Bích Yến đã tâm sự về cuộc sống, công việc, nỗi vất vả của người phụ nữ theo nghiệp võ và người đã cảm nhận được sự nhọc nhằn của nghề viết...
Cây viết kiêm HLV võ thuật Nguyễn Thị Bích Yến
Ưa thẳng thắn dù dễ mất lòng
Chị thích được mọi người nói đến là nhà văn giỏi võ hay võ sư viết văn?
Từ cái ngày tôi tập tành vài thế võ đầu tiên và bắt đầu viết dăm ba truyện mi ni thì mọi người đã thường đùa tôi là con bé văn võ song toàn. Nhiều người gọi thế là vì câu ấy quen quen, cũng có thể là đùa, hay vì khen cho hợp cảnh, hoặc họ gọi thế vì có người nói thế. Tôi nghĩ nếu họ đọc văn tôi, mục sở thị tôi tập võ rồi tự họ xem tôi có xứng với cái danh đó hay không mới là điều quan trọng.
Có lần chứng kiến tôi chặt cả một chồng ngói cao, nhà văn Đào Quang Thép và nhà văn Hà Phạm Phú lắc đầu: "Ối giời ơi, tao tưởng mày chỉ biết “múa văn” thôi chứ". Sư phụ tôi khuyên: “Con hết tuổi vận động viên rồi đừng cố gắng đá cao như thế”. Những võ sinh nữ thì bảo: “Em chỉ tập võ đến năm mười tám tuổi thôi chứ tập lâu lại "chống ề” như cô thì chết”. Các ông phê bình thì khủng khỉnh: "Văn quá già so với tuổi". Các bạn trẻ thì phang thẳng cánh: “Văn chương gì mà đọc đau hết cả đầu...”. Điều đó thể hiện họ thực sự quan tâm đến tôi đã viết gì và tập như thế nào, chứ không phải chỉ gọi suông.
Giỏi một nghề văn hoặc võ đã là khó, vậy tại sao chị lại theo đuổi cả nghiệp văn và võ?
Chín tuổi tôi tập võ cổ truyền, mười tuổi tôi chuyển sang tập Taekwondo và theo đuổi từ đó đến nay. Lúc bé ai chẳng ước mơ trở thành anh hùng, tôi cũng vậy, cũng tập võ để mong trở thành người giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha, lớn lên mới biết điều đó thật khó. Nhưng luyện tập võ thuật đã ngấm vào tôi, rồi ở lại như người bạn chí cốt, làm sao mà thiếu nó được.
Mặc dù tôi theo học đại học chuyên ngành kinh tế, nhưng vì quá nhạy cảm, hơi tý là tổn thương, đùng đùng lại bỏ đi viết truyện, ban ngày bị mắng thì nhịn đến ban đêm nước mắt ngắn dài viết nhật kí. Thương trường không chấp nhận kẻ như tôi, trong khi những điều ấy lại gần với văn chương và tôi tình nguyện đi theo nó.
Sự nghiệp văn chương và võ thuật ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư và tính cách của chị như thế nào?
Gọi là sự nghiệp thì hơi to tát nhưng tôi đã đi hết chặng đường vận động viên, và đang bước sang giai đoạn huấn luyện viên, trọng tài. Võ thuật cũng đã ngáng đường nhiều chàng trai có ý định tán tỉnh tôi. Lòng nhiệt tình của con nhà võ mang vào đời sống không phải lúc nào cũng đúng, có nhiều khi thua thiệt. Sự thẳng thắn, trung thực trong võ thuật giúp tôi giải quyết nhanh chóng nhiều việc nhưng đôi khi cũng làm mất lòng người khác.
Từng đứng trước đối thủ khiến tôi thích đương đầu với những chuyện bất công, một số trường hợp, bạn bè và đồng nghiệp gọi tôi là người hùng (cười). Khi tôi đang đi công tác ở miền Trung thì được dân làng kể chuyện gạo cứu trợ không đến đúng tay người nghèo. Mặc dù đã 11h đêm tôi vẫn mò đi khắp làng để phỏng vấn và điều tra. Một nhóm người làm nhiệm vụ cấp phát gạo đã chặn tôi và đưa ra cánh đồng, tôi phải tự thoát thân bằng khả năng đối kháng được học. Tuy nhiên, không phải việc bất công nào tôi cũng giải quyết được và điều đó khiến tôi phải viết thành những truyện ngắn.
Võ thuật khiến tôi mạnh mẽ, đôi khi nóng giận nhưng không làm tôi hiếu chiến. Văn học giúp tôi nhận chân giá trị sự việc, luôn xuất phát từ tinh thần nhân văn. Để giữ kỷ niệm võ trong văn, tôi đã lấy bút danh Thần Phong, đó là tên CLB chúng tôi đã tập luyện. Sư phụ dặn chúng tôi học võ không phải để đánh nhau mà để phòng thân (Thần Phong). Vì thế, tôi cho rằng học võ không phải để chiến đấu, văn không phải để phòng thủ mà chúng hoán đổi cho nhau.
Viết văn để được là chính mình
Mảng đề tài văn học nào chị quan tâm?
Một lần tôi viết về đề tài xã hội hiện đại, theo lối tả thực, dễ đọc, dễ hiểu, tính giải trí cao, nhưng đến hai phần ba câu chuyện thì tôi không thể thuyết phục được mình viết tiếp cho đến khi kết thúc. Tôi luôn thích viết theo kiểu pha trộn giữa truyền thống với hiện đại, giữa huyền thoại với tiên đoán, giữa tâm linh với duy vật và có khi là tất cả những thứ đó trộn lại. Nếu anh không cùng tần sóng với những gì tôi đang đề cập trong câu chuyện thì việc đọc nó sẽ làm anh đau đầu và mất hứng thú.
Tôi đã gặp tình huống, một độc giả nữ thì nói rằng: “Thú thực là chị không thể đọc hết những câu chuyện của em, nó khiến chị mệt đầu lắm”, chị khác lại bảo: “Chị hứng thú với những câu chuyện đầy dẫn dụ của em”. Tôi không dao động về những điều đó. Có một chuyện khiến tôi suy nghĩ mãi, đó là một nhà văn Mỹ gốc Do Thái hỏi tôi: “Trong cơ quan cô có nhiều nhà văn không?”. Tôi trả lời: “Có”. Ông ấy lại hỏi: “Họ thường làm gì?”. “Họ làm công việc biên tập và cũng thường viết báo”. ông ấy nói: "Viết báo là công việc của nhà báo, nhà văn phải viết về những dự báo thời cuộc". Có thể ông ấy nói đúng, cũng có thể ông ấy chủ quan, tôi đã kể chuyện này với nhiều nhà văn.
Kế hoạch viết văn và phát triển võ nghiệp của chị trong tương lai?
Người không đặt kế hoạch thường bị thất bại. Tôi biết, biết cả nhược điểm của mình không chịu đặt kế hoạch cho hai việc đó. Tôi luôn viết văn theo kiểu thần hồn nát thần tính, luôn tập võ một mình với bao cát và chưa bao giờ hết chán. Nhược điểm nữa tôi cần khắc phục là chưa đi hết dải đất hình chữ S và cũng chỉ mới đặt chân đến vài nước châu Âu.
Nếu ông Dan Brown có được sự chia sẻ của vợ với hai “quả bom tấn” Mật mã Davinci và Biểu tượng thất truyền, thì tôi chỉ dám mong ước có được người chồng đọc mình, góp ý cho mình trong mỗi tác phẩm. Khi chúng tôi có con, tôi sẽ trở thành huấn luyện viên của con mình và mong ước gửi nó theo học tại Thiếu Lâm Tự, hoặc Viện Hàn Lâm Kukkiwon (Tổng hành dinh của Liên đoàn Taekwondo thế giới), sau 3 năm nó sẽ được đi học văn hóa nhưng vẫn duy trì tập võ cho tới lúc về già.
Nếu được làm lại, chị có muốn thay đổi con đường đã chọn?
Võ thuật cho tôi sức sống (ngày bé tôi rất ốm yếu), vì thế tôi đâu thể chọn lại. Viết văn tôi thấy được là chính mình, nếu không chọn nó tôi sống sẽ là người khác. Tôi thấy tương đối ổn với những gì đến tự nhiên và tìm cách không để nó đi tự nhiên trong khả năng có thể.
Triết lý cuộc sống của chị là gì?
Hãy yêu thương hết lòng cho dù bạn có thể sẽ bị phản bội.
Điều chị muốn tâm sự với công chúng độc giả?
Các bạn là đích, buộc những người viết trẻ như chúng tôi phải lao động nghệ thuật nghiêm cẩn hơn hiện tại.
Trân trọng cảm ơn chị.
Không từ bỏ phong cách riêng trong văn mình "Sau tập truyện “Một nửa là người”, tôi đã viết theo một phong cách khác, đến nhà phê bình cũng phải đọc hai lần mới hiểu. Họ cho rằng tôi sẽ thất bại nếu muốn hướng đến công chúng rộng rãi, nhưng họ lại khuyên tôi đừng từ bỏ, vì đó là cách viết khó, ít người theo đuổi. Một số tác giả trẻ luôn nói rằng viết văn là thú vui. Tôi không nghĩ thế, nghề viết rất cực nhọc nên cuộc sống đời thường cũng chịu nhiều thiệt thòi, người ngoài nhìn vào luôn nhận xét cô ta không bình thường. Một phụ nữ bình thường là biết nấu nướng, chăm sóc chồng con, hòa nhã với đồng nghiệp và có thể sớm được thăng quan tiến chức, còn người phụ nữ kia thì luôn dằn vặt bởi những bất công trong xã hội, bởi lúa mất mùa, vải thiều rớt giá, rau muống nhiễm độc, nạn lừa đảo người lao động...". (Nguyễn Thị Bích Yến) |
Dung Thu