc làm, thăng tiến tại Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Cụ thể, bà Thảo chưa học hết THPT nhưng lại lấy bằng tốt nghiệp cấp 3 của chị gái tên là Trần Thị Ngọc Ái Sa để làm hồ sơ xin việc.
Năm 2003, bà Thảo xin vào làm phục vụ tại Nhà khách Tỉnh ủy. Sau nhiều năm làm việc, bà được kết nạp Đảng rồi chuyển sang Văn phòng Tỉnh ủy làm việc, đến nay thì giữ chức Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Ngay sau khi báo chí phản ánh, thông tin trên đã gây sự chú ý đặc biệt của dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xử lý thật nghiêm đối với trường hợp gian dối này. Và, phải làm rõ trách nhiệm của những người liên quan, những cán bộ tuyển dụng bà Thảo.
Xung quanh vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu cho biết: “Trước hết, căn cứ vào nguyên tắc, về mặt Nhà nước đã có nghị định của Chính phủ, còn về quy định của Đảng thì đã có điều lệ Đảng. Căn cứ vào cả 2 quy định, chị Thảo đã vi phạm tính không trung thực.
Tức là không trung thực với cơ quan tuyển dụng mình và khi lập hồ sơ Đảng thì không trung thực với Đảng.
Cho nên, cá nhân con người này phải bị kỷ luật kể cả về mặt chính quyền, về mặt Đảng là đương nhiên”.
Vị ĐBQH nhìn nhận: “Đáng lẽ ra, nếu chị Thảo có ý chí, muốn phấn đấu thì có thể tự học tiếp, vẫn có những cơ hội để phát triển. Thế nhưng, chị Thảo lại chọn cách “đi tắt” bằng sự gian dối, sống trên danh nghĩa là một người khác – mượn bằng cấp 3 của chị gái để làm hồ sơ xin việc.
Nếu một con người đã không trung thực thì dù ở bất cứ lĩnh vực nào, hoàn cảnh nào, làm việc trong cơ quan tổ chức nào… cũng không thể chấp nhận được.
Thực tế, trên báo chí thông tin, ngay bản thân chị Thảo cũng cho biết, bao nhiêu năm qua luôn sống trong sự phập phồng, lo lắng, không biết bao giờ mọi chuyện sẽ vỡ lở”.
ĐBQH Nguyễn Đức Sáu cũng đặt vấn đề: “Về phía người chị gái của chị Thảo, không lẽ cũng không biết chuyện này? Điều này cũng cần làm rõ”.
Liên quan đến việc bà Trần Thị Ngọc Thảo đã được kết nạp Đảng và trách nhiệm của người xác minh lý lịch cho bà Thảo ra sao? Trả lời về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu cho rằng: “Khi kết nạp Đảng, có thủ tục giới thiệu, xác minh lý lịch người vào Đảng. Vậy thì ở trường hợp của bà Thảo, có trách nhiệm của người đi xác minh lý lịch cho bà Thảo và người cung cấp tư liệu.
Ngoài ra, từ sự việc của bà Thảo, cần rút ra bài học kinh nghiệm. Phải làm chặt chẽ hơn trong công tác phát hiện nhân tố mới, giám sát kỹ càng hơn nữa trong việc phát triển chất lượng đảng viên.
Khi biết thông tin, cá nhân tôi cũng thấy xót xa cho cái chung, đây là một bài học rất lớn, cần có cảnh báo toàn diện, đầy đủ. Để làm sao những người được vào Đảng phải là người ưu tú, trung thực”.
Vị ĐBQH nhấn mạnh: “Nếu là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nơi bà Thảo đang công tác, sinh hoạt Đảng thì phải tự thấy mình có lỗi. Lỗi ở đây là trong công tác quản lý, phân công, phân nhiệm “nhầm” cán bộ.
Đối với bà Thảo, phải có hình thức xử lý kỷ luật tương xứng, kỷ luật cả về mặt Đảng và về mặt chính quyền, có thể là khai trừ ra khỏi Đảng và buộc thôi việc. Cán bộ đang trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật thì không giải quyết đơn xin thôi việc”.