Nữ trưởng phòng "đánh tráo nhân thân" bị xử lý hình sự khi nào?
Trao đổi với PV Báo Người đưa tin về sự việc này, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo quy định của pháp luật thì việc sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả để được tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ thì sẽ phải chịu hình thức kỷ luật theo luật cán bộ, công chức là Cách chức và buộc thôi việc.
Biết rõ điều này nên nữ trưởng phòng đã viết đơn xin nghỉ việc. Trong trường hợp không nghỉ việc thì cũng sẽ bị kỷ luật đảng theo hình thức xóa tên và cách chức, buộc thôi việc theo quy định pháp luật.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Phan Kế Hiền – Công ty Luật Bảo Tín (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cũng đưa ra quan điểm về phương hướng xử lý vụ việc như sau: Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chứng minh nhân dân như sau:
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: “Sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; Tẩy xóa, sửa chữa chứng minh nhân dân; Thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn chứng minh nhân dân để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật”.
Tại Điều 27 Nghị định 88/2015/NĐ-CP có quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa những nội dung có liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại cho tổ chức bảo hiểm xã hội số tiền bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp đã nhận do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.
Căn cứ nghị định số 34/2011/NĐ-CP và Nghị định số 27/2012/NĐ-CP, cán bộ, công chức viên chức sử dụng bằng giả thì bị xử lý kỉ luật như sau:
Đối với công chức, viên chức: Công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì bị xử lý kỷ luật với hình thức Buộc thôi việc.
Luật sư Hiền nói thêm, bà Thảo còn có hành vi đổi tên mình, sử dụng tên chị gái để làm hồ sơ xin việc và làm việc, do đó có thể bị xử lý hình sự về Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 340 Bộ luật hình sự 2015.
Với khung hình phạt, nhẹ thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; nặng thì bị phạt tù đến 5 năm.
Cần xử lý nghiêm những người liên quan
Luật sư Phan Kế Hiền cũng cho biết: Đối với việc cho người khác mượn hồ sơ để xin việc nhằm được tuyển dụng vào làm việc là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, tại Khoản 4 Điều 17 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định: Nghiêm cấm hành vi gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, ngoài việc xử lý kỷ luật đối với người phụ nữ này thì cũng cần xem xét trách nhiệm của người đã nâng đỡ không trong sáng người phụ nữ này.
“Chắc chắn có vấn đề trong khâu tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ trong suốt một thời gian dài ở cơ quan này”, luật sư Cường nói.
Do đó, luật sư Cường kiến nghị tới cơ quan chức năng cần làm rõ người nào đã nâng đỡ không trong sáng người phụ nữ này, vì động cơ gì, mối quan hệ ra sao để có hình thức xử lý cho phù hợp...
Ngoài ra, những sự việc liên quan đến sử dụng giấy tờ giả, làm giấy tờ giả có dấu hiệu hình sự. Bởi vậy, sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra hoặc có sự vào cuộc của cơ quan điều tra thì sẽ làm rõ trong suốt quá trình sử dụng bằng giả đó người phụ nữ này đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả nào để được tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm qua nhiều chức vụ khác nhau...
“Việc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả đó có thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của bộ luật hình sự hay không, nếu đủ căn cứ thì phải xử lý hình sự theo quy định pháp luật”, luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư Cường cho rằng việc bà Thảo thay tên, đổi họ, sử dụng bằng cấp 3 của chị gái thì sẽ kéo theo các giấy tờ, tài liệu khác để bổ túc hồ sơ công chức, hồ sơ bộ tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ rất có thể là giấy tờ giả (không giả về hình thức thì cũng giả về nội dung). Người phụ nữ này biết rõ giấy tờ đó là giả (không phải của mình) nhưng vẫn sử dụng để lừa dối cơ quan chức năng thì có căn cứ để xử lý hình sự.
Tại Điều 341 Bộ Luật hình sự năm 2015 quy định: “Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm...”.
Như vậy, theo quy định của bộ luật hình sự hiện nay thì hành vi sử dụng tài liệu, con dấu giả của cơ quan tổ chức, sử dụng giấy tờ tài liệu giả để thực hiện hành vi trái pháp luật thì vẫn bị xử lý hình sự.
Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng giấy tờ, tài liệu giả để được tuyển dụng, bổ nhiệm vào cán bộ, công chức. Người nào biết rõ giấy tờ, tài liệu là giả nhưng vẫn sử dụng để lừa dối cơ quan chức năng, thực hiện hành vi tuyển dụng, bổ nhiệm trái pháp luật thì hành vi này có dấu hiệu hình sự theo quy định tại điều 341 bộ luật hình sự nêu trên.
“Trong trường hợp kết quả điều tra, xác minh cho thấy đã có người làm giả hoặc sử dụng giả giấy tờ, tài liệu thì cần phải xử lý hình sự theo quy định pháp luật”, luật sư Cường nói.
Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy đã giao cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk vào cuộc xác minh vụ việc một nữ trưởng phòng tên Trần Thị Ngọc Ái Sa, có tên, họ, ngày sinh, số CMND, tên cha mẹ trùng khớp với một cán bộ ở một bệnh viện tỉnh Lâm Đồng.
Nhiều người đã “sốc” với kết luận: Nữ trưởng phòng tên Trần Thị Ngọc Ái Sa tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (44 tuổi). Trước đó, bà Thảo “mượn” bằng cấp ba của chị gái của mình có tên là Trần Thị Ngọc Ái Sa để vào làm nhân viên hợp đồng tại Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Tại đây, người này làm việc và đi học thêm lên các bằng cấp cao hơn. Tiếp đó, bà Thảo được nhận vào làm kế toán ở Tỉnh ủy và trưởng phòng như hiện nay.