Nữ vệ sĩ chống chọi với cái chết mong gặp mẹ

Nữ vệ sĩ chống chọi với cái chết mong gặp mẹ

Thứ 5, 27/12/2012 23:41

Phạm Thị Phương Dung (SN 1983, quê Vĩnh Phúc) từng là một nữ vệ sĩ xông pha khắp nơi, bảo vệ thân chủ là ca sĩ, đại gia hay các công ty doanh nghiệp. Nhưng giờ đây, cô trở thành một con người tàn phế võ công từ vụ tai nạn lao động, rơi từ trên cao 5 mét xuống đất.

Suốt 3 năm ròng nằm bất động, cô gái mồ côi cha mẹ, không tiền bạc, nhà cửa đang sống nhờ tình thương của những người xa lạ, đã lưu lạc qua nhiều bệnh viện, nhưng trong lòng cô lúc nào cũng khắc khoải một nỗi đau... đi tìm mẹ.

"Tứ cố vô thân" đi làm vệ sĩ

Phạm Thị Phương Dung bắt đầu hồi tưởng lại thời thơ ấu của mình khi sống trong một gia đình nghèo ở tỉnh Vĩnh Phúc. Hàng ngày, cô bé ngoan ngoãn giúp cha mẹ làm việc nhà như: Khiêng gạch, nấu cơm, chặt khoai mì. Nhưng rồi một hôm, có người quen ở trong miền Nam ra gặp, đã tiết lộ cho Phương Dung biết đây không phải là nhà cha mẹ ruột của cô. Lúc đó, cô bé hoang mang, khóc ngất và đi hỏi thì cha mẹ nuôi của cô thở dài thừa nhận vì họ cũng rất thương Phương Dung như con đẻ của mình. Nhưng cũng từ đó, nỗi ám ảnh mồ côi cha mẹ trong lòng càng lớn, cô quyết tâm trốn nhà vào Nam đi tìm cha mẹ ruột của mình.

Pháp luật - Nữ vệ sĩ chống chọi với cái chết mong gặp mẹ

Phương Dung mặc áo dài lúc chưa bị nạn (bên phải)

Phương Dung mới 10 tuổi đã lưu lạc vào Nam tìm mẹ. Tuy nhiên, miền đất phương Nam xa lạ đã khiến Dung lo sợ và tuyệt vọng. Tuy nhiên, Dung vô tình gặp một đoàn tu sĩ ở Long Xuyên đi ngang qua. Thấy Phương Dung khóc, họ liền hỏi chuyện và mang cô bé về nuôi tại một ngôi chùa ở Long Xuyên.

Vào chùa nương nhờ cửa Phật, cô bé được theo sư phụ trụ trì cùng chư tăng, Phật tử đi khắp nơi để làm từ thiện. Do cũng có căn tu, Phương Dung rất dễ ăn chay và siêng năng đọc kinh cầu nguyện hàng ngày. Thấm thoát bốn năm trôi qua, cô bé cũng đã lớn khôn hơn và được sự đồng ý của thầy trụ trì, cô bé tiếp tục hành trình đi tìm mẹ.

Phương Dung tâm sự: "Đường đời trăm ngả biết đâu mà lần, nên chỉ biết đi tìm mẹ trong vô vọng vậy thôi. Nhưng để có tiền làm lộ phí, tôi phải bươn chải làm thuê nhiêu nghề khi lên Sài Gòn để kiếm sống. Thời gian sau, tôi được một người tốt giúp cho ở nhờ nhà. Hàng ngày, tôi đi học bổ túc văn hóa để biết chữ dễ xin việc làm hơn! Một thời gian sau, tôi cũng thi lấy được tấm bằng trung học trình độ bổ túc văn hóa".

Phương Dung vốn thông minh, lanh lợi, nhớ nhanh mà ham thích võ nghệ từ nhỏ. Trong một lần, cô gặp một võ sư thu nhận làm đệ tử, truyền cho những thế võ cổ truyền của Thiếu Lâm, Bình Định và cô được đào tạo để sau này làm huấn luyện viên. Đến tuổi 18, cô xin thầy cho phép ra đời đi làm vệ sĩ, cô cộng tác với các Công ty Tây Sơn, Nam Thiên Long, Long Hải để đi khắp nơi bảo vệ các yếu nhân (nhân vật quan trọng) Ngày đó, cô rất thích mặc những bộ đồ vệ sĩ oai nghi lẫm liệt như vậy.

Pháp luật - Nữ vệ sĩ chống chọi với cái chết mong gặp mẹ (Hình 2).

26 tuổi, Phương Dung về làm vệ sĩ cho một công ty chuyên ngành hàng xuất nhập khẩu ở Q.12. Được một thời gian, tiếp cận với nhiều người trên các miền đất nước. Tình cờ, cô gặp một người quen ngoài Hà Nội cho biết mẹ đang ở Trung Quốc. Cô định nhân dịp Tết xin nghỉ mấy ngày phép ra Bắc gặp lại người quen để đi tìm mẹ.

Phương Dung cho hay qua những câu chuyện chắp vá, rời rạc trong trí nhớ chập chờn của nhiều người dân tốt bụng cho biết tên cha cô là Nguyễn Văn Thành, người ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Mẹ cô tên Quách Thị Ngà, người Quảng Đông (Trung Quốc). Hai người quen nhau khi cha cô đi du học ở Mỹ và đến năm 1983, cả hai về Việt Nam sinh sống. Khi mẹ cô mang thai tháng thứ 7 thì bị té ngã, cô bị sinh non ở bệnh viện trong Sài Gòn và bị bỏ rơi từ đó. Sau đó, bà bỏ về nước còn cha cô lâm bệnh rồi mất.

Quyết sống để mong gặp mẹ

Nằm trên giường bệnh, Phương Dung thều thào chia sẻ: "Cuộc đời tôi là một chuỗi định mệnh thật khắc nghiệt. Tôi bị bố mẹ bỏ rơi, rồi bị tai nạn khiến trở thành tàn phế. Khóc nấc từng hồi, Phương Dung cho biết vào năm 2009, cô bị nạn khi đang làm tổng vệ sinh cho công ty xuất nhập khẩu này. Lúc đó, cô búi tóc gọn gàng, đội nón bảo hiểm tai bèo rồi trèo lên chiếc ghế cao sừng sững để lau dọn bàn thờ tổ công ty cuối năm. Tự nhiên, cô cảm giác bất an, nghĩ quở nếu chẳng may mình sảy chân chắc gãy xương sống chết luôn. Đang đứng trên cao, cô bỗng nghe rầm một tiếng rồi bất tỉnh.

Pháp luật - Nữ vệ sĩ chống chọi với cái chết mong gặp mẹ (Hình 3).

Phương Dung đang tập các tư thế trong vật lý trị liệu

Đến khi tỉnh lại, Phương Dung thấy mình đã nằm trong bệnh viện. Nghe bác sĩ hỏi lý lịch: "Cô ở đâu, tên gì, cha mẹ là ai mà sao bảo mồ côi?, tự nhiên, Dung tỉnh dậy nói: "Tôi đâu có bị nạn. Ôi, công ty sập rồi!". Bác sĩ thấy cô nửa mê nửa tỉnh bỏ đi một mạch, để lại một bà tạp vụ ngồi canh chừng. Lúc đó, cô chảy máu ngập băng ca, không ai ngó ngàng, vì cô không có thân nhân mà cũng chẳng có tiền đóng viện phí.

Hai ngày sau đó, vào sáng 29 tết, người đại diện công ty vô đóng tiền viện phí cho Phương Dung được giải phẫu thì cô đuối sức, vết thương đã thối. Dung đã trải qua ca mổ gãy cột sống (L3, L4), họ gắn cái nẹp inox vào trong xương thịt cô để nối lại các dây thần kinh bị đứt, các đốt xương sống bị gãy luôn. Sau 16 tiếng giải phẫu và sau 13 ngày mổ vết thương. Bệnh viện đã thông báo cô bị liệt nửa người, do vết thương không được giải phẫu kịp thời.

Suốt ba năm trời nằm bất động, cô đã lưu lạc nội - ngoại trú qua nhiều nhà thương: Bệnh viện Âu Dương Lân, Lý Thường Kiệt, An Bình (TP.HCM) cho đến khi hết tiền, cô lại được một ông thầy Đông Y đưa về chữa trong một ngôi chùa ở tỉnh Long An. Sau một thời gian, có người xuống Long An tìm đưa cô tiếp tục trở ngược lên Sài Gòn đến Phòng khám Thiên Phước rồi bỏ cô nằm ở đó. Cô nhớ tới bà ngoại nuôi ở đường Cô Giang, Q.1 liền gọi điện cầu cứu. Bà và con gái bà đến xin cho cô được ở lại đó một tuần rồi đưa về nhà trọ dưỡng bệnh.

Sau đó, cô lại được vào Bệnh viện 115, ĐH Y Dược TP.HCM để chữa đôi chân bại liệt. Cuối cùng, bà ngoại nuôi cùng với một người nhận làm mẹ nuôi ở trong Sài Gòn liên hệ được Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (Q.3, TP.HCM) xin cho Phương Dung vào đây dưỡng thương và tập vật lý trị liệu từ 10/2011 đến ngày nay.

Pháp luật - Nữ vệ sĩ chống chọi với cái chết mong gặp mẹ (Hình 4).

Phương Dung đang ngồi xe lăn

Nhiều lúc tủi thân và đau đớn cho thân xác của mình, Phương Dung đã khóc hết nước mắt khi tuổi đời còn trẻ mà trông mặt cô già như người ngoài 50. Phương Dung nghẹn lời tâm sự: "Lúc nào, tôi cũng mang tâm trạng thất thường, hoang mang của một đứa trẻ lạc mẹ. Bây giờ mình lại rất mong tìm được người chăm bệnh để giúp mình trong lúc hoạn nạn này, vì tôi bị liệt nửa người nên cần người đỡ lên xe lăn, giúp mình làm vệ sinh và kéo chân để không bị tắc nghẽn mạch máu ở hai chân".

Tôi mong ước một ngày nào đó nếu cô đi được thì ngoài tâm nguyện đi tìm mẹ, cô sẽ dốc lòng làm những việc thiện nguyện như số phận đã an bài cho cô, một người có căn tu phải dấn thân trên mọi ngã rẽ bi thương giữa cuộc đời, lấy từ bi bác ái làm sức mạnh tinh thần để vượt qua nghịch cảnh hiện tại.

Hiện nay, bệnh nhân Phạm Thị Phương Dung đang nằm điều trị ở Phòng số 5, Khoa 3, tại Trung tâm Phục hồi chức năng (70 Bà Huyện Thanh Quan, P.7, Q.3, TP.HCM). Cô được các bác sĩ ở đây tận tình khám chữa. Mặc dù được biết bệnh án của cô khá nặng, cần phải qua nhiều năm để phục hồi từng phần, nhưng bây giờ Phương Dung cho biết cô cảm thấy mình tiến triển hơn năm trước là có thể lăn người qua một chút, có thể di chuyển từ giường sang xe lăn. Mong bạn đọc khắp nơi có thể liên hệ trực tiếp với bệnh nhân Phạm Thị Phương Dung qua số điện thoại 0906.744.246, để chia sẻ và tiếp sức hỗ trợ cô gái mồ côi này qua cơn khổ nạn.

Minh Thi


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.