Nữ tỷ phú mua 100 xe BMW tặng nhân viên, từng theo nghề chỉ nam giới mới làm

Thứ 7, 28/09/2024 13:21

Từng bỏ học để kiếm tiền, nhờ đầu óc kinh doanh nhạy bén và tầm nhìn cực chuẩn, nữ tỷ phú này đã tự mình đạt được những thành công vang dội.

Năm 2006, tức là gần 20 năm về trước, sự việc 100 chiếc xe BMW xếp hàng ngay ngắn trước cửa tập đoàn Vạn Phong ở Chiết Giang (Trung Quốc) đã khiến cả cộng đồng mạng nước này xôn xao. Khi đó, trong văn phòng của tập đoàn này còn để sẵn 100 chiếc chìa khóa BMW.

Trần Ái Liên - chủ tịch tập đoàn Vạn Phong cho biết, mỗi nhân viên cấp cao và cấp trung trong tập đoàn sẽ nhận được một chiếc BMW làm quà. Với tư cách là chủ tịch tập đoàn Vạn Phong, bà muốn dùng phương pháp đặc biệt này để khích lệ nhân viên làm việc hết mình hơn. Rõ ràng, không phải vị chủ tịch nào cũng có tư duy khiến nhiều nhân viên ngưỡng mộ như vậy, nhất là ở thời điểm gần 20 năm về trước.

Tỉ phú từng bỏ học để kiếm tiền

img

Ngay từ thời còn trẻ, bà Trần Ái Liên đã có tư duy khác biệt nổi trội so với những người xung quanh. Chứng kiến cha mình ngày càng có tuổi vẫn phải làm việc vất vả, bà quyết định bỏ học để đi làm, bất chấp sự phản đối của gia đình. 

Ban đầu, bà được phân công làm việc trong một hợp tác xã cung ứng và tiếp thị. Tuy nhiên, công việc ổn định này không phải điều bà mong muốn. Vì vậy, bà Trần Ái Liên đã chủ động xin vào làm trong đội sản xuất - nơi mà tính chất công việc nặng vốn không dành cho nữ giới. 

Cô gái bé nhỏ ấy thậm chí còn tự mình lái máy kéo. Vào thời điểm đó, máy kéo rất hiếm và không nhiều người biết lái chúng. Thông thường, những người đàn ông khỏe mạnh sẽ chịu trách nhiệm điều khiển máy kéo. Đội sản xuất của Trần Ái Liên chỉ có duy nhất bà là nữ giới. 

Nhiều người thấy vậy không khỏi cười nhạo Trần Ái Liên, cho rằng nữ giới chỉ thích hợp với những công việc tỉ mỉ, nhẹ nhàng như thêu thùa. Cha mẹ bà cũng không hiểu được vì sao con gái lại kiên quyết chọn công việc khó như vậy.

img

Đối mặt với sự nghi ngờ năng lực từ mọi người, bà Liên kiên nhẫn học hỏi và thể hiện khả năng của mình. Khi đó, bà lái xe giỏi hơn các học viên khác trong lớp huấn luyện lái xe. Chỉ tiếc rằng do sự chênh lệch về thể chất, bà đã phải nhường vị trí của mình cho một cựu quân nhân. Điều này khiến bà vô cùng khó chịu trong suốt một thời gian dài. 

Rất may sau đó, cựu quân nhân kia được điều sang một đơn vị khác. Vị trí người lái máy kéo lại trở về với bà. Thời gian đó, để nâng cao kỹ năng lái xe của mình, bà luôn lái máy kéo quanh các cánh đồng hoặc trên đường phố. Cha mẹ vốn luôn lo lắng cho bà giờ đây cảm thấy vô cùng tự hào. Bản thân Trần Ái Liên cũng trở nên nổi tiếng khi là nữ tài xế duy nhất trong khu vực có thể lái máy kéo. 

Sau khi nhận được nhiều lời khen ngợi từ mọi người, bà Trần Ái Liên chợt nảy ra một ý tưởng lớn hơn - chế tạo ô tô và sau đó trở thành tài xế ô tô.

Khi rảnh rỗi, bà Liên luôn suy ngẫm về cấu tạo của một chiếc máy kéo, hy vọng một ngày nào đó có thể thực hiện được giấc mơ chế tạo một chiếc máy kéo của riêng mình. Tuy nhiên, giấc mơ này quá lớn và cần nhiều hỗ trợ về mặt kinh tế. May mắn thay, cô đã gặp được chồng mình - Vô Lương Định, xưởng trưởng của một nhà máy dệt, người đã cùng cô dệt nên hoài bão lớn lao này. 

Với óc quan sát nhạy bén và tầm nhìn xa, bà Liên ý thức được rằng với sự tiến bộ của công nghệ, lợi nhuận của ngành dệt may lúc đó đang dần giảm đi, trong khi áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Sớm muộn gì xưởng dệt của chồng bà cũng sẽ bị giải thể. Vì vậy, bà đã đề nghị chồng chuyển sang ngành nghề khác, chẳng hạn như sản xuất lốp xe máy. 

Nhờ tầm nhìn chính xác, sự nghiệp của vợ chồng bà đã khởi sắc rực rỡ. Chồng bà còn tặng vợ mình một chiếc xe máy nhập khẩu từ Nhật Bản làm quà sinh nhật. Chiếc xe máy này rất đắt tiền và bà Liên cho rằng, nếu chỉ sử dụng nó để đi lại hàng ngày thì sẽ không thể phát huy tối đa giá trị của nó.

Vì vậy, bà đã yêu cầu các công nhân trong nhà máy tháo dỡ chiếc xe, biến nó thành nguyên mẫu thử nghiệm. Những chiếc xe máy Vạn Phong ra đời từ đó, thương hiệu Vạn Phong cũng nhanh chóng gây được tiếng vang.

img

Tuy nhiên thời kỳ xe máy rồi cũng đến lúc tàn tại Trung Quốc, nhường chỗ cho xe ô tô lên ngôi. Ngay lập tức, bà Liên quyết định một lần nữa thay đổi lĩnh vực kinh doanh. 

Thời điểm này, Trung Quốc đã cải cách và mở cửa, ngày càng có nhiều người ra nước ngoài làm ăn và Trần Ái Liên không phải là người duy nhất nhận ra những cơ hội tiềm năng trên thị trường. 

Để công ty của mình nổi bật giữa vô số đối thủ cạnh tranh, bà lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu, kế đó là mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang nhiều thị trường hơn. Một là mở ra thị trường mới ở nước ngoài, hai là mở rộng quy mô sản xuất, sản xuất thêm các phụ tùng ô tô khác để mở rộng thị trường.

Nước đi khôn ngoan này của bà đã giúp quy mô của Tập đoàn Vạn Phong ngày càng lớn hơn. Tập đoàn này hiện giờ không chỉ hoạt động tại hơn chục quốc gia mà còn trở thành “ông lớn” trong ngành phụ tùng ô tô.

Năm 2006, tập đoàn Vạn Phong đã chính thức niêm yết thành công. Với bà Trần Ái Liên, đây không chỉ là công sức của riêng bà mà còn là kết quả chung tay cống hiến của các nhân viên. 

Vì vậy, bà đã tặng xe BMW cho nhân viên cấp trung và cấp cao, đồng thời thiết lập nhiều cơ chế khen thưởng khác nhau cho nhân viên cấp thấp. Tại đây, nhân viên chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ công việc sẽ được thưởng điện thoại di động, máy tính, đồ gia dụng hoặc nhận tiền mặt trực tiếp. 

Vào tháng 10 năm 2023, bà và chồng đã lọt vào bảng xếp hạng tỉ phú Hồ Nhuận với tài sản 12,5 tỷ NDT (41.000 tỉ đồng).

Hương Nguyễn (Theo baijiahao)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.