Những ngày qua, dư luận không ngừng xôn xao trước thông tin nữ Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk dùng bằng cấp 3 của chị gái để đi học và thăng tiến.
Ngoài việc sử dụng bằng cấp của chị gái để học lên đại học, thạc sĩ rồi chuyển sang Văn phòng Tỉnh ủy làm việc, được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Quản trị (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) thì người nữ trưởng phòng này còn nhanh chóng được vào hàng ngũ của Đảng.
Từ đây, dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi, liệu có ai đằng sau chống lưng cho người phụ nữ chưa học hết cấp 3 này? Quy trình xác minh lý lịch, kết nạp Đảng viên còn điều gì khuất tất?
Để rộng đường dư luận, PV Báo Người Đưa Tin đã có buổi trò chuyện với luật sư Hoàng Ngọc Biên (Phó Chủ tịch Hội đồng Kỷ luật - Khen thưởng đoàn Luật sư TP. Hà Nội) để làm rõ những nội dung này.
PV: Luật sư đánh giá thế nào về việc một cô gái làm nghề cắt tóc gội đầu, chưa học hết cấp 3 nhưng lại được bổ nhiệm chức Trưởng phòng Quản trị (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk)?
Luật sư Hoàng Ngọc Biên: Theo thông tin đăng tải thì người phụ nữ này trước đây từng làm thợ cắt tóc gội đầu, chưa học hết cấp 3 nhưng có hành vi khai báo gian dối, sử dụng giấy tờ, bằng cấp của chị gái mình để thăng quan tiến chức; đây là hành vi sai phạm, đáng bị lên án;
Điều này không chỉ gây bức xúc trong dư luận xã hội mà còn làm mất niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do vậy, có thể đánh giá hành vi của bà Thảo đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng, cần thiết phải áp dụng hình thức kỷ luật là khai trừ (xóa tên) ra khỏi đội ngũ đảng viên của Đảng.
PV: Luật sư có thể đưa ra ý kiến về hướng xử lý nữ đảng viên trong trường hợp này?
Luật sư Hoàng Ngọc Biên: Sau sự việc này, Tỉnh ủy Đắk Lắk cần phải xử lý nghiêm vụ việc trên theo quy định của Điều lệ Đảngvới hình thức kỷ luật cao nhất có thể áp dụng hình thức sa thải (đuổi việc) người nữ trưởng phòng này.
Căn cứ theo Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Trong trường hợp nữ đảng viên này có hành vi “Làm giả hồ sơ để được xét đi học, tiếp nhận, tuyển dụng vào các cơ quan, tổ chức” là thể hiện không trung thực trong kê khai lý lịch, lịch sử bản thân trong hồ sơ cán bộ công chức và lý lịch đảng viên. Vì vậy, cần áp dụng điểm d, khoản 3 Điều 11, điểm a, khoản 2 Điều 22 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng để xem xét xử lý.
PV: Nếu có những thế lực “đứng sau”, nâng đỡ cho cô này trong suốt một thời gian dài liệu có bị xem xét xử lý hay không, thưa luật sư?
Luật sư Hoàng Ngọc Biên: Đối với những người có chức vụ, quyền hạn khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao đã có hành vi cung cấp tài liệu, tạo dựng hồ sơ xác minh không trung thực, xác nhận lý lịch vào lý lịch đảng viên mới không đúng danh tính người được kết nạp Đảng viên cho bà Thảo, nếu vì động cơ vụ lợi mà cố tình che giấu, nâng đỡ cho bà Thảo thì cần áp dụng điểm c, khoản 1 Điều 11 Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng để xem xét xử lý.
Tỉnh ủy Đắk Lắk cần thiết phải rà soát lại quy trình công tác và bổ nhiệm của nữ trưởng phòng này, đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về tính chất, mức độ vi phạm để có hình thức xử lý theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, quy định của Ban chấp hành Trung ương khi xem xét và xử lý đối với tổ chức, cá nhân có sai phạm trong vụ việc của bà Thảo.
Đánh giá về sự việc này, luật sư Nguyễn Trung Tiệp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: Mặc dù bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo) đã thừa nhận hành vi sai phạm như đơn tố cáo đã nêu và tự giác nhận khuyết điểm, đề nghị được giải quyết cho thôi việc.
Song xét thấy sự việc là rất nghiêm trọng nên lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy đã không đồng ý và thống nhất triển khai quy trình xem xét, xử lý kỷ luật đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo) theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với quy định pháp luật và tính chất của sự việc.
Luật sư Tiệp cũng nhấn mạnh, để xảy ra sự việc này, thậm chí kéo dài trong nhiều năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy cần phải kiểm tra, rà soát, xác định trách nhiệm, sai phạm của các cán bộ, đảng viên có liên quan đến quá trình tuyển dụng, tiếp nhận, thẩm tra, xác minh lý lịch, đề bạt, bổ nhiệm bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật Trần Thị Ngọc Thảo), xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước.